3 vấn đề phụ huynh cần 'khắc cốt ghi tâm' khi áp dụng 'kỷ luật tích cực' với con

Trước sự lo lắng của nhiều bậc phụ huynh khi con em mình vừa khởi động năm học mới, Trường PTLC quốc tế Gateway và Trường mầm non quốc tế Sakura Montessori đã phối hợp với Nhà xuất bản Phụ nữ tổ chức hội thảo bàn về 'Kỷ luật tích cực'. Theo đó, có 3 vấn đề được đặt ra mà phụ huynh cần quan tâm.

Tạo khuôn khổ nhưng cần phải tôn trọng trẻ

Tại hội thảo, các chuyên gia đều thống nhất quan điểm, chìa khóa then chốt trong tinh thần kỷ luật tích cực được đề cập đến là sự “tôn trọng”, chứ không phải “trừng phạt”.

Các diễn giả (từ trái qua phải): Ông Hoàng Anh Đức, Giám đốc học thuật Trường PTLC Quốc tế Gateway, ông Nguyễn Bảo Trọng, Giám đốc học thuật Trường Mầm non Quốc tế Sakura Montessori, bà Phan Thị Hồ Điệp, giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội - mẹ của thần đồng Đỗ Nhật Nam

Giảng viên Phan Hồ Điệp cho rằng, “kỷ luật tích cực” là tạo ra một khuôn khổ nhất định nhưng khuôn khổ ấy phải đảm bảo sự tôn trọng con trẻ. Theo đó, giảng viên Phan Hồ Điệp đưa ra một số quy tắc để phụ huynh có thể áp dụng với con em mình:

- Tương tác với con bằng cách đặt câu hỏi để hiểu con hơn.

- Luôn có thời gian biểu cho con, thời gian biểu có thể là bằng tranh với những bé chưa biết đọc.

- Tạo cho con một không gian riêng để con có thể trút sự cáu giận ở đó. Bạn có thể cho con vào phòng tắm nghịch nước cũng là một ý kiến tốt.

- Tôn trọng sự tự lập của trẻ: Khi trẻ đang chơi mà bị người khác hỏi han thì sẽ làm giảm sự sáng tạo và tập trung của trẻ. Hãy để trẻ tự làm những việc trẻ có thể.

- Nuôi dạy con là quá trình phụ huynh “được là chính mình”. Vì thế, phụ huynh không cần phải thay đổi gì cả, hãy tiếp cận với con một cách rất “mẹ”.

Về phía các thầy cô giáo, bà Phan Hồ Điệp đã trích dẫn một chi tiết trong bộ sách “Kỷ luật tích cực” gồm 2 cuốn sách 'Kỷ luật tích cực' (dành tặng phụ huynh) và 'Kỷ luật tích cực trong lớp học' (dành tặng giáo viên) mà bà rất tâm đắc. Đây là bộ sách do Trường PTLC quốc tế Gateway và Trường mầm non quốc tế Sakura Montessori mua bản quyền và NXB Phụ nữ phát hành.

Bộ sách “Kỷ luật tích cực”

Bà kể chi tiết đó như sau: “Một cô giáo đã quá nóng nảy mà đánh học trò của mình vì tội đánh bạn trong lớp. Ngày hôm sau, cô giáo tìm gặp cậu học trò để xin lỗi. Ngay sau đó, cậu học trò cũng nhận lỗi với cô giáo vì mình đã đánh bạn. Không giống những giáo viên khác, khi cậu học trò định chạy đi xin lỗi bạn thì chính cô giáo lại khuyên: “Con không phải vội đâu, cứ từ từ suy nghĩ tiếp về câu chuyện đã xảy ra. Khi nào con suy nghĩ xong thì đi xin lỗi bạn cũng được mà!”. Hành động ấy của cô giáo khiến cậu học trò thấy mình được tôn trọng.

Theo giảng viên Phan Hồ Điệp, chúng ta hãy để trẻ được nói về cảm xúc của mình, đó là cách giữ mối liên lạc với trẻ nếu không muốn trẻ “đóng cửa” với mình. Ngược lại, người lớn cũng nên chia sẻ cảm xúc của bản thân và hãy để trẻ thấy rằng, người lớn không phải lúc nào cũng đúng, cũng có khi sai. Có như vậy, trẻ sẽ cảm thấy gần gũi và tin tưởng chúng ta hơn.

Sự vinh danh con trẻ có là con dao hai lưỡi?

Tại hội thảo, một phụ huynh học sinh đã đặt câu hỏi: “Để khuyến khích các con có kết quả học tập tốt, cô giáo và nhà trường đã vinh danh những HS xuất sắc của tháng. Con trai tôi đã từng đạt được danh hiệu này một lần và sau đó cháu không đạt được nữa. Cháu đã rất buồn và tự ti về bản thân mình. Liệu cách tôn vinh của nhà trường để khuyến khích các con phấn đấu trong quá trình học tập nhưng lại là con dao hai lưỡi khiến trẻ tự ti?

Sự vinh danh con trẻ có là con dao hai lưỡi?

Trước băn khoăn này, ông Hoành Anh Đức, Giám đốc học thuật Trường PTLC Quốc tế Gateway đã trao đổi và đồng quan điểm với phụ huynh rằng: Nhà trường nên đưa ra nhiều xếp hạng khác nhau chứ không nhất thiết chỉ xoay quanh việc học tập, có thể là những xếp hạng về lao động, ngoại khóa, về sinh hoạt bán trú… những xếp hạng để tôn vinh những hành động rất đổi bình thường… Mỗi học sinh có một thế mạnh của mình. Làm như vậy, đứa trẻ sẽ luôn cảm thấy mình là người có ích và sẽ cố gắng phấn đấu phát huy thế mạnh của mình.

Bên cạnh đó, ông Hoành Anh Đức cũng cho rằng, trong trường hợp này, phụ huynh có thể khuyến khích con “vui chung với niềm vui của bạn” khi bạn đạt được thành tích cao bởi không nhất thiết lúc nào con cũng phải là người “đứng trên bục vinh quang” mà quan trọng là con luôn cố gắng rèn luyện bản thân để đạt kết quả tốt nhất có thể.

Làm thế nào để trẻ yêu thích sách?

Tại hội thảo, khi phụ huynh đặt câu hỏi “làm thế nào để trẻ thích đọc sách”, giảng viên Phan Hồ Điệp đã chia sẻ một số bí quyết sau:

Ảnh minh họa

- Phụ huynh nên chọn sách theo sở thích của con: Có thể là sách tranh vẽ hình siêu nhân mà con thích, trò chuyện với con về hình vẽ trong sách cũng là một cách đọc sách rồi.

- Đa dạng hóa cách đọc: Mẹ có thể thuyết phục con đọc sách để mẹ ghi âm lại, đến buổi trưa đi làm, mẹ nhớ con, mẹ sẽ mở ghi âm ra nghe. Cách làm như vậy có thể khiến trẻ cảm thấy hào hứng hơn với sách.

- Tự làm sách: Để con dần có tình yêu với sách, mẹ có thể cùng con làm ra sách như làm sách bằng lá cây, bằng giấy màu… miễn sao để con bắt đầu hiểu về ý nghĩa của sách.

- Tạo không gian khác biệt: Có thể đọc sách trong bếp nếu trẻ là đứa thích ăn uống...

H.Y

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/ky-nang/3-van-de-phu-huynh-can-khac-cot-ghi-tam-khi-ap-dung-ky-luat-tich-cuc-voi-con-post48387.html