30 năm Hải chiến Gạc Ma: Không lãng quên một phần của lịch sử

'Không một ai bị lãng quên và không ai được phép quên lãng', đó chính là lời mà những người cựu binh Gạc Ma luôn tự nhắc nhở mình và đồng đội suốt nhiều năm qua kể từ sau trận hải chiến 14/3/1988.

Vòng tròn bất tử

Cách đây tròn 30 năm, ngày 14/3/1988, Trung Quốc bất ngờ xâm lược đảo Gạc Ma của ta. Để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, 64 chiến sĩ của ta đã anh dũng ngã xuống. Dấu mốc lịch sử đó cho đến nay vẫn hằn sâu trong tiềm thức của nhiều người, nhất là đối với những người cựu binh Gạc Ma từng trực tiếp tham chiến.

Bên bờ biển, những cựu binh Gạc Ma nhớ lại trận hải chiến 14/3/1988. Ảnh: Lê Chung.

Trong những ngày này, chúng tôi may mắn khi có cơ hội được những người lính Gạc Ma ngày ấy. Qua lời kể đầy cảm xúc, trận hải chiến ác liệt của 30 năm về trước một lần nữa như được tái hiện trước mắt.

Cựu binh Trần Thiên Phụng (quê Quảng Trị) bồi hồi kể lại, ngày đó ông là lính thuộc Trung đoàn 83 – Bộ Tư lệnh Hải Quân được nhận nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền tại quần đảo Trường Sa. Nhận được lệnh điều động, đúng 5h chiều ngày 13/3/1988 đơn vị của ông Phụng đã có mặt tại đảo Gạc Ma. Đến sáng sớm 14/3 thì quân Trung Quốc bất ngờ tấn công lên đảo, chiến sự bắt đầu nổ ra.

“Thời điểm đó lực lượng của ta thì ít và thô sơ, sử dụng tàu vận tải, còn quân địch thì đông lại được trang bị vũ khí, tàu chiến hiện đại. Chúng chuẩn bị từ trước, chủ động tấn công còn bộ đội ta dù bất ngờ nhưng vẫn quyết tâm bám trụ, quyết bảo vệ cờ Tổ quốc, bảo vệ lấy đảo”, ông Phụng nhớ lại.

Cựu binh Gạc Ma cùng người thân làm lễ tri ân, tưởng nhớ những đồng đội đã hy sinh trong trận hải chiến. Ảnh: Lê Chung.

Sau hơn 2 giờ đồng hồ giao tranh, nhiều chiến sĩ của ta hy sinh và bị thương. Đã có 64 chiến sĩ mãi nằm lại vì anh dũng bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng. Ông Phụng cũng là một trong nhiều chiến sĩ bị thương nặng khi tàu HQ 604 bị bắn chìm. Dù may mắn sống sót trở về nhưng lâu nay mỗi lần nhắc đến trận chiến không cân sức này, ông vẫn không khỏi xót xa.

Cũng may mắn trở về từ cõi chết sau trận chiến với vết thương hạng 1/4, cựu binh Gạc Ma Nguyễn Văn Thống (quê Quảng Bình) chia sẻ, đây là trận chiến mà ông nhớ nhất trong suốt cuộc đời mình. Nhớ nhất là hình ảnh của liệt sĩ Trần Văn Phương trước lúc hy sinh, và nhớ cả những tháng ngày lao ngục cùng 9 người đồng đội.

“Tôi còn nhớ hình ảnh cuối cùng trước khi mình gục xuống là anh Trần Văn Phương bị địch bắn chết. Trước lúc hy sinh, tay anh vẫn còn nắm chặt lá cờ Tổ quốc”, ông Thống nghẹn ngào.

Không chỉ có sự hy sinh của liệt sỹ Phương, hình ảnh bi tráng của những chiến sĩ hải quân trong trận Hải chiến Gạc Ma khi hiên ngang đứng thành vòng tròn bảo vệ quốc kỳ về sau này đã được tôn vinh thành “vòng tròn bất tử”, là biểu tượng cho tinh thần quyết tử vì Tổ quốc.

Không một ai bị lãng quên

“Không một ai bị lãng quên và không ai được phép quên lãng”, đó chính là lời mà những người cựu binh Gạc Ma luôn tự nhắc nhở mình và đồng đội suốt nhiều năm qua kể từ sau trận hải chiến 14/3/1988. Trong 30 năm qua, bằng những hành động tri ân khác nhau các cựu binh Gạc Ma cùng người thân, bạn bè luôn nhớ đến sự hy sinh đến các anh.

Cựu binh Lê Hữu Thảo cùng đồng đội kết vòng hoa gửi những người nằm lại nơi đảo xa vì bảo vệ chủ quyền cho Tổ Quốc. Ảnh: Lê Chung

Cựu binh Lê Hữu Thảo (Trưởng ban liên lạc cựu binh Gạc Ma) chia sẻ, dù hiện tại mỗi người ở một nơi và hầu hết đều khá khó khăn nhưng những người lính trong trận đánh bảo vệ đảo Gạc Ma ngày xưa vẫn thường xuyên giữ liên lạc, quan tâm, hỏi thăm lẫn nhau. Mỗi năm ít nhất một lần, trong những ngày tháng 3 như thế này họ lại tìm về bên nhau cùng ôn lại chuyện cũ và tri ân tưởng nhớ đồng đội của mình.

“30 năm thời gian rất là dài với một đời người, nhưng với tôi vẫn không thể nào quên được hình ảnh đồng đội ngã xuống. Rất buồn, rất đau và thực sự chạnh lòng. Chúng tôi muốn làm một điều gì đó, dù là nhỏ nhưng phần nào an ủi thân nhân liệt sỹ và những cựu binh đang còn sống”, ông Thảo tâm sự.

Sau khi xuất ngũ, cựu binh Gạc Ma Trần Quang Dũng (quê Gio Linh, Quảng Trị) trở về quê hương miền biển của mình. Sinh ra trong gia đình có truyền thống đi biển, sau trận hải chiến ông quay về quê hương lấy vợ và tiếp nối nghề của gia đình, nhưng cũng suốt 30 năm trôi qua ký ức về đồng đội một thời vẫn luôn thôi thúc ông hướng về với biển.

Ông Dũng kể, mình vay tiền đóng một con tàu nhỏ ra khơi đánh bắt, vừa gìn giữ nghề truyền thống vừa làm bạn với biển, nơi có quá nhiều kỷ niệm. Người dân thôn Xuân Lộc nơi ông sinh sống vẫn thường hay đùa rằng ông Dũng là thuyền trưởng của con tàu mang tên “tàu bộ đội”, bởi các thuyền viên trên tàu đều là cựu binh Trường Sa. Nói về con tàu đặc biệt này ông Dũng cười cho biết, cái tên “tàu bộ đội” là do người trong thôn yêu mến rồi đặt cho. Con tàu gồm 12 thuyền viên, tất cả đều là lính Trường Sa sau khi xuất ngũ nay quay về làm ngư dân.

Những vòng hoa gửi theo con sóng biển ra đảo xa. Ảnh: Lê Chung

Kể từ trận hải chiến Gạc Ma, hằng năm cứ đến ngày 27/1 âm lịch, dù đang đánh bắt hay ở nhà, ông Dũng cùng bạn thuyền cũng làm một mâm cơm nhỏ, thắp nén hương hướng về Biển Đông nơi các đồng đội ông nằm lại. Trường Sa tuy xa lắm, xa như tên gọi của vùng biển trời thiêng liêng của dân tộc nhưng trong tiềm thức của người cựu binh này, mọi thứ thật gần gũi, gần như những tháng ngày ông cùng đồng đội đi xây dựng và bảo vệ chủ quyền của dân tộc.

“Nén hương lòng tuy nhỏ, nhưng để ấm lòng các anh em đã nằm xuống cho chúng tôi được sống đến hôm nay. Không một ai bị lãng quên, bởi chúng tôi luôn nhớ về những người đồng đội của mình”, ông Dũng bùi ngùi nói.

Lê Chung

Lê Chung

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/thoi_su/30-nam-hai-chien-gac-ma-khong-lang-quen-mot-phan-cua-lich-su-283766.html