3 thách thức khi doanh nghiệp gia đình tiến hành các hoạt động kế nhiệm

COVID-19 đã tạo ra một khoảng lặng để các doanh nghiệp gia đình dành thời gian nghiên cứu và tìm ra các vấn đề nội tại, mang đến cơ hội để các thế hệ kế nhiệm tiếp cận hoạt động kinh doanh sớm hơn.

Theo ông Bùi Tuấn Minh, Phó tổng giám đốc phụ trách dịch vụ doanh nghiệp tư nhân của Deloitte Việt Nam cho rằng, đại dịch COVID-19 chính là thời điểm hoàn hảo để các doanh nghiệp gia đình rà soát, đẩy nhanh, thậm chí là kích hoạt kế hoạch kế nhiệm.

Đây không phải là một khái niệm mới và hầu như tất cả các doanh nghiệp gia đình đều đặc biệt quan tâm tới vấn đề này. Tuy nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu thực hiện những hoạt động đào tạo nhân tài thế hệ sau nhưng vẫn còn nhiều trường hợp chưa thực sự chú trọng và đầu tư thích đáng với tầm quan trọng của kế hoạch trao quyền.

Ông Bùi Tuấn Minh

Ông Bùi Tuấn Minh

Về những thách thức của việc thực hiện hoạt động kế nhiệm, ông Bùi Tuấn Minh đã chỉ ra 3 điểm như sau:

Một trong những lí do khiến người chủ sở hữu thường chưa chú trọng đầy đủ đến bài toán chuyển giao thế hệ, chưa đủ tin tưởng vào thế hệ kế thừa, chưa sẵn sàng chuyển giao, hoặc đơn giản là quá bận rộn.

Hệ quả là nhiều doanh nghiệp gia đình lâm vào tình trạng rối ren trong những cuộc chuyển giao, thậm chí dẫn đến tình trạng gián đoạn trong hoạt động kinh doanh, bất hòa trong quan hệ gia đình do năng lực của thế hệ kế cận chưa đảm bảo dẫn tới mất quyền kiểm soát doanh nghiệp hoặc có tranh chấp về tài sản, quản lý và pháp lý.

"Chuyển giao quyền lực" luôn là một bài toán khó

Điều khó khăn thứ hai chính là việc dung hòa sự khác biệt trong hệ tư tưởng giữa thế hệ chuyển giao và thế hệ nhận chuyển giao, trên các phương diện: trọng tâm chiến lược và cách sử dụng người tài. Trong khi thế hệ sáng lập thường dành nhiều thời gian phát triển kinh doanh, tối đa hóa lợi nhuận thì thế hệ kế nghiệp quan tâm nhiều tới phát triển hệ sinh thái ngành, tác động của hoạt động kinh doanh tới môi trường sống, trong bối cảnh chuyển đổi mạnh mẽ của mô hình kinh tế trên thế giới, từ nền kinh tế tuyến tính truyền thống sang nền kinh tế tuần hoàn.

Và đại dịch COVID-19 chính là khoảng lặng cần thiết cho những phép thử mới và có thời gian cho những hoạt động sửa chữa nếu có mắc sai lầm.Việc này không thể hoàn thành trong ngày một ngày hai, nhưng sẽ là cơ hội hoàn hảo để các thế hệ đầu tiên “kiểm tra” thế hệ kế nhiệm.

Bên cạnh những thách thức thì cũng xuất hiện nhiều cơ hội trong thời kì đại dịch

Thách thức cuối cùng chính là khả năng giao tiếp và thấu hiểu giữa các thế hệ. Việc trao đổi sớm giữa các thế hệ sẽ giúp cho thế hệ trước hiểu được rằng thế hệ sau có muốn tham gia và sẽ tham gia như thế nào vào doanh nghiệp gia đình trong tương lai. Bên cạnh đó, giao tiếp thường xuyên sẽ giúp xóa dần khoảng cách về hệ tư duy, và áp dụng các phương thức tiếp cận trong các vấn đề quản trị/vận hành doanh nghiệp.

Một trong những yếu tố thiết yếu để trao đổi kỳ vọng giữa các thế hệ một cách hiệu quả là thế hệ F1 cần tách biệt giữa việc “dạy con” và “đào tạo người kế nhiệm”. Để tránh lối suy nghĩ độc đoán thường có ở thế hệ F1, việc đào tạo thế hệ F2 nên có kế hoạch và có sự tham gia của các bên liên quan, thậm chí là sự tư vấn của các chuyên gia độc lập.

Thanh Thùy (T/h)

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/3-thach-thuc-khi-tien-hanh-ke-nhiem-doanh-nghiep-gia-dinh-22059.html