30 năm giao lưu văn học Việt – Mỹ: 'Những người đi qua biển'

Ngày 28-10 vừa qua, Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Viện William Joiner (Đại học Massachusetts, Boston, Mỹ) tổ chức Hội thảo '30 năm giao lưu văn học Việt - Mỹ'. Đây là một hoạt động thiết thực góp phần đánh một dấu mốc quan trọng trong hoạt động giao lưu văn hóa nói chung và văn học nói riêng nằm trong nỗ lực hàn gắn những vết thương chiến tranh giữa hai quốc gia từng có nhiều năm tháng ở 2 đầu chiến tuyến...

''Những người đi qua biển - Those who cross the ocean" là tên cuốn sách song ngữ vừa được NXB Hội Nhà văn ấn hành nhân kỷ niệm 30 năm chương trình Hội thảo văn học đầu tiên giữa các nhà văn Mỹ và Việt Nam của Viện William Joiner (1987-2017).

Cuốn sách gồm 21 bài viết, tiểu luận của các tác giả có tên tuổi đến từ Mỹ như Thomas T.Kane, Kevin Bowen, Bruce Weigl, Larry Heinemann, Martha Collins, Fred Marchant và các nhà văn nổi tiếng của Việt Nam như Hữu Thỉnh, Lê Lựu, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Bá Chung, Lê Minh Khuê, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Duy, Dương Thuấn, Nguyễn Quang Thiều... Trong đó, mỗi tác giả như một viên gạch, một thanh giằng góp phần nối nhịp cây cầu văn chương giữa hai đất nước từng đối diện với nhau bằng súng đạn. Những câu chuyện của 30 năm qua được kể bằng lời tâm sự chân thực, mộc mạc và đầy xúc cảm của những nhiều tác giả mà một số người trong số họ từng ở hai đầu chiến tuyến.

Tháng 6 vừa qua, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cùng đoàn nhà văn Việt Nam đã lên đường đến thành phố Boston dự kỷ niệm 30 năm chương trình Hội thảo văn học giữa các nhà văn Mỹ và Việt Nam đã mang theo cuốn sách "Những người đi qua biển - Those who cross the ocean" đến với những người bạn Mỹ - những người đã vượt qua rất nhiều trở ngại để kết nối nhịp cầu văn học với Việt Nam từ 30 năm trước.

Để có được thành quả này, phải kể đến chuyến trở lại Việt Nam lần đầu tiên của một cựu binh Mỹ vào năm 1986 - nhà thơ Kevin Bowen - Giám đốc Trung tâm William Joiner (nay là Viện William Joiner). Chứng kiến một Việt Nam hậu chiến với nhiều vết thương vẫn chưa thể lành lại theo năm tháng, Kevin Bowen quyết định "phải làm một điều gì đó để sửa chữa lỗi lầm mà người Mỹ đã gây ra". Vì thế, năm 1987 đã có một Hội thảo mà ở đó, các nhà văn, các giáo viên là cựu binh và sinh viên có thể chia sẻ quan điểm, ý kiến về việc hàn gắn nỗi đau và tìm ra giải pháp thông qua văn học.

Năm 1987 cũng là năm đầu tiên một nhà văn Việt Nam đồng thời là một cựu binh đã đặt chân đến nước Mỹ - đó là nhà văn Lê Lựu. Như nhà văn Lê Lựu đã viết: "Tôi thật may mắn là nhà văn Việt Nam đầu tiên được Trung tâm William Joiner mời đến Mỹ. Lúc đầu tôi đi là do hào hứng mà đi chứ chưa biết thế nào là trách nhiệm. Nhưng sau này nhận thấy trách nhiệm của mình thật nặng nề, ngoài sức của mình. Khi dự Hội thảo với các nhà văn Mỹ cùng nhiều Giáo sư, sinh viên, họ đặt nhiều câu hỏi để tìm hiểu đất nước và con người Việt Nam.

Nhưng cũng có nhiều người hỏi về đất nước Việt Nam với cái nhìn miệt thị. Có người lại bới móc, khơi dậy hận thù. Có người đả kích để tìm hiểu thái độ của các nhà văn Việt Nam với Chính phủ ta như thế nào. Khi ấy mình mới tỉnh ngộ rằng, mình không phải đến để chơi mà còn một trách nhiệm lớn lao đang đè nặng. Bởi mình đang là đại diện cho cả một đất nước. Đứng trước hoàn cảnh ấy thì mình mới ý thức được điều đó...".

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh (giữa) tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp văn học nghệ thuật Việt Nam" cho Tiến sĩ Tiến sĩ Thomas T. Kane, Tiến sĩ - nhà thơ Kevin Bowen, Tiến sĩ Bruce Weigl và Giáo sư - nhà văn Nguyễn Bá Chung.

Sau chuyến đi có tính chất "mở đường" ấy của nhà văn Lê Lựu, tiểu thuyết "Thời xa vắng" của ông đã được xuất bản tại Mỹ. Năm 1994, tập thơ đầu tiên của nhiều tác giả đã được NXB báo chí Đại học Massachusetts ấn hành mang tên "Thơ từ những tài liệu bị bắt giữ" (Poems from the Captured doccument) do nhà thơ Bruce Weigl và Tiến sĩ Kim Thanh dịch.

Theo chia sẻ của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: "Đó là những bài thơ ghi chép trong sổ tay hoặc trong những giấy tờ khác của những người lính giải phóng Việt Nam bị quân đội Mỹ thu giữ trong chiến tranh. Khi đọc những tài liệu này, các nhà thơ của Trung tâm William Joiner phát hiện ra một điều kỳ lạ là: một hình ảnh mà chủ nhân của những cuốn sổ tay hay giấy tờ ấy đều vẽ là những con chim hòa bình và một loại căn bản được ghi chép trong hầu hết các cuốn sổ tay và giấy tờ ấy là bài thơ về đất nước, về mẹ, về vợ, về những người yêu và giấc mơ trở về cấy cày, gieo hạt, lấy vợ sinh con đẻ cái sau khi chiến tranh kết thúc. Phát hiện ấy đối với những cựu binh Mỹ và người Mỹ có lẽ là một trong những phát hiện lớn nhất về chiến tranh Việt Nam và con người Việt Nam...".

Cũng theo thống kê của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: "Trong suốt 30 năm qua, thông qua Trung tâm William Joiner, văn thơ cả các nà văn Việt Nam từ cổ điển đến đương đại đã lần lượt được xuất bản tại Mỹ như Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, thơ Thiền Lý - Trần, thơ Hồ Chí Minh, Phạm Tiến Duật, Xuân Quỳnh, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Duy, Lâm Thị Mỹ Dạ, Phan Thị Thanh Nhàn, Trần Đăng Khoa...

Trong đó, khi tuyển thơ đầu tiên của các nhà thơ Việt Nam viết trong chiến tranh được dịch ra tiếng Anh và xuất bản tại Mỹ, nhà thơ Kevin Bowen đã đặt tên cho tuyển thơ đó là "Sông Núi". Ông lý giải đơn giản là ông dựa trên tinh thần của bản tuyên ngôn viết bằng những câu thơ về nền độc lập của người Việt Nam: "Sông núi nước Nam vua Nam ở".

Từ đó đến nay, Trung tâm William Joiner đã xuất bản ít nhất 14 lượt tác phẩm thơ dịch Việt Nam, trong đó nhiều tác phẩm của những gương mặt nổi bật trên văn đàn Việt Nam đương đại đã đến với Mỹ qua các thành viên, cộng tác viên của William Joiner. Các tác phẩm này cũng xuất hiện ở 40 tạp chí văn chương trên khắp nước Mỹ và đã có những tập sách được in riêng, in chung của tác giả Việt Nam - Mỹ được bạn đọc hai nước đón nhận.

Trong suốt mấy chục năm qua, cùng với sự nỗ lực hợp tác của các thành viên, cộng tác viên đầy tâm huyết của William Joiner và sự hợp tác, cởi mở của các tác giả Việt Nam như nhà thơ Nguyễn Quang Sáng, Lê Lựu, Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Quang Thiều, Trần Anh Thái... sự hợp tác, giao lưu văn học giữa 2 quốc gia Việt - Mỹ đã có những bước tiến đáng kể.

Từ chuyến đi của nhà văn Lê Lựu đến nay, đã có gần 100 lượt nhà văn Việt Nam đến Mỹ thông qua con đường giao lưu văn học của Trung tâm William Joiner. Trong cuốn sách "Những người đi qua biển - Those who cross the ocean", các nhà văn Việt Nam cũng đã kể lại những câu chuyện cảm động về những chuyến sang Mỹ. Trong hoàn cảnh khó khăn về tài chính của Trung tâm William Joiner, những ngôi nhà của các thành viên William Joiner đã đón tiếp các nhà văn Việt Nam như trong một gia đình...

Vừa qua, trong dịp Viện William Joiner kỷ niệm 30 năm chương trình Hội thảo văn học của các nhà văn Mỹ và Việt Nam tại thư viện Boston, chính quyền thành phố Boston, bang Massachusetts đã công bố quyết định của Thị trưởng thành phố Boston vinh danh nhà thơ Kevin Bowen cho những thành tựu ông đã làm trong mấy chục năm qua trên cương vị là Giám đốc Trung tâm William Joiner và tuyên bố: "Ngày 27-6-2017 là ngày Kevin Bowen tại thành phố Boston".

Trong bản tuyên bố đã nêu rõ: "Dưới sự lãnh đạo của ông, Viện William Joiner đã dịch 14 tập thơ, tuyển thơ cùng các tiểu thuyết của các nhà thơ, nhà văn Việt Nam. Đây là số lượng lớn nhất mà một tổ chức đã làm được trên thế giới. Thực hiện sứ mệnh này, Kevin Bowen đã làm cho nước Mỹ hiểu một cách sâu sắc hơn về nền văn học và văn hóa của Việt Nam, một kẻ thù cũ!".

Tại hội thảo "30 năm giao lưu văn học Việt - Mỹ",nhà thơ Hữu Thỉnh cũng cho rằng: "Hội thảo là dấu mốc đáng ghi nhớ trong quan hệ hợp tác 30 năm qua giữa Hội Nhà văn Việt Nam và Trung tâm William Joiner cũng như trong giao lưu văn học Việt - Mỹ; hy vọng thời gian tới, "người cầm lái" mới của con tàu văn học Viện William Joiner là Tiến sĩ Thomas T. Kane sẽ đưa quan hệ hợp tác giữa Hội và Trung tâm phát triển lên một tầm cao mới.

Trong lời "đáp từ", Tiến sĩ Thomas T. Kane - Giám đốc mới của Viện William Joiner cũng cho rằng: "Sự giao lưu văn học là minh chứng mạnh mẽ trong việc trao đổi văn hóa, hiểu biết lẫn nhau, hàn gắn vết thương chiến tranh. Điều này đã đạt được thông qua những sáng tạo của các nhà văn Việt Nam và nhà văn Mỹ. Trong tương lai, Viện sẽ tiếp tục quảng bá, dịch và giới thiệu nhiều tác phẩm văn học của Việt Nam; tổ chức một số hội thảo về văn học giữa hai bên và về văn học Việt Nam; tổ chức nhiều chuyến thăm, giao lưu giữa các nhà văn Mỹ đến Việt Nam; xem xét thực hiện bộ phim tài liệu về hợp tác văn học giữa Viện và Hội…".

Để ghi nhớ dấu mốc quan trọng này, nhà thơ Hữu Thỉnh thay mặt Hội Nhà văn Việt Nam và Ủy ban toàn quốc Hội Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp văn học nghệ thuật Việt Nam" cho Tiến sĩ Tiến sĩ Thomas T. Kane, Tiến sĩ - nhà thơ Kevin Bowen, Tiến sĩ Bruce Weigl và Giáo sư - nhà văn Nguyễn Bá Chung.

Nguyệt Hà

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/30-nam-giao-luu-van-hoc-viet-my-nhung-nguoi-di-qua-bien-464847/