30% giá trị lúa gạo bị mất do cơ giới hóa yếu kém

Cơ giới hóa nông nghiệp yếu, đặc biệt là trong khâu bảo quản sau thu hoạch đang làm mất đi từ 10 - 30% giá trị lúa gạo.

Thông tin trên được TS Phạm Văn Tấn, Phó Giám đốc Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch cho biết tại Hội thảo “Thực trạng, phương hướng ứng dụng trang thiết bị, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long” do Sở Công Thương thành phố Cần Thơ phối hợp với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 21/11 tại địa phương này.

Hội thảo “Thực trạng, phương hướng ứng dụng trang thiết bị, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long”. Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN

Hội thảo “Thực trạng, phương hướng ứng dụng trang thiết bị, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long”. Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN

Theo ông Phạm Văn Tấn, việc phát triển không đồng đều ở các công đoạn sản xuất gây tăng chi phí sản xuất và tổn thất sau thu hoạch là một trong những thách thức đã và đang tồn tại trong việc phát triển cơ giới hóa nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Dẫn chứng trong việc sản xuất lúa gạo, ông Tấn nói nếu được xay xát công nghiệp thì tỉ lệ hao hụt chỉ khoảng 5 – 10%.

Trong khi đó, với cách thức xay xát nhỏ lẻ như hiện nay, tỉ lệ này lên đến 20 – 30%. Đây là một sự lãng phí rất lớn.
Không chỉ lúa gạo mà đối với hai mặt hàng chủ lực còn lại của Đồng bằng sông Cửu Long là thủy sản và trái cây, việc phát triển cơ giới hóa cũng còn hạn chế, đặc biệt là sản xuất trái cây.

Theo đó, các khâu như cắt tỉa cành, bón phân, thu hoạch, xây dựng các nhà sơ chế, đóng gói vẫn còn yếu kém. Chính điều này khiến sản phẩm trái cây của Việt Nam khó có thể cạnh tranh được với các nước khác.

Tiến sĩ Phạm Văn Tấn, Phó Giám đốc Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN

Bên cạnh đó, với tập quán sản xuất nhỏ lẻ, quy mô trung bình chỉ 1,1 ha/nông hộ ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay đang là một trong những nguyên nhân khiến ứng dụng cơ giới hóa nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, ông Tấn cho biết.

Tỉ lệ này ở các nước trong khu vực như Lào là 1,7 ha, Thái Lan 3,2 ha/nông hộ.
Ông Phạm Ngọc Minh, Giám đốc Văn phòng Chương trình Tây Nam bộ (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) nhận định, mặc dù là vựa lúa, thủy sản, trái cây, đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế cả nước nhưng tình trạng thường xuyên “được mùa mất giá” cùng với tác động của biến đổi khí hậu đã làm cho năng suất trồng trọt, chăn nuôi ở Đồng bằng sông Cửu Long bị giảm sút, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập của nông dân.
Trước tình trạng trên, ông Minh cho rằng điều cấp thiết hiện nay là cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp để tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng, nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản.
Theo ông Minh, những ý kiến đóng góp của đại diện các doanh nghiệp, nông dân tại hội thảo về nhu cầu thực tế của người dân hiện nay sẽ là cơ sở để Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong cơ giới hóa nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Qua đó góp phần biến khu vực này trở thành trung tâm nông nghiệp và công nghệ chế biến chất lượng cao trong thời gian tới.
Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ, ông Nguyễn Minh Toại nhận định, việc triển khai cơ giới hóa nông nghiệp là xu thế của thời đại, là việc phải làm, nếu ai chậm chân thì sẽ bị tụt hậu.

Theo ông Toại, sắp tới các sản phẩm nông nghiệp sẽ phải được kiểm tra chất lượng đầy đủ, những sản phẩm không đạt sẽ bị đào thải.

Nếu doanh nghiệp hay nông dân không sớm tham gia vào quá trình này mà cứ sản xuất theo tư duy cũ thì đến khi đó, muốn quay lại sẽ rất khó khăn, ông nói./.

Thanh Liêm/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/30-gia-tri-lua-gao-bi-mat-do-co-gioi-hoa-yeu-kem/68531.html