30/4 trong tâm thức một người trẻ

Bom đạn chiến tranh đã lùi xa, ngày 30/4 chỉ còn lại trong tâm thức những người trẻ thông qua lời kể, hình ảnh và những thước phim tư liệu ghi nhận lại từ một quá khứ tàn khốc. 43 năm nhìn lại, những người trẻ của một dân tộc anh hùng đang nghĩ gì trong những ngày cả nước mừng ngày giải phóng miền Nam?

Những thế hệ sinh ra trong bối cảnh đất nước được hòa bình, khắp nơi người người chung sống hòa thuận, yên vui liệu người ta có còn nhớ đến một quá khứ đẫm máu và nước mắt đau thương?

Những ngày cuối tháng tư, khắp nơi lại rợp bóng cờ đỏ sao vàng như để nhắc nhớ về những ngày tháng vẻ vang, ngày kỷ niệm 43 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4/1975 – 30/4/2018.

Nhắc nhớ ở đây không phải là nhắc nhớ về những hận thù đã qua, không phải để khơi lại nỗi đau của thế hệ ông cha đã chịu đựng mà là để tưởng nhớ về một quá khứ hào hùng của dân tộc. Và cũng nhắc nhở chúng ta lòng biết ơn những con người đã có công đóng góp cho lịch sử nước nhà, cũng như giáo dục cho một thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc cùng truyền thống uống nước nhớ nguồn.

43 năm trôi qua kể từ ngày chấm dứt chiến tranh Việt Nam, đất nước đã có sự chuyển mình mạnh mẽ. Sau một quá trình dài đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đất nước như đang thay da đổi thịt. Từ một nước nông nghiệp lạc hậu lại phải chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, đến nay đất nước ta đang từng bước trở thành một nước có nền công nghiệp phát triển và hứa hẹn còn tươi đẹp nhiều hơn nữa trong tương lai gần. Khắp nơi, những tòa nhà cao tầng mọc lên, phố thị đèn đường mở ra. Để có được điều đó, không thể không kể đến sự sáng suốt trong đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật đúng đắn của Nhà nước, và một nhân tố vô cùng quan trọng, đó là sự đóng góp công sức của một thế hệ trẻ mang trong mình nhiệt huyết cống hiến cho Tổ quốc thân yêu.

Chúng tôi, những người còn quá trẻ, sinh ra đã không còn biết bom đạn chiến tranh là gì. Đôi khi một lúc nào đó, nghĩ về 30/4 người ta chỉ đơn thuần hào hứng đó là một chuỗi những ngày nghỉ lễ dài mà không biết rằng, để có được hôm nay, thế hệ đi trước đã đánh đổi những điều gì?

30/4, cờ đỏ sao vàng xuất hiện trên mọi nẻo đường, ngóc ngách làm lòng người cũng rộn ràng hơn. Chúng tôi, những người ở thế hệ này, sẽ mãi không bao giờ phân tích được đến nơi đến chốn nguyên nhân, ý nghĩa và hậu quả của những biến cố trọng đại làm nên lịch sử ngày 30/4. Nhưng chắc chắn, niềm tự hào và biết ơn về một lịch sử hào hùng vẫn được nung nấu trong tâm thức mỗi người trẻ có chăng chỉ là cách thể hiện khác đi.

Trong bối cảnh hiện nay, con người ta sinh ra đã có sẵn cơm no áo đẹp. Trong một thời đại mà thông tin được truyền đi còn nhanh hơn cả tên lửa và sự thật thì được ẩn chứa đằng sau những chiếc bàn phím làm người ta nhầm tưởng rằng lòng yêu nước và tự tôn dân tộc của một thế hệ đang dần bị mai một, đánh tráo cùng sự phát triển của xã hội. Mỗi ngày thức dậy, khắp nơi lại tràn lan tin tức về đánh người, giết người, cướp của, trộm cắp, tham nhũng... làm người ta mất lòng tin về một đất nước mà ở đó những người trẻ, những chủ nhân tương lai đang ngày càng đánh mất mình.

Nhưng... hãy nhìn rộng hơn ở một quy mô lớn hơn. Chúng ta đang than phiền về tình trạng đạo đức suy đồi, về lòng yêu nước bị mai một nhưng vẫn cần nhìn nhận rằng, ở đâu có xấu xa, tiêu cực thì ở đó cũng có những người lên án, tố cáo. Không phải sự thật nào cũng được ngủ yên và không phải ai cũng bằng lòng để cho mọi thứ được chôn vùi. Vẫn có những người sẵn sàng đấu tranh cho công bằng, lẽ phải. Đối với họ, yêu nước không phải là cầm súng lên và xông pha vào chiến trận. Yêu nước nghĩa là đem đến sự thật, công bằng và niềm tin vào một cuộc sống tốt đẹp hơn và hơn cả là chúng tôi có hy vọng về một đất nước có đường lối phát triển đúng đắn sẽ đem lại một trật tự mới về cách hành xử giữa những con người trong chủ nghĩa xã hội và một quy luật sống mới mà ở đó buộc con người phải nhã nhặn và lương thiện hơn.

Tiếng bom đạn đã tắt hẳn để lại phía sau hàng triệu niềm vui xen lẫn nỗi buồn. Có nhiều điều đã biến động, thay đổi kể từ ngày 30/4 năm đó, nhiều giá trị đạo đức, tâm lý và văn hóa đã thay đổi. Các giá trị lỗi thời đã bị đào thải. Nhiều yếu tố tâm lý và văn hóa mới nảy sinh và phát triển, thúc đẩy đất nước vận hành theo một quy luật mới.

Chiến thắng 30/4 là một trong những mốc son chói lọi nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Ngày 30/4 cũng là ngày để khép lại đau thương, mất mát mở ra một kỉ nguyên mới mà ở đó sự hòa hợp dân tộc, gia đình sum họp, cả dân tộc cùng đứng dưới một mái nhà, người một nước cùng nhìn về một hướng, đi cùng chung một con đường… chính là mục tiêu mà mọi người hướng đến.

Chúng ta biết ơn những giá trị tinh thần mà ngày chiến thắng 30/4 mang lại để dân tộc mãi mãi hòa bình và thịnh vượng. Chúng ta lưu giữ ngày 30/4 như là một cách để cả nước tưởng niệm và suy nghĩ về những nạn nhân và sự kiện của một cuộc chiến tranh đã đi qua.

Trong bối cảnh mới, ngày 30/4 còn mang một giá trị tinh thần to lớn nhằm cổ vũ thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Ý chí quyết chiến quyết thắng thôi thúc chúng ta không cam chịu cảnh nghèo nàn lạc hậu, chậm phát triển. Tính sáng tạo, táo bạo, bất ngờ, tranh thủ thời cơ giúp chúng ta biến thách thức thành cơ hội, xoay chuyển tình thế, vượt lên khó khăn, ổn định nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn… Chúng ta đang cùng nắm tay nhau để phát huy sức mạnh hòa hợp và đoàn kết toàn dân tộc để tiếp tục có những chính sách khuyến khích hiền tài, khơi dậy nguồn lực cho toàn xã hội, chăm lo tốt hơn nữa những vấn đề an sinh con người…

Cao hơn nữa, mỗi người dân Việt Nam nói chung và thế hệ trẻ chúng tôi nói riêng muốn lên tiếng với cả thế giới rằng, chúng tôi yêu hòa bình, chúng tôi căm ghét chiến tranh nhưng chúng tôi vẫn luôn sẵn sàng cầm súng bước vào chiến trường nếu có thế lực thù địch muốn chống phá, xâm lược quê hương tôi, Đất nước tôi.

Hơn 4 thập kỷ đã qua, trong tâm thức những người trẻ, 30/4 vẫn là một niềm tự hào bất diệt mà không điều gì có thể dập tắt, thay thế./.

Ngọc Hoài |

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/30-4-trong-tam-thuc-mot-nguoi-tre-61390