3 tình huống Mỹ không thể dẫn độ Công chúa Hua Wei

Canada đã chính thức khởi động tiến trình dẫn độ sang Mỹ đầy gian nan đối với CEO của Tập đoàn Hoa Vĩ/Trung Quốc là bà Mạnh Vãn Chu.

Canada bắt đầu tiến trình dẫn độ Mạnh Vãn Chu sang Mỹ

Ngày 01/03, Bộ Tư pháp Canada cho biết, qua quá trình xem xét chứng cứ một cách triệt để và toàn diện, các cơ quan chức năng của nước này thấy rằng, tình tiết vụ án phù hợp với yêu cầu trong Luật Dẫn độ của Canada, họ có đầy đủ chứng cứ để khởi động tiến trình dẫn độ đối với bà Mạnh Vãn Chu - Giám đốc Tài chính Hoa Vĩ, có biệt danh là "Công chúa Hua Wei".

Bộ Tư pháp Hoa Kỳ hồi cuối tháng một chính thức tuyên bố khởi tố bà Mạnh Vãn Chu; đồng thời yêu cầu Canada dẫn độ bà này sang Mỹ. 23 cáo buộc đối với Hoa Vĩ và bà Mạnh chủ yếu tập trung trong các lĩnh vực: Gian lận ngân hàng và viễn thông, cản trở pháp luật và đánh cắp bí mật thương mại.

Theo trình tự pháp lý của Canada, “Thư ủy quyền xúc tiến” là bước thứ nhất của quá trình dẫn độ. Tiếp đến, tòa án sẽ xem xét quyết định việc có dẫn độ Mạnh Vãn Chu hay không; cuối cùng, quyết định dẫn độ cần được Bộ trưởng Bộ Tư pháp nước này phê chuẩn.

Tuyên bố mới nhất của Bộ Tư pháp Canada chỉ rõ, phiên điều trần dẫn độ không phải là một phiên tòa xét xử, nó không đưa ra phán quyết là đương sự có tội hay không, mà chỉ đưa ra tính cấp thiết phải dẫn độ. Nếu đương sự bị dẫn độ từ Canada sang một nước khác thụ án, thì họ sẽ bị xét xử ở quốc gia đó.

Cùng ngày, luật sư đại diện của bà Mạnh Vãn Chu là ông David Martin bày tỏ sự thất vọng trước quyết định của Bộ Tư pháp Canada.

Chân dung CEO của Tập đoàn Hoa Vĩ (Hua Wei) Mạnh Vãn Chu

Chân dung CEO của Tập đoàn Hoa Vĩ (Hua Wei) Mạnh Vãn Chu

Nhóm biện hộ của bà Mạnh chỉ ra rằng, đằng sau vụ án này có yếu tố chính trị. Trước đó, Tổng thống Mỹ Donlad Trump đã nhiều lần tuyên bố là ông sẽ can thiệp vào vụ án này, nếu điều này giúp Washington đạt được thành công trong hiệp định thương mại Mỹ - Trung sắp tới.

Khi cáo buộc đối với Hoa Vĩ và bà Mạnh Vãn Chu được công bố, Christopher Ray, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ (FBI) nói rằng, Tập đoàn Công nghệ truyền thông của Trung Quốc đã phớt lờ luật pháp Hoa Kỳ và các tiêu chuẩn thương mại quốc tế.

Vị quan chức Mỹ nhấn mạnh, các công ty như Hoa Vĩ đều tạo ra mối đe dọa đối với kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ.

Còn chính phủ Canada luôn nhấn mạnh, nước này là một quốc gia pháp trị, các bên không nên chính trị hóa việc dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Ngày 06/03, bà Mạnh Vãn Chu sẽ ra hầu tòa tại Tòa án tối cao tỉnh British Columbia ở Canada, khi đó, tòa sẽ tuyên bố ngày xét xử dẫn độ đối với bà. Nhóm luật sư biện hộ có khả năng sẽ yêu cầu tòa án cho họ thêm thời gian để chuẩn bị cho phiên xét xử tới.

Gary Botting, một luật sư hình sự người Canada hiểu rõ Luật Dẫn độ nói với BBC Trung Quốc rằng, phiên điều trần dẫn độ có thể được lên kế hoạch sau một tuần đến sáu tháng, thông thường phiên điều trần được lên kế hoạch sau ít nhất bốn tháng.

Gary Botting cho rằng, vụ án đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ Trung Quốc - Canada, nên việc ban hành “Thư ủy quyền xúc tiến” phải là quyết định do Bộ trưởng Bộ Tư pháp đưa ra, sau khi tham vấn ý kiến của nội các. Đây thực chất là “Quyết định mang tính chính trị của nội các, do Bộ trưởng Bộ Tư pháp tuyên bố”.

Sau khi thư ủy quyền được ban hành, căn cứ vào nguyên tắc pháp trị về độc lập tư pháp, các bộ ngành khác không được phép can thiệp vào quyết định của tòa án và của Bộ trưởng Bộ Tư pháp đối với vụ án.

Phiên điều trần dẫn độ khác với phiên điều trần tại ngoại. Nó không xem xét khả năng bảo đảm tại ngoại cho nghi phạm, mà chủ yếu phân tích các yếu tố như: Các tình tiết của vụ án, tính đầy đủ của chứng cứ…, cân nhắc về sự cần thiết phải dẫn độ nghi phạm ra nước ngoài.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/3-tinh-huong-my-khong-the-dan-do-cong-chua-hua-wei-3375586/