30 năm bỏ mặc ngành vaccine, Nhật nay phải trông chờ nguồn nước ngoài

Nền công nghiệp vaccine từng đóng vai trò thiết yếu tại Nhật Bản bị bỏ mặc cho suy yếu trong nhiều năm qua do sự rụt rè của quan chức nước này.

Trong lúc cả thế giới gấp rút phát triển vaccine Covid-19, chưa có vaccine nào do công ty Nhật Bản sản xuất được phê duyệt. Nikkei Asia nhận định Nhật Bản đã bị bỏ lại phía sau Mỹ, Anh, Trung Quốc, Nga và nhiều nước trong cuộc đua phát triển vaccine chống Covid-19.

Nguyên nhân sâu xa được cho là 30 năm không nỗ lực xóa bỏ nghi ngờ trong lòng người dân đối với tác dụng phụ của vaccine, theo bài viết trên Nikkei Asia ngày 10/5.

Phán quyết cột mốc của tòa án năm 1992

Trong suốt thập niên 1980, Nhật Bản sở hữu công nghệ vaccine hàng đầu thế giới trong điều trị thủy đậu, viêm não, và ho gà. Những công nghệ này được nhượng quyền cho Mỹ và các nước khác.

Nhưng hoạt động phát triển vaccine tại Nhật Bản gần như chững lại hoàn toàn sau phán quyết tòa án năm 1992 yêu cầu chính phủ bồi thường cho người dân chịu tác dụng phụ sau khi tiêm chủng. Người dân Nhật Bản coi đây là phán quyết có tính cột mốc mở đường cho các nạn nhân đòi bồi thường trên quy mô rộng hơn.

 Một quan chức Nhật Bản tiêm vaccine chống Covid-19. Ảnh: Reuters.

Một quan chức Nhật Bản tiêm vaccine chống Covid-19. Ảnh: Reuters.

Chính quyền Nhật Bản không kháng cáo phán quyết này. Tiêm chủng cũng không còn là bắt buộc sau khi chính quyền sửa đổi quy định pháp luật vào năm 1994. Từ đó, tỷ lệ tiêm chủng tại Nhật giảm sút vì các phụ huynh trở nên lo ngại hơn về tác dụng phụ.

Cuộc khủng hoảng AIDS cũng có tác động tiêu cực. Năm 1996, một quan chức bộ y tế Nhật Bản bị kết tội ngộ sát do cẩu thả sau bê bối liên quan tới sản phẩm máu bị nhiễm HIV. Dù chính quyền cố gắng quy rõ trách nhiệm, sự việc vẫn khiến giới chức ở Nhật cảm thấy rằng họ sẽ phải gánh chịu hậu quả nếu xảy ra bất cứ chuyện gì, trong khi các chính khách bình yên vô sự.

Khoảng trống trong chính sách

Nhật Bản hiện đối mặt với “khoảng trống vaccine”. Ở Mỹ và châu Âu, quy trình cấp phép sản phẩm chỉ kéo dài vài năm, nhưng con số này ở Nhật là hơn 10 năm. Bộ Y tế Nhật Bản từng cấp phép đặc biệt cho vaccine Pfizer để tiêm cho người cao tuổi, nhưng quy trình cấp phép này chỉ áp dụng với vaccine nước ngoài.

Trong khi đó, chính quyền Mỹ đã tăng tốc phát triển vaccine từ sau đợt tấn công bằng bệnh than năm 2001. Khi trong nước xảy ra khủng hoảng y tế công cộng, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ sẽ phối hợp cùng các viện nghiên cứu và công ty dược phẩm để có phản ứng thích hợp. Cơ quan này còn hỗ trợ về ngân sách phát triển, thử nghiệm lâm sàng, cũng như phê duyệt khẩn cấp.

Thị trường vaccine toàn cầu đang tăng trưởng gần 7% mỗi năm. Các loại vaccine mới được cho ra đời mỗi khi xuất hiện bệnh truyền nhiễm chết người mới, như Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) và Ebola. Công nghệ mRNA dùng trong chế tạo vaccine đã được nghiên cứu trong 20 năm qua và đang được áp dụng để chống lại Covid-19.

Nhưng những công ty tư nhân ở Nhật Bản khó có thể một mình giải quyết vấn đề này vì thiếu động lực thúc đẩy việc phát triển, mua, hoặc trữ vaccine.

Nhật Bản hiện chưa có vaccine tự sản xuất trong nước. Ảnh: AFP.

“Có khoảng trống trong vaccine vì vẫn còn khoảng trống trong chính sách”, Tetsuo Nakayama, giáo sư thuộc Đại học Kitasato, tại Tokyo, nhận định.

Có thể kể đến trường hợp của UMN Pharma, công ty công nghệ sinh học Nhật Bản dùng công nghệ mới phát triển vaccine cúm. UMN Pharma từng dành hơn 100 triệu USD để xây dựng nhà máy sản xuất, nhưng đơn xin cấp phép của công ty bị từ chối vào năm 2017. Căn cứ bác đơn là sản phẩm “thiếu tầm quan trọng lâm sàng” so với các vaccine sẵn có.

UMN Pharma hiện có tổng tài sản âm và thuộc sở hữu của Shionogi - một công ty dược phẩm Nhật Bản khác. Vaccine do UMN Pharma chế tạo đã được phê duyệt ở Mỹ. Điều này khiến một người trong ngành công nghiệp vaccine Nhật Bản đặt câu hỏi liệu còn ai muốn chế tạo vaccine mới trong nước hay không.

Quy định pháp lý phức tạp

Công nghệ và tài năng nghiên cứu cũng đang chảy ra ngoài Nhật Bản.

“Nhật Bản có rất nhiều quy định nhưng lại có hệ thống hỗ trợ yếu kém”, một chuyên gia virus nói. Quốc gia này chỉ có hai cơ sở nghiên cứu có thể xử lý những loại virus nguy hiểm nhất. Nhưng một trong hai cơ sở ấy tới gần đây mới hoạt động trở lại do trước đó bị người dân địa phương phản đối.

Bộ trưởng Cải cách hành chính Taro Kono ngày 18/1 được chỉ định làm người phụ trách chiến dịch tiêm chủng của Nhật Bản. Ảnh: Japan Times.

Hoạt động nghiên cứu vaccine tại Nhật Bản chịu sự điều chỉnh của các quy định phức tạp thuộc nhiều bộ ngành. Thí nghiệm liên quan tới chỉnh sửa gene bị giới hạn trong khuôn khổ Nghị định thư Cartagena. Đây là văn bản pháp lý quốc tế về quản lý an toàn sinh học với sinh vật biến đổi gene mà Nhật Bản đã phê duyệt.

Trong khi đó, châu Âu miễn áp dụng Nghị định thư Cartagena đối với các công ty dược phẩm tại đây. Mỹ chưa phê chuẩn văn bản này.

Các nhà sản xuất Nhật Bản thậm chí còn bỏ qua thị trường trong nước. Chẳng hạn, công ty Takeda Pharmaceutical không có kế hoạch xin cấp phép cho vaccine sốt xuất huyết dengue của mình tại Nhật Bản. Điều tương tự cũng xảy ra với vaccine sản xuất từ lá cây thuốc lá của công ty Mitsubishi Tanabe Pharma.

Trước mắt, Tokyo đã mau chóng chỉ định một bộ trưởng phụ trách vaccine Covid-19. Nhưng sản phẩm do AnGes, Shionogi, và các công ty khác của Nhật Bản dự kiến không được phê duyệt trước năm 2022.

Quốc Đạt

Theo Nikkei Asia

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/30-nam-bo-mac-nganh-vaccine-nhat-nay-phai-trong-cho-nguon-nuoc-ngoai-post1213751.html