3 thương hiệu vàng nội địa đồng loạt giảm giá

Hôm nay (18/4), thị trường kim loại quý trong nước tiếp tục ảm đạm do tác động của giá vàng thế giới. Trong 3 thương hiệu lớn, giá vàng nữ trang 99,99 của Tập đoàn Doji giảm mạnh nhất.

Ghi nhận đầu giờ chiều ngày 18/4, giá vàng thế giới tiếp tục giảm sâu sau khi cố gắng nhích nhẹ từ mức thấp nhất trong gần 4 tháng là 1.272,7 USD/ounce (ghi nhận ngày 27/12/2018). Giá hiện đang ở mức 1.271,6-1.272,6 USD/ounce, thấp hơn 2 USD/ouce so với phiên giao dịch hôm qua.

 Hôm nay, giá vàng thế giới một lần nữa “dò đáy”.

Hôm nay, giá vàng thế giới một lần nữa “dò đáy”.

Trong nước, giá vàng SJC giảm 80.000 đồng/lượng theo chiều mua vào và 70.000 đồng/lượng theo chiều bán ra, được Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 36,12-36,27 triệu đồng/lượng ở TP.HCM và 36,12-36,29 triệu đồng/lượng.

Giá thương hiệu vàng nữ trang 99,99 giảm 120.000 đồng/lượng, dao động ở Hà Nội và Đà Nẵng ở ngưỡng 35,63-36,33 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra). Ở TP.HCM, Doji hạ giá 100.000 đồng mỗi lượng, được doanh nghiệp này niêm yết tại mức 35,58-36,28 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).

Giá vàng rồng Thăng Long 999,9 của Bảo Tín Minh Châu giảm 70.000 đồng/lượng, xuống mức 36,09-36,54 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).

Thị trường vàng ảm đạm trong bối cảnh chứng khoán Mỹ tăng điểm nhờ các số liệu kinh tế khả quan. Bộ Thương mại Mỹ cho biết, thâm hụt thương mại của tháng 2 chạm mức thấp nhất trong vòng 8 tháng qua, giảm 3,4%, từ 51,1 tỷ USD xuống còn 49,4 tỷ USD, thấp hơn so với mức dự kiến trước đó là 53,4 tỷ USD. Đây là tháng thứ hai liên tiếp thâm hụt thương mại giảm, đưa mức thâm hụt thương mại của hai tháng đầu năm nay thấp hơn 7,6% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc cũng tăng ấn tượng nhờ sau khi có báo cáo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý 1 của nước này tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là một tốc độ tăng trưởng ổn định, vượt mức dự báo 6,3%.

Ở một diễn biến khác, Liên minh châu Âu (EU) vừa công bố kế hoạch trả đũa Mỹ. Theo danh sách dài 11 trang, những mặt hàng nhập khẩu của Mỹ bị EU áp thuế bao gồm các sản phẩm nông nghiệp từ trái cây sấy khô đến máy bay, thuốc lá, túi xách, vali, máy bay trực thăng, máy chơi game video… với tổng trị giá 20 tỷ USD. Danh sách sẽ được công khai nhằm tham khảo ý kiến đến ngày 31/5 và sau đó được chỉnh sửa lại.

Mỹ và EU đã rơi vào vụ kiện tụng kéo dài gần 15 năm tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về các khoản trợ cấp của Mỹ dành cho nhà sản xuất máy bay Boeing và của EU cho đối thủ Airbus. Hai bên đang yêu cầu một trọng tài viên của WTO xác định mức độ trả đũa mà họ có thể áp đặt cho đối phương.

Đầu tuần trước, Tổng thống Donald Trump cũng đã đe dọa áp đặt thuế quan lên 11 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của EU, trong đó có các sản phẩm sữa, rượu vang, máy bay cỡ lớn...

Động thái mới này khiến cẳng thẳng giữa Mỹ và EU leo thang, để ngỏ khả năng bùng phát một cuộc chiến tranh thương mại mới, lớn hơn cuộc chiến tranh Mỹ-Trung trong bối cảnh hai “gã khổng lồ” này vẫn chưa thể giải quyết mâu thuẫn kéo dài gần một năm nay. Diễn biến này cũng gây ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu và thị trường kim loại quý.

Các nhà phân tích hiện đang theo dõi chặt chẽ nhu cầu mua vàng. Theo Hội đồng vàng thế giới, các ngân hàng trung ương đã mua tổng cộng 651,5 tấn vàng trong năm 2018, lượng mua nhiều nhất trong hơn 50 năm qua.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/3-thuong-hieu-vang-noi-dia-dong-loat-giam-gia-162037.html