3 trạm BOT bị yêu cầu ngưng thu phí: VARSI gửi báo cáo đề nghị kiểm tra phạm vi, thẩm quyền của TCĐBVN

Ngày 6-7 vừa qua, Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI – sau đây gọi tắt là Hiệp hội) đã phát đi thông cáo báo chí nêu rõ ý kiến và kiến nghị của Hiệp hội liên quan đến việc Tổng Cục Đường bộ Việt Nam (TCĐBVN) - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) yêu cầu ngưng hoạt động 3 trạm BOT do chậm triển khai ký kết thu phí tự động không dừng (ETC), gồm trạm BOT Bắc Hải Vân, BOT Cam Thịnh và BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp.

Theo đó, Hiệp hội khẳng định rằng, chủ trương thu phí tự động không dừng ở các trạm BOT là hoàn toàn đúng, giúp các phương tiện tiết kiệm thời gian, chi phí, đặc biệt là đảm bảo an ninh trật tự và tránh nguy cơ ùn tắc giao thông tại các trạm BOT. Tuy nhiên Hiệp hội cũng chỉ ra hàng loạt những bất cập và yêu cầu trái với quy định pháp luật khi TCĐBVN dùng mệnh lệnh hành chính thúc ép các doanh nghiệp dự án phải ký thêm phục lục hợp đồng mới với đơn vị thu phí VETC. Đồng thời, VARSI cũng gửi báo cáo đề nghị các cơ quan chức năng kiểm tra phạm vi, thẩm quyền của TCĐBVN, Bộ GTVT khi yêu cầu 3 trạm BOT ngưng thu phí.

Trạm BOT Phú Gia - Phước Tượng đã áp dụng công nghệ thu phí không dừng ETC (thu phí tự động) chứ không phải chậm triển khai ký kết thu phí tự động không dừng như TCĐBVN đã thông tin

Trạm BOT Phú Gia - Phước Tượng đã áp dụng công nghệ thu phí không dừng ETC (thu phí tự động) chứ không phải chậm triển khai ký kết thu phí tự động không dừng như TCĐBVN đã thông tin

*Hàng loạt bất cập và gây thiệt hại cho người dân nếu ký phụ lục hợp đồng mới với VETC

Nội dung thông cáo của Hiệp hội nêu rõ, việc hiện nay TCĐBVN đang triển khai, nóng vội “trảm” các nhà đầu tư như thời cựu Bộ trưởng Đinh La Thăng là không phù hợp, nhiều điểm trái quy định cũng như những thỏa thuận hợp pháp ở các Hợp đồng BOT, Hợp đồng tín dụng..., giữa doanh nghiệp dự án (DNDA)/nhà đầu tư (NĐT) cùng các bên liên quan.

Theo Hiệp hội, việc lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ ETC và yêu cầu các DNDA/NĐT ký phụ lục hợp đồng BOT điều chỉnh theo nội dung này, đặc biệt là việc ấn định nâng gấp đôi tỷ lệ % doanh thu phải trích lại từ doanh thu BOT cho đơn vị vận hành ETC là không tuân thủ đúng pháp luật. Cụ thể là, chưa có sự thỏa thuận giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để điều chỉnh hợp đồng BOT. Vì vậy, khi điều chỉnh hoặc thay đổi các yếu tố ảnh hưởng đến hợp đồng thế chấp, quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan thì giữa các bên phải thỏa thuận lại về sự thay đổi đó.

Bên cạnh đó, đối với tài sản thế chấp tại ngân hàng, phía Hiệp hội nêu vấn đề ở hợp đồng tín dụng giữa DN dự án và ngân hàng tài trợ vốn, DN đã ký hợp đồng thế chấp. Vì vậy, cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở hợp đồng BOT buộc các DN dự án ký phụ lục hợp đồng để bàn giao trạm thu phí cho đơn vị thu phí ETC quản lý và vận hành sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền của DNDA/NĐT đã quy định trong hợp đồng dự án và tài sản thế chấp.

Theo Hiệp hội, vấn đề này đẩy DNDA/NĐT vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp và phải chịu các chế tài về phạt vi phạm cũng như bồi thường thiệt hại.

Việc triển khai ETC mới chỉ nhìn đến việc đảm bảo quyền lợi của Nhà đầu tư BOO mà chưa tính đến các rủi ro của doanh nghiệp dự án BOT. Sự bất hợp lý còn thể hiện rõ khi dùng phương án tài chính (PATC) của Nhà đầu tư dự án BOO lập để áp đặt vào PATC của dự án BOT đã hoàn thành trước đó (khi chưa được điều chỉnh PATC của Hợp đồng BOT).

BOT Cam Thịnh cũng đã áp dụng công nghệ thu phí không dừng ETC từ năm 2017

Ngoài ra, Hiệp hội trên cũng cho rằng, toàn bộ doanh thu chuyển vào tài khoản của ngân hàng tài trợ cho dự án BOO (hợp đồng Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh) trước khi chuyển về tài khoản của ngân hàng cho vay dự án BOT là vi phạm các thỏa thuận của Hợp đồng tín dụng, Hợp đồng thế chấp. Vấn đề này đồng thời gây rủi do trong quản lý dòng tiền hoàn vốn của dự án nên việc bàn giao toàn bộ trạm thu phí và chuyển dòng tiền thu phí từ ngân hàng cho vay tín dụng các dự án BOT sang bên thứ ba cần có ý kiến của ngân hàng tài trợ vốn.

"Cách thức triển khai ETC gây ảnh hưởng đến phương án trả nợ tại ngân hàng như tỉ lệ trích doanh thu cho đơn vị thu phí ETC chưa có căn cứ tính cụ thể, đang tính trên tổng doanh thu của BOT mà không tách doanh thu của ETC và làn thu MTC (thu phí thủ công một dừng). Đồng thời, việc trích doanh thu làm ảnh hưởng đến phương án tín dụng của các dự án và chưa có sự thống nhất với DNDA/NĐT trước khi triển khai" - Hiệp hội chỉ rõ bất cập.

Ngoài ra, đơn vị trên cũng nhìn nhận khi triển khai ETC, việc kết nối giữa tài khoản ngân hàng với tài khoản giao thông của chủ phương tiện mở tại nhà cung cấp dịch vụ thu phí có nhiều bất cập. Cụ thể, người dùng muốn sử dụng dịch vụ ETC phải chuyển tiền trước vào tài khoản giao thông nhưng lại không được tính lãi. Chưa kể trường hợp được miễn phí vẫn phải nộp tiền vào tài khoản trả trước và bị khấu trừ khi qua trạm. Dù được hoàn trả sau đó nhưng tài xế và ngân hàng cho vay BOT không ủng hộ bởi tiền của người dùng bị chiếm dụng, ngân hàng cho vay cũng không được quản lý.

Hiệp hội đánh giá, thực tế việc sử dụng dịch vụ ETC tại các trạm BOT hiện thấp, trong khi thói quen dùng tiền mặt của tài xế vẫn rất lớn, vì vậy khi bàn giao các làn thu phí qua hình thức tự động không dừng, chỉ để lại 2 làn ngoài cùng thu hỗn hợp giữa ETC và MTC dễ gây ùn tắc giao thông và thất thoát.

*Báo cáo và đề nghị kiểm tra phạm vi, thẩm quyền của TCĐBVN và Bộ GTVT

Nhận thấy việc bàn giao các làn và toàn bộ các trạm thu phí cho đơn vị cung cấp dịch vụ ETC (trong khi các trạm thu phí đã được bộ GTVT chấp thuận thế chấp tại ngân hàng cho vay vốn đầu tư dự án BOT)… các nội dung này cơ bản đang vi hiến, vi phạm nghiêm trọng các quy định hiện hành của Hiến pháp, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Bộ Luật Dân sự… Do đó, Hiệp hội sẽ gửi các văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước có ý kiến về việc Bộ GTVT yêu cầu bàn giao trạm thu phí và áp đặt mức tính chi phí tổ chức thu phí không phù hợp, ảnh hưởng đến tính pháp lý và phương án tín dụng.

Đồng thời, báo cáo với Ban nội chính trung ương, Bộ Công An để kiểm tra phạm vi, thẩm quyền của Tổng Cục Đường Bộ và Bộ GTVT “về việc đã yêu cầu tạm dừng thu phí tại các Trạm thu phí” dẫn đến việc thất thoát doanh thu dẫn đến phải bố trí ngân sách để bù do Bộ GTVT và Tổng CĐBVN thực hiện sai hợp đồng, gây mất an ninh trật tự để cho các phần từ xấu lợi dụng kích động ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư của Doanh nghiệp.

Hiệp hội cũng sẽ gửi báo cáo đến Chính phủ đề nghị Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước và các Bộ: Bộ Thông tin truyền thông, Bộ Tài Chính , Bộ KHĐT cùng vào cuộc để kiểm tra đánh giá việc thu phí 1 dừng trước đây đã thực hiện có đảm bảo tính minh bạch hay không? Nay áp dụng công nghệ ETC thông qua cách thức chỉ định bổ sung đầu tư... đồng thời xem xét việc áp đặt giá thu 2 %/doanh thu của làn ETC từ Đề án thu phí tự động không dừng của Bộ GTVTkhi không thông qua việc đàm phán, mà ép buộc, gây bức xúc cho Doanh nghiệp dự án BOT vốn đã gặp nhiều khó khăn xử lý các bất cập, do cơ chế chính sách hiện nay.

Ngoài ra, Hiệp hội cũng sẽ báo cáo UBKT Trung ương đề nghị xem lại việc sai sót, sai phạm của Bộ GTVT trước đây trong việc triển khai các thủ tục đầu tư các Dự án mở rộng QL1, khi căn cứ vào quan điểm cần tiến độ để áp dụng hình thức chỉ định thầu đầu tư các Dự án Mở rộng QL1 đã để lại hệ lụy, tạo ra các xung đột tại các Trạm thu phí, phá vỡ PATC đến nay vẫn chưa giải quyết được. Đồng thời kiểm tra cách tổ chức thực hiện của Bộ GTVT khi trình chủ trương và quá trình triển khai lựa chọn nhà thầu thu phí ETC hiện nay sẽ dẫn đến các sai phạm đã mắc phải trước đây.

*TCĐBVN cố tình lái dư luận hiểu sai về bản chất sự việc để hợp thức hóa thỏa thuận với VETC?

Trả lời PV báo Pháp luật Việt Nam, ông Phạm Văn Thưởng - Phó giám đốc Công ty TNHH Đầu tư 194 BOT QL1 - Cam Ranh, cho biết: “Trạm thu phí Cam Thịnh đã chấp hành theo chủ trương của Chính phủ, đã lắp đặt thiết bị thu phí không dừng và vận hành thu phí tự động từ năm 2017. Việc thu phí không dừng giữ chủ đầu tư (CĐT) và đơn vị thu phí là VETC cũng hoạt động bình thường. Tuy nhiên, hiện nay, Bộ GTVT buộc CĐT ký thêm phụ lục hợp đồng mới (trước đây CĐT đã ký phụ lục hợp đồng với Bộ GTVT) với nhiều điều khoản bất cập, khi áp đặt mức phí dịch vụ từ 2,15% như ban đầu tăng lên hơn gấp đôi, đến 4,5% doanh thu. Tương đương mức tăng 120 tỷ đồng, điều này đồng nghĩa với việc ép CĐT kéo dài thời gian thu phí, mọi thiệt hại và gánh nặng chi phí này đều do người dân, các chủ phương tiện tham gia giao thông gánh chịu. Điều này là khó có thể chấp nhận được”.

Ông Phạm Văn Thưởng - Phó giám đốc Công ty TNHH Đầu tư 194 BOT QL1 - Cam Ranh búc xúc trình bày những bất cập khi NĐT BOT bị ép ký phụ lục hợp đồng mới phát sinh chi phí gây thiệt hại và đè gánh nặng lên người dân và chủ phương tiện tham gia giao thông

“Tôi cho rằng, việc TCĐBVN thúc ép các CĐT chúng tôi ký thêm phụ lục hợp đồng mới này là để Bộ GTVT hợp thức hóa việc mà Bộ GTVT đã âm thầm thỏa thuận khi ký hợp đồng BOO với nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động VETC, như vậy là không đúng. Bản chất thực sự là như vậy, chứ không phải là các nhà đầu tư chây ì, không chịu thực hiện thu phí tự động như TCĐBVN đã thông tin. Người dân, dư luận và mọi người đã bị TCĐBVN lái suy nghĩ theo hướng không đúng!” – ông Thưởng búc xúc khẳng định.

Ông Nguyễn Văn Khang – Phó TGĐ Công ty CP ĐTPT Cường Thuận IDICO cho biết: “Theo tôi được biết, đã có những dự án BOT đã thực hiện thu phí không dừng từ những năm 2013-2014. Tuy nhiên, khi đó là Nhà đầu tư và Ngân hàng cho dự án vay tự chủ động thực hiện.

Đến nay, việc thu phí không dừng chưa triển khai thực hiện được trên toàn quốc là do một số khó khăn vướng mắc sau: Thứ nhất, quy định của pháp luật về việc này chưa đầy đủ và hoàn thiện. Bên cạnh đó, các bên liên quan chưa cùng nhau trao đổi và thống nhất phương án, giải pháp và cách thức triển khai thực hiện. Đồng thời, nhận thức của một phần không nhỏ trong xã hội về thu - nộp phí BOT là chưa chính xác đối với một dịch vụ đặc thù. Do đó, các đối tượng liên quan chưa tự giác, hợp tác cùng thực hiện”.

Lê Nguyễn

Nguồn Sao Pháp Luật: http://sao.baophapluat.vn/tin-tuc/chi-tiet/3-tram-bot-bi-yeu-cau-ngung-thu-phi-varsi-gui-bao-cao-de-nghi-kiem-tra-pham-vi-tham-quyen-cua-tcdbvn-4981/