30 năm chắt chiu tình thương

Chiều hôm ấy, Trung tâm Giáo dục Trẻ mồ côi và Người già cô đơn TP. Long Xuyên tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm hoạt động và phát triển. Không hoa, không quà, không diễn văn dài dòng, chỉ có những bàn tiệc xếp cạnh nhau, trong một buổi chiều mưa rả rích. Mọi người thân thiết trò chuyện, dù chẳng phải thân thuộc họ hàng. Nhưng vẫn đủ ấm cúng, đủ vui vẻ, đủ lan tỏa tình yêu thương dành cho nhau...

Năm 1975, khi miền Nam được giải phóng, đất nước bước vào thời kỳ hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa nỗ lực xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội. Thời điểm này, một số người già mất sức lao động, không thân nhân họ hàng, không nơi nương tựa, lấy vỉa hè, mái hiên làm nơi trú ngụ và sống nhờ sự "bố thí" của người hảo tâm. Mãi đến năm 1984, ở nội ô TX. Long Xuyên, nhiều người khất thực vẫn tồn tại, thậm chí có chiều hướng gia tăng, đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Sau nhiều lần bàn bạc, Hội Chữ thập đỏ phường Mỹ Xuyên thống nhất chủ trương: tập hợp những người già sống lang thang, không nơi nương tựa lại để tập trung chăm sóc, nuôi dưỡng bằng chương trình vận động “Hạt gạo nghĩa tình”.

Vậy là, có 23 cụ (cao tuổi nhất là 95, thấp nhất là 66) được tập trung về, cùng một số trẻ mồ côi. Chưa có cơ sở để nuôi dưỡng, nên các cụ, các cháu được hội vận động nhà hàng xóm, nhà hội viên cho ở tạm; vận động nhà hảo tâm và tự cung cấp lương thực hàng tuần, phân công 3 hội viên chăm sóc 1 người. Về sau, để việc nuôi dưỡng được thuận tiện, lâu dài, Nhà dưỡng lão và trẻ mồ côi được xây dựng, từ bàn tay của hội viên Hội Chữ thập đỏ. Họ lao động không công, sáng ăn khoai luộc, trưa chiều cơm cháo, rau mắm, nhưng đồng lòng vận chuyển cả ngàn xuồng đất đắp nền nhà, lo kinh phí xây dựng công trình... Cùng với sự hỗ trợ của UBND tỉnh và TX. Long Xuyên, Nhà dưỡng lão và trẻ mồ côi được chính thức khánh thành, đưa vào hoạt động ngày 20-10-1989. Sau 2 lần đổi tên, hiện nay đơn vị trở thành Trung tâm Giáo dục trẻ mồ côi và người già cô đơn TP. Long Xuyên.

Giám đốc Trung tâm Giáo dục Trẻ mồ côi và Người già cô đơn TP. Long Xuyên Lê Minh Dũng chia sẻ: “Mỗi ngày, các cụ, các cháu được phục vụ 3 buổi ăn chính hợp khẩu vị, đủ chất dinh dưỡng. Cùng với các chi phí khác, ước tính mức phí sinh hoạt cho từng người trên 500.000 đồng/tháng. Họ được sắp xếp ở theo từng phòng, đảm bảo sinh hoạt tối thiểu. Từng tổ, nhóm được chia ra cho tiện quá trình tự quản, chăm sóc, động viên lẫn nhau. Các cụ được tham gia tập dưỡng sinh, đi bộ, các hoạt động giao lưu, họp mặt... Bên cạnh đó, nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho các đối tượng nuôi dưỡng được đặt lên hàng đầu. Tất cả đều có bảo hiểm y tế do Sở Lao động- Thương binh và Xã hội cấp. Bộ phận y tế có y sĩ, y tá thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, điều trị bệnh thông thường, theo dõi các cụ có hiện tượng huyết áp cao, châm cứu hàng ngày cho người có nhu cầu; theo dõi sát sức khỏe của cụ yếu, trẻ bệnh để kịp thời chuyển viện tuyến trên điều trị”.

Ở trung tâm, mỗi người đều có số phận đặc biệt, có nỗi niềm riêng. Nhưng họ không kể tôi nghe những chuyện buồn, mà nhìn theo hướng rất tích cực. Cụ bà Đoàn Thị Lan (82 tuổi) quê ở Thái Bình, vào Nam hơn 30 năm. Không lập gia đình, cụ sống chung với vợ chồng người anh. Dần dần, anh mất, chị già yếu, các cháu trưởng thành, khó có điều kiện chăm sóc cụ. “Thấy vậy, tôi tự nguyện xin vào trung tâm sống quãng đời còn lại. Tôi không nghĩ rằng mình bị bỏ rơi, thiếu chỗ nương tựa. Tôi chỉ muốn mình đỡ gánh nặng cho các cháu. Quả thật, khi vào trung tâm, tôi cảm thấy thoải mái về mặt tinh thần, sức khỏe được chăm sóc tốt hơn trước, có nhân viên và các cụ khác cùng chia sẻ cuộc sống. Đối với tôi, như vậy là hạnh phúc lắm rồi” - cụ Lan bày tỏ.

Trong 30 năm qua, trung tâm đã tiếp nhận, nuôi dưỡng trên 150 cháu mồ côi, bị bỏ rơi ở nhiều độ tuổi. Trong đó có những cháu bị khuyết tật bẩm sinh, thiểu năng trí tuệ, HIV/AIDS, phải đưa đi khám, điều trị chuyên khoa. Không chỉ vậy, việc giáo dục nhân cách cho các cháu được xem là nhiệm vụ hàng đầu, vì các cháu vốn thuộc nhiều thành phần, lứa tuổi, sớm va chạm với xã hội, thiếu sự giáo dục của gia đình. Ở lại trung tâm, các cháu được cho đi học văn hóa, thậm chí được hỗ trợ học đại học, cao đẳng ngoài tỉnh, học nghề để lo tương lai chính mình. Mới mấy tháng nay, trung tâm tiếp nhận anh em song sinh Huỳnh Thanh H.A, H.E (sinh năm 2014). Cha mẹ bỏ đi, cả 2 sống nhờ tình thương của ông bà ngoại. Chẳng may, ông bà già yếu, không thể chăm sóc các cháu, nên trung tâm trở thành mái nhà mới. Tôi không thể nào quên nụ cười bẽn lẽn, vòng tay gầy gò của H.A khi cháu ngồi cạnh tôi suốt buổi tối. Thậm chí, H.A chẳng nỡ buông ra khi tôi phải làm nhiệm vụ phóng viên. Nghe tôi nói lời từ biệt, bé ngước nhìn bằng đôi mắt buồn hiu, kèm cái lắc đầu khẽ. Có lẽ, bé rất cần tình yêu thương của người lớn, để không còn cảm thấy “bị bỏ rơi”. Nhưng tôi tin, bé sẽ có những ngày tháng thật bình yên, thật hạnh phúc, khi ở trong mái nhà nhân đạo ấy!

Trung tâm là một tổ chức nhân đạo xã hội do Hội Chữ thập đỏ tỉnh quản lý, có chức năng tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung những người già neo đơn và trẻ mồ côi bất hạnh (sống lang thang, không nơi nương tựa) theo chế độ miễn phí. Trong 30 năm qua, trung tâm tiếp nhận, nuôi dưỡng 652 lượt người; đảm bảo cho họ các điều kiện sống thiết yếu, nâng cao thể chất và tinh thần; tổ chức cho trẻ được đến trường học văn hóa và học nghề... Tổng giá trị vận động từ cộng đồng ước tính trên 50 tỷ đồng. Hiện, có 47 cụ và 12 trẻ đang được nuôi dưỡng.

Bài, ảnh: GIA KHÁNH

Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/30-nam-chat-chiu-tinh-thuong-a256985.html