30 năm FDI: Hưởng trái ngọt nhưng vẫn lọt trái đắng

Nhà đầu tư Mỹ, EU có dấu hiệu bỏ Trung Quốc để đầu tư vào Việt Nam.

Hội nghị tổng kết 30 năm đầu tư nước ngoài (FDI) tổ chức ngày 4-10 không chỉ là lời cám ơn của Việt Nam (VN) mà còn là dịp để vạch ra các định hướng mới.

Đồng hành cùng đổi mới

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng 30 năm qua, FDI đã đồng hành cùng tiến trình đổi mới và mở cửa nền kinh tế. Đưa VN từ một nước kém phát triển trở thành một nước có thu nhập trung bình, có vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế.

Với sự tham gia của đầu tư nước ngoài, nhiều ngành dịch vụ chất lượng cao như tài chính-ngân hàng, bảo hiểm, kiểm toán, vận tải biển, logistics, giáo dục-đào tạo, y tế, du lịch... đã có bước phát triển.

Tuy vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: “Nhiều dự án đầu tư nước ngoài tập trung vào công đoạn gia công, lắp ráp; tỉ lệ nội địa hóa trong một số ngành công nghiệp ở mức dưới trung bình. Các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài và DN trong nước còn thiếu sự liên kết chặt chẽ để cùng phát triển”.

Đặc biệt, việc chuyển giao công nghệ thông qua đầu tư nước ngoài chưa đạt kết quả như kỳ vọng; số dự án đầu tư nước ngoài ở các ngành sử dụng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn chưa nhiều.

“Một số DN có vốn đầu tư nước ngoài chưa tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật VN về bảo vệ môi trường, một số trường hợp đã gây ra sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và cuộc sống của người dân cũng như sự phát triển bền vững của đất nước. Việc sử dụng đất đai và tài nguyên không tái tạo tại một số dự án đầu tư nước ngoài còn lãng phí và kém hiệu quả” - Bộ trưởng Dũng thẳng thắn.

Mặt khác, một số DN có vốn đầu tư nước ngoài có hành vi chuyển giá, thiếu trung thực trong báo cáo tài chính để trốn thuế. Thực tế cũng cho thấy còn trường hợp bên nước ngoài trong các liên doanh đã tạo áp lực buộc bên VN phải nhượng lại phần vốn góp, chuyển DN liên doanh thành DN 100% vốn nước ngoài, làm hạn chế khả năng liên kết và chuyển giao công nghệ.

Thủ tướng thăm gian hàng của các doanh nghiệp FDI. Ảnh: CL

Mỹ, EU bỏ Trung Quốc, về Việt Nam?

Ông Nicolas Audier, đồng Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại VN (EuroCham Vietnam), khuyến cáo VN cần phát huy những gì FDI đã đạt được trong 30 năm qua và giải quyết những khúc mắc về quyền lao động, ô tô, đánh bắt cá, môi trường và dược phẩm...

“Nhiều năm qua, chi phí lao động thấp đã giúp VN thu hút FDI vào nhiều lĩnh vực như dệt may… nhưng cần nâng cao chất lượng lao động trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng” - ông Nicolas Audier nói.

TS Huỳnh Thế Du nhìn nhận hiện nay hầu hết các DN VN vẫn như “ốc đảo”, FDI chưa bám rễ hay lan tỏa và hình thành các cụm ngành có cạnh tranh cao. Chính vì vậy, các thách thức vẫn hiện hữu. Điển hình như hoạt động lắp ráp các thiết bị điện tử hay hàng công nghệ cao dường như vẫn chỉ là sân chơi của DN FDI.

“Những DN hay thương hiệu hàng đầu thế giới như Canon, Intel, Samsung… đã có mặt ở VN và đầu tư rất lớn trong một thập niên qua. Song các nhân tố của cụm ngành điện tử hay công nghệ cao ở VN vẫn còn ở mức sơ khai, mức độ gắn kết với các DN trong nước rất thấp” - TS Du nhận xét.

Một số ý kiến đề nghị Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi tối đa để thu hút các tập đoàn lớn, nhất là các tập đoàn từ Mỹ, khối G7 vào VN đầu tư. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhận định: “Chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có khả năng tác động làm điều chỉnh dòng đầu tư của Hoa Kỳ, EU từ Trung Quốc vào các nước khác, trong đó có VN”.

Tuy thế, Bộ trưởng Dũng lưu ý VN cũng gặp phải không ít khó khăn trước áp lực cạnh tranh với một số nước ở khu vực trong thu hút dòng vốn đầu tư quốc tế đang dịch chuyển.

“VN không thu hút những dự án có công nghệ lạc hậu, không thân thiện với môi trường từ một số nước trong khu vực. Ngược lại, phải thu hút các dự án, DN có điều kiện nâng cấp công nghệ và gia nhập mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển công nghiệp hỗ trợ” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Những con số biết nói

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 8-2018 đã có hơn 26.500 dự án FDI, vốn đăng ký hơn 334 tỉ USD, vốn thực hiện khoảng 184 tỉ USD.

Bên cạnh đó, đầu tư nước ngoài đóng góp gần 20% GDP và là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho vốn đầu tư phát triển với tỉ trọng khoảng 23,7% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Số liệu cũng cho thấy kim ngạch xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài chiếm tỉ trọng ngày càng cao trong xuất khẩu chung của cả nước, đạt 72,6% trong năm 2017 và 71,4% trong chín tháng đầu năm nay.

Đáng chú ý, số thu nộp ngân sách của khu vực FDI tăng đều qua các năm và đạt hơn 8 tỉ USD trong năm 2017, chiếm 17,1% tổng thu ngân sách nhà nước; sử dụng gần 4 triệu việc làm trực tiếp và 5-6 triệu việc làm gián tiếp.

Hiện có 129 quốc gia và vùng lãnh thổ đang hoạt động đầu tư kinh doanh tại VN. Trong đó, Hàn Quốc và Nhật Bản là hai nhà đầu tư lớn nhất với tổng vốn đầu tư gần 117 tỉ USD.

Hiện Samsung là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại VN với tổng vốn đầu tư lên tới 17,3 tỉ USD. Trong chiến lược phát triển của Samsung, VN đóng vai trò quan trọng và là “cứ điểm toàn cầu” không chỉ trong sản xuất mà còn với các hoạt động nghiên cứu và phát triển R&D.

Không phải nhà đầu tư mang gì vào cũng chấp nhận

Phát biểu tại hội nghị 30 năm thu hút FDI tại VN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng khu vực FDI là một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế VN và đang đồng hành, cùng lớn lên với quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Các DN có vốn FDI là những thành viên tích cực trong đại gia đình các DN VN.

“Các bạn đã cùng chúng tôi vượt qua khó khăn và đóng góp thiết thực và hiệu quả cho sự phát triển của VN trong suốt chặng đường 30 năm qua. Chính phủ luôn lắng nghe và luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư để hợp tác cùng có lợi, cùng phát triển bền vững. Sự thành công của các bạn tại VN cũng chính là thành công, niềm tự hào của chúng tôi” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Tuy vậy, Thủ tướng nêu rõ hợp tác FDI là mang tính chủ động, có sự bình đẳng, lựa chọn. Không phải nhà đầu tư nước ngoài mang gì vào ta chấp nhận nấy và điều quan trọng là có lựa chọn, dần thoát khỏi gia công, lắp ráp đơn thuần; nâng tầm trình độ sản xuất, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế quốc gia.

Xuất phát từ thực tiễn của đất nước, Thủ tướng cũng cho rằng từ tư duy thụ động, bị nhà đầu tư nước ngoài vào “mua”, nay chuyển sang các DN trong nước có thể chủ động “mua” lại các DN FDI tại VN để tiếp thu thị trường, kênh phân phối, làm chủ công nghệ, quản lý và phát triển các sản phẩm quốc gia.

CHÂN LUẬN

Nguồn PLO: http://plo.vn/kinh-te/30-nam-fdi-huong-trai-ngot-nhung-van-lot-trai-dang-796214.html