30.000 doanh nghiệp 'ma' hoạt động tại Hà Nội?

Cơ quan đăng ký kinh doanh đã rà soát toàn bộ các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội và phát hiện có 30.000 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký từ 1 năm trở lên...

Ảnh minh họa

Nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Nhà nước đã đơn giản các thủ tục về thành lập, tạm ngừng kinh doanh, ngừng hoạt động, giải thể, phá sản doanh nghiệp. Song, chính sách này đang bộc lộ mặt trái với hàng loạt vấn đề phát sinh, nhất là tình trạng mua bán hóa đơn giá trị gia tăng bất hợp pháp.

Nhưng đáng ngại hơn, chế tài xử phạt cũng lộ rõ hạn chế khi hàng loạt doanh nghiệp "ma" cùng các đối tượng liên quan dù bị phát hiện, truy tố, phạt tù trong thời gian qua không giảm mà có xu hướng gia tăng với quy mô, tính chất ngày càng nghiêm trọng.

Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Từ Danh Trung, Phó trưởng Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) cho biết, so với Luật Doanh nghiệp năm 2005, Luật Doanh nghiệp năm 2014 có rất nhiều quy định mới, mang tính đột phá, bước ngoặt trong việc tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp thành lập, đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, sự thông thoáng cùng những kẽ hở của cơ chế, chính sách đã bị một số đối tượng lợi dụng để trục lợi.

"Điều kiện để thành lập doanh nghiệp bây giờ rất thuận lợi nên số lượng doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp chuyển đổi rất nhiều. Vừa qua, cơ quan đăng ký kinh doanh đã rà soát toàn bộ các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội và phát hiện có 30.000 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký từ 1 năm trở lên mà không báo cáo với cơ quan thuế và cơ quan đăng ký kinh doanh", ông Từ Danh Trung khẳng định.

Trước những kẽ hở chính sách, Phó Cục trưởng Cục Thuế thành phố Hà Nội, ông Mai Sơn lo ngại, nhiều đối tượng đã lợi dụng sự thông thoáng trong cấp giấy phép đăng ký kinh doanh để làm ăn, thu lợi bất chính. Mua bán hóa đơn VAT nhằm chiếm đoạt tiền ngân sách chỉ là một trong những vi phạm của doanh nghiệp “ma”.

Các đối tượng tội phạm còn trục lợi các sắc thuế khác như thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, thuế xuất nhập khẩu và thuế nhà đất. Tình trạng này không chỉ gây thất thu cho ngân sách mà còn khiến công tác quản lý nhà nước về tài chính gặp nhiều khó khăn.

Thượng tá Đàm Văn Khanh, Phó Trưởng phòng An ninh điều tra, Công an thành phố Hà Nội cũng cho biết, cuối năm 2017, Cơ quan an ninh điều tra phối hợp với Phòng An ninh kinh tế và Cục Thuế Hà Nội cùng các cơ quan chức năng triệt phá đường dây thành lập 17 công ty “ma” để mua bán hóa đơn của Nguyễn Thị Đào và đồng bọn.

Ngoài những công ty này, khám nhà Đào, cơ quan điều tra còn thu được chứng từ liên quan đến việc chuyển nhượng doanh nghiệp của 46 công ty có dấu hiệu được sử dụng nhằm mục đích mua bán hóa đơn trái phép.

Khi mua bán, chuyển nhượng doanh nghiệp, các đối tượng tìm cách sang tên, chuyển đổi người đại diện pháp luật bằng hình thức sử dụng chứng minh thư công chứng, chứng minh thư giả, chứng minh thư cũ nát, để đưa đi thẩm định gây nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý và cơ quan điều tra.

"Vì thế, khâu thẩm định chuyển nhượng doanh nghiệp là rất quan trọng. Khi làm thủ tục chuyển nhượng doanh nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư phải thẩm định người được chuyển nhượng xem có chính xác không, chứng minh nhân dân cũ nát phải yêu cầu làm lại. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang hết sức trăn trở về công tác hậu kiểm doanh nghiệp sau thành lập hiện nay" - Thượng tá Khanh chỉ rõ.

Khánh Công

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/phap-luat/201802/30000-doanh-nghiep-ma-hoat-dong-tai-ha-noi-595697/