3 trường hợp phù nề nguy hiểm mẹ bầu cần đi khám ngay

Chứng phù nề diễn ra phổ biến ở các thai phụ. Nếu chỉ là phù sinh lý sẽ chỉ tạo cảm giác nặng nề, không gây nguy hiểm gì cho mẹ bầu. Tuy nhiên nhiều thai phụ bị phù chân là dấu hiệu của nhiễm độc thai nghén.

Bước sang tháng thứ 8 của thai kỳ, chị Nguyễn Lan Hương (Phú Thọ) bắt đầu xuất hiện chứng phù nề. Vốn dĩ là người có cơ địa chân to, nay lại thêm bị phù nề, chân chị cảm giác to gấp 3 gấp 4 người thường. Do không bị nghén ở giai đoạn đầu, chị Hương ăn uống khá tốt nên sau 7 tháng mang thai, chị đã tăng tới 17kg.

Cân nặng cùng việc to lên của tất cả bộ phận khiến chị Hương từ một cô gái thanh mảnh nay “ục ịch”, nặng nề. Trong khi công việc của chị luôn cần giao tiếp nên ngoại hình rất quan trọng, giờ thấy người "to như con voi", chân tay mặt mũi phù nề sưng vù hết cả lên, chị mặc cảm quá đành xin cơ quan cho nghỉ thai sản sớm.

Nếu bị phù trong thời gian dài, thai phụ nên đi khám để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của cả mẹ và bé

Nếu bị phù trong thời gian dài, thai phụ nên đi khám để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của cả mẹ và bé

Tuy được người nhà động viên rằng đây là hiện tượng “xuống máu” ở các thai phụ, cứ “xuống máu” 3 lần sẽ sinh nhưng đọc một vài tài liệu, thấy bảo phù cũng là dấu hiệu của chứng bệnh tiền sản giật, phải theo dõi kỹ nên chị Hương không khỏi lo lắng. Phải đến khi được bác sĩ phân tích kỹ và hướng dẫn theo dõi các triệu chứng tại nhà, chị mới yên tâm phần nào.

Theo các bác sĩ sản khoa, trong thời kỳ mang thai, cơ thể sản xuất thêm 50% lượng máu và chất lỏng bổ sung để đáp ứng cho nhu cầu phát triển của thai nhi. Chính điều này đã gây nên hiện tượng phù nề cho bà bầu.

Bên cạnh đó, khi tử cung của thai phụ trở nên lớn hơn, sẽ tạo áp lực lên tĩnh mạch chủ dưới, tĩnh mạch bơm máu trở lại tim từ các chi dưới. Tuần hoàn máu và bạch huyết không lưu thông, trao đổi chất kém, dẫn đến tích đọng dịch thể ở các tổ chức vùng chân và dẫn đến hiện tượng phù chi dưới, cụ thể là chân, mắt cá.

Phù nề có thể xuất hiện ở bất cứ thời điểm nào trong thai kỳ, tùy thuộc vào cơ địa từng mẹ bầu nhưng thường phổ biến ở tháng thứ 5 và tăng lên vào 3 tháng cuối thai kỳ.

Tuy nhiên, bên cạnh chứng phù do sinh lý cơ thể, thì mẹ bầu cũng có thể phù do bệnh lý. Cụ thể:

Phù sinh lý: Phù ở chi dưới bao gồm bàn chân, bắp chân và mắt cá, thậm chí cả ở tay khá phổ biến trong thai kỳ. Sưng phù bình thường trong thai kỳ thường chỉ liên quan đến phần chân và đôi khi là bàn tay, với những trường hợp này, nếu nghỉ ngơi hợp lý, các dấu hiệu sưng sẽ giảm dần.

Phù bệnh lý: Phù bệnh lý khiến thai phụ có nguy cơ phải đối mặt với bệnh tiền sản giật, bệnh thận... và ảnh hưởng tới thai nhi như suy thai hoặc đẻ non. Nếu thai phụ có sẵn tiền sử bệnh tim, bệnh thận thì đây chính là nguyên nhân gây ra tình trạng phù. Lúc này hiện tượng phù sẽ xảy ra sớm hơn, không đợi đến lúc bụng to gây chèn ép. Đặc biệt, không chỉ phù ở chân mà còn phù ở mặt và tay.

Để giảm hiện tượng phù nói chung ở thai phụ, các mẹ bầu nên bổ sung kali vào thực đơn hằng ngày. Một số ăn giàu kali mẹ bầu có thể sử dụng như: Rau xanh, thịt gà, cá, sữa, sữa chua, sản phẩm từ đậu nành, các loại hạt, quả mơ khô, nước cam, dưa hấu...

Ngoài ra mẹ bầu nên uống đủ nước khi mang bầu giúp các hệ tiêu hóa, tiết niệu... hoạt động tốt, phòng tránh được quá trình tích trữ chất lỏng, gây phù; ăn nhạt vì muối, đồ ăn mặn làm cơ thể bị trữ nước; vận động hợp lý trong thai kỳ. Bên cạnh đó, cần tránh mặc quần áo chật, tránh đi tất, giày chật... Tránh đứng trong một thời gian dài. Khi nằm, ngồi có thể kê chân lên cao bằng 1 chiếc gối hoặc một cái bục...

3 trường hợp phù nề nguy hiểm, mẹ bầu cần đi khám ngay:

- Phù qua vài đêm, dù đã nghỉ ngơi mà vẫn không giảm bớt

- Phù nặng đến tay, mặt hay các bộ phận khác của cơ thể

- Phù kèm theo đau đầu, rối loạn thị giác, mờ mắt, đau bụng.

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/ky-nang/3-truong-hop-phu-ne-nguy-hiem-me-bau-can-di-kham-ngay-post45067.html