3 truyện tranh Việt có cơ hội được lên màn ảnh

Mới đây, cộng đồng truyện tranh Việt Nam có dịp dậy sóng khi thông tin Bad Luck – Số nhọ của tác giả Nguyễn Huỳnh Bảo Châu được chuyển thể thành phim sitcom và phiên bản điện ảnh. Sự kiện này đã mang lại sự hào hứng và phấn khích rất lớn cho cộng đồng truyện tranh Việt Nam. Phim ảnh được chuyển thể từ truyện tranh không phải là bước tiến mới trên thế giới, nhưng ở Việt Nam là thử nghiệm khá mới mẻ và tích cực. Điều đó cho thấy, điện ảnh của chúng ta đang có bước chuyển mình mạnh mẽ, đã đến lúc truyện tranh không chỉ nên xuất hiện trên những trang sách nữa. Hãy cùng TGĐA điểm mặt gọi tên ba tác phẩm truyện tranh có khả năng 'làm nên chuyện' này nhé.

Thần đồng đất Việt

Thần đồng đất Việt là bộ truyện tranh thiếu nhi nổi tiếng của Việt Nam được phát hành từ năm 2002. Hiện, bộ truyện này đã xuất bản hơn 200 tập. Đây được coi là bộ truyện tranh Việt Nam dài nhất và thành công nhất cho đến thời điểm hiện tại.

'Thần đồng đất Việt' là bộ truyện tranh thiếu nhi nổi tiếng của Việt Nam

Câu chuyện lấy bối cảnh thời Hậu Lê, xoay quanh nhóm bạn nhỏ tuổi Tí, Sửu, Dần, Mẹo, trong đó Tí là thần đồng có tài trí vượt bậc.

Từ nhỏ, Tí đã thể hiện mình là một người con hiếu thảo, ham học và có trí thông minh hơn người. Ở làng Phan Thị, với tài trí của mình, cậu cũng đã giúp mẹ, các bạn của mình và những người dân trong làng giải quyết nhiều vấn đề khó khăn.

Vượt qua ba kì thi Hương, Hội, Đình một cách xuất sắc, cậu trở thành trạng nguyên nhỏ tuổi nhất của Đại Việt. Tí cùng Sửu, Dần và Mẹo đã có công lớn trong việc phò trợ vua Lê chống lại sự xâm lược của Đại Minh và đối phó với các sứ thần mà Đại Minh cử sang.

Đây là dự án khả thi nhất, có thể được hoàn thành năm 2018 này

Trong triều đình, Trạng Tí là vị quan thanh liêm nên bị Tể Tướng Tào Hống ghen ghét, tìm cách hãm hại, nhưng phần lớn cậu đều chiến thắng. Nhờ tài trí vượt bậc, Trạng Tí được vua giao trọng trách đi sứ Bắc Quốc. Ở đó, cậu gặp nhiều khó khăn, thậm chí suýt thiệt mạng. Tuy đã ra làm quan nhưng đôi lúc Trạng Tí vẫn được vua cho phép về quê để chăm sóc mẹ và giúp đỡ dân làng.

Đây là dự án khả thi nhất, có thể được hoàn thành năm 2018 này bởi đơn vị mua bản quyền sản xuất chính là công ty VAA của Ngô Thanh Vân và đã được công bố do Studio 68 của cô thực hiện.

Long Thần Tướng

Long Thần Tướng (tên đầy đủ: Truyền thuyết Long Thần Tướng) là bộ truyện tranh lịch sử giả tưởng của nhóm tác giả Phong Dương Comics.

Được ra mắt vào tháng 11/2014, cuốn sách đã gây tiếng vang lớn trong dư luận

Bộ truyện lấy bối cảnh là quãng thời gian trước khi diễn ra cuộc chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai – một trong những trang sử hào hùng nhất của nước nhà. Câu truyện Long Thần Tướng diễn ra trong giai đoạn 1282 – 1284. Đây là giai đoạn đấu trí vô cùng căng thẳng giữa nhà Trần với nhà Nguyên, họa xâm lăng đã cận kề bờ cõi.

Được ra mắt vào tháng 11/2014, cuốn sách đã gây tiếng vang lớn trong dư luận. Tháng 1/2016, Long Thần Tướng được Bộ ngoại giao Nhật Bản trao giải Bạc giải thưởng International Manga Award lần thứ 9 - một trong những giải thưởng truyện tranh uy tín nhất trên thế giới.

Người Hy Lạp cổ đại đã thành công trong việc biến bộ não thành nơi lưu trữ thông tin, những người này được gọi là “Clio”.

'Long Thần Tướng' được Bộ ngoại giao Nhật Bản trao giải Bạc giải thưởng International Manga Award lần thứ 9

15/3/1285, một Clio đã cập bến Bạch Đằng, giữa lúc chiến tranh Nguyên - Đại Việt đang diễn ra vô cùng khốc liệt. Ông được hộ tống thẳng đến Thăng Long Thành, được bí mật đưa đến gặp một vị tướng tài danh họ Trần.

Nhiệm vụ của ông là lưu lại ký ức về một trong những kế hoạch mạo hiểm nhất, một trong những chiến dịch phản gián liều lĩnh nhất trong lịch sử đất nước. 2011, gần 700 năm sau, Trần Hàn Dương – một nhà nghiên cứu sử học đã biết về bí mật Clio. Ông đi khắp đất nước để tìm ra bí mật về dòng họ của mình.

Câu chuyện bắt đầu tập trung vào cuộc sống của mẹ con My – một người gác tàu. Hai mẹ con sống đơn giản trong căn gác trọ nghèo nàn.

Đứa con gái của My đã 6 tuổi. Một hôm, khi vào siêu thị chơi, con gái của My bắt gặp một số ký hiệu cổ được chiếu trên màn hình. Ngay lập tức, cô bé có biểu hiện kỳ lạ, người cứng đờ, miệng lẩm bẩm kể chuyện. My vội vã bế đứa con bỏ chạy khỏi đám người hiếu kỳ.

Câu truyện 'Long Thần Tướng' diễn ra trong giai đoạn 1282 – 1284

Nhưng cô không biết rằng, việc trình chiếu các ký hiệu trên chính là "bẫy" của Trần Hàn Dương, với mục đích tìm bằng được mẹ con cô. Trần Hàn Dương tin rằng, con gái của My là hậu duệ của Clio đang lưu giữ một bí ẩn lịch sử mà ông ta muốn khám phá. Mẹ con My bị bắt về trụ sở công ty của Trần Hàn Dương. Tại đây, một bí mật lớn được khám phá…

Địa ngục môn

Địa ngục môn là một tác phẩm truyện tranh của tác giả Can Tiểu Hy. Ngay khi ra mắt cộng đồng, tác phẩm đã nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của những người yêu thích truyện tranh Việt Nam. Nhiều fans hâm mộ bộ truyện tranh này cho rằng Địa ngục môn chính là bước đột phá của truyện tranh Việt Nam.

Tháng 12/2016, vượt qua gần 300 tác phẩm truyện tranh khác trên toàn thế giới, tác phẩm Địa ngục môn đã vinh dự nhận giải Bạc, cuộc thi truyện tranh International Manga Award do Bộ ngoại giao Nhật Bản tổ chức.

Địa ngục môn kể về một cô gái tên Tú. Tú tỉnh dậy sau khi bị tai nạn giao thông, cô phát hiện mình đã chết và đang ở địa ngục môn.

Lúc này có một chàng trai tên Nguyên đến nói với Tú rằng cô chưa chết và chỉ bị bắt nhầm hồn thôi. Và cuộc hành trình đi tìm lại sự sống của Tú và Nguyên bắt đầu từ đây.

Vì còn sống nhưng phải xuống địa ngục nên Tú tạm thời bị mất trí nhớ, xuyên suốt cuộc hành trình cô phải dựa vào sự giúp đỡ của Nguyên, một người tự xưng là được người khác nhờ đến giúp Tú.

Trải qua cuộc hành trình dài dưới địa ngục, Tú dần dần hiểu thêm về giá trị của cuộc sống, cũng như thấy trân trọng những mối quan hệ, những ràng buộc gắn bó của cô khi còn ở dương thế.

“Các tác phẩm truyện tranh do người Việt làm ra, từ không gian, bối cảnh cho đến nhân vật đều của người Việt, vì thế tạo nên cảm giác thân thuộc, hào hứng cho độc giả.

Cảm xúc khi đọc truyện tranh Việt Nam sẽ khác hoàn toàn với việc đọc truyện tranh của Mỹ, Nhật và các đất nước khác, do đó truyện tranh Việt Nam luôn có một lượng độc giả nhất định chờ đón và mong ngóng mỗi khi một tác phẩm mới ra mắt.

Sắp tới đây, bộ truyện tranh Bad Luck sẽ được chuyển thể thành phim sitcom và phiên bản điện ảnh. Tuy cách làm này còn khá mới mẻ ở nước ta, nhưng tôi nghĩ đây là điều cần phải làm ở hiện tại, truyện tranh không nên chỉ dừng lại ở cuốn sách. Nếu nội dung tốt thì việc chuyển thể thành phim ảnh là hoàn toàn hợp lý.

Đấy là cách các đất nước lớn như Mỹ, Nhật đã làm, góp phần không nhỏ vào thành công của những bộ phim điện ảnh. Chúng ta luôn có một băn khoăn, chờ đợi những bộ phim điện ảnh Việt Nam có nội dung hấp dẫn và gây được ấn tượng, sức hút với giới trẻ. Vì thế việc chuyển thể từ một bộ truyện tranh ăn khách, đã được các bạn trẻ cực kỳ yêu thích, cá nhân tôi nghĩ đó là bước đi đúng đắn, an toàn và hợp lý.

Anh Nguyễn Khánh Dương – người sáng lập cộng đồng truyện tranh Việt Nam Comicola

Khi thông tin Bad Luck chuyển thể thành phim ảnh được đăng tải, các fans hâm mộ lên đến gần 100.000 người đã hào hứng và vô cùng phấn khích, các bạn liên tục chia sẻ những thông tin liên quan đến phim với sự chờ đón bộ phim được lên sóng. Tôi nghĩ, cách làm này rất khả quan”.

Anh Nguyễn Khánh Dương – người sáng lập cộng đồng truyện tranh Việt Nam Comicola chia sẻ.

Loading...

Hà Nguyễn

Nguồn TGĐA: http://thegioidienanh.vn/3-truyen-tranh-viet-co-co-hoi-duoc-len-man-anh-23548.html