3 vấn đề cần lưu ý khi thực hiện cải cách chính sách BHXH

Thảo luận tại hội trường chiều 26/10, đại biểu quốc hội Bùi Sỹ Lợi - Đoàn Thanh Hóa, đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm thực hiện các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là việc thực hiện cải cách chính sách BHXH theo Nghị quyết 28-NQ/TW.

Theo đại biểu Bùi Sỹ Lợi, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay, Trung ương đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng. Do vậy, Chính phủ cần tập trung nghiên cứu để sửa đổi hệ thống chính sách, nhằm bảo đảm các nghị quyết này đi vào cuộc sống.

Liên quan đến Nghị quyết 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương, theo đại biểu Lợi, Nghị quyết đã nêu rõ 5 nguồn lực để thực hiện cải cách. Nếu không tạo nguồn, cải cách tiền lương sẽ rất khó khăn. "Đảng và Nhà nước rất quyết tâm, nhưng chúng ta đã 2 lần lỡ hẹn với cải cách tiền lương. Tôi đề nghị, cần tăng cường sắp xếp tổ chức lại hệ thống chính trị, đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập và nhanh chóng chuyển cơ chế phân cấp tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Đây chính là điều kiện để vừa giảm biên chế, vừa tạo nguồn lực cải cách chính sách tiền lương"- đại biểu Lợi kiến nghị.

Trong khi đó, liên quan Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH, đại biểu Lợi chỉ rõ, Nghị quyết đã đề ra mục tiêu bảo đảm tất cả NLĐ từ 15 tuổi trở lên phải tham gia vào hệ thống chính sách BHXH. Đây chính là chính sách an sinh xã hội đặc biệt quan trọng, để bảo đảm ổn định đời sống của người dân. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta mới đạt 30% lực lượng lao động (tương đương khoảng 14 triệu lao động) tham gia BHXH; hiện còn 40 triệu lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân thuộc khu vực phi chính thức chưa được tham gia BHXH.

Đại biểu quốc hội Bùi Sỹ Lợi - Đoàn Thanh Hóa

Vì vậy, đại biểu Lợi kiến nghị 3 vấn đề cần lưu ý khi thực hiện chính sách này. Cụ thể:

Một là, từ 1/1/2018, Chính phủ đã hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng khác theo mức 30%, 25% và 10% để tham gia BHXH tự nguyện. Mức này không đủ cơ hội để người nghèo, cận nghèo đáp ứng được nhu cầu tham gia. Vì vậy, đề nghị Chính phủ nghiên cứu để nâng mức hỗ trợ lên.

Hai là, hiện mỗi năm cứ 1 triệu người tham gia vào hệ thống BHXH, thì số ra khỏi hệ thống lên tới 600.000 người. Vì vậy, đề nghị Chính phủ tổng kết Nghị quyết 93 của Quốc hội khóa XIII về BHXH một lần, để chúng ta định hướng cho người dân tham gia BHXH, bảo đảm quyền lợi khi về già.

Ba là, đề nghị Chính phủ phát hành trái phiếu Chính phủ để nhận nợ BHXH cho NLĐ tham gia BHXH trước năm 1995 theo đúng tinh thần Nghị quyết 64 của Quốc hội khóa XIV.

Ngoài ra, đại biểu Bùi Sỹ Lợi cũng cho ý kiến về một số vấn đề liên quan nhà ở cho người có công, người nghèo, nhà ở xã hội và NLĐ có thu nhập thấp ở các KCN. Theo đại biểu Lợi, đây là mục tiêu quan trọng của Đảng và Nhà nước; song đang là thách thức đối với Việt Nam.

Tính đến hết tháng 9/2018, cả nước đang hỗ trợ và tiến hành xây dựng nhà ở cho người có công cho 244.044/393.707 hộ (đạt 62% so với Đề án). Như vậy, vẫn còn 33% chưa được triển khai, không đạt được mục tiêu cuối năm 2018 hoàn thành chỉ tiêu cho người có công. Về nhà ở cho người nghèo, đến hết tháng 6/2018, cả nước hỗ trợ cho 74.000 hộ vay làm nhà (chiếm 28% với tổng số vốn 1.872 tỉ đồng), trong khi chương trình cả giai đoạn 2016-2020 phấn đấu xây dựng 260.000 hộ với 6.700 tỉ đồng.

Riêng về nhà ở cho công nhân các KCN và nhà ở xã hội, tháng 7/2018, chúng ta đã hoàn thành 186 dự án quy mô 75.000 căn, nhưng mới đạt 30% so với chỉ tiêu đến năm 2020. Đây là thách thức rất lớn, bởi vướng mắc ở cơ chế, chính sách. Do đó, đại biểu Lợi đề nghị Chính phủ xây dựng đề án báo cáo Quốc hội có nguồn phân bổ ngân sách từ Trung ương tương đương 30.000 tỉ đồng mà chúng ta đã xử lý trước đó, nhằm bảo đảm người dân, nhà đầu tư có cơ hội vay vốn với lãi suất hợp lý để làm nhà cho người có thu nhập thấp.

Nguyệt Hà

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/kinh-te/tai-chinh-bao-hiem/3-van-de-can-luu-y-khi-thuc-hien-cai-cach-chinh-sach-bhxh-47575