3 phương án đầu tư tuyến đường 36 km Long An - TPHCM

Tổng mức đầu tư 35,8 km đường vành đai 4, đoạn từ Bến Lức (Long An) đến khu đô thị cảng Hiệp Phước (TPHCM) được đề xuất đầu tư theo phương án có tổng mức đầu tư cao nhất lên đến 11.918 tỉ đồng.

Bản đồ dự án đường vành đai 4, đoạn từ Bến Lức đến khu đô thị cảng Hiệp Phước. Ảnh: Trung Chánh

Tại buổi làm việc của UBND tỉnh Long An với các đơn vị liên quan về việc thông qua phương thức đầu tư đường vành đai 4 được tổ chức tại địa phương này vào hôm nay, 24-10, ông Doãn Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn T&T (T&T Group), đơn vị tư vấn dự án cho biết, đường vành đai 4, đoạn từ Bến Lức (Long An) đến khu đô thị cảng Hiệp Phước (TPHCM) có tổng chiều dài 35,8 km, trong đó, đoạn qua TPHCM có chiều dài 3,8 km và qua Long An là 32 km. Đây là dự án nằm trong tổng thể dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 TPHCM.

Ông Anh dẫn nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, đoạn Bến Lức - Hiệp Phước đã được nghiên cứu đầu tư và dự kiến hoàn thành vào 2020.

“Với nghiên cứu như vậy, trong quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, thì công tác chuẩn bị giao cho Bộ Giao thông Vận tải và các ngành lập quy hoạch, đề xuất, kêu gọi và thực hiện đầu”, ông cho biết.

Theo ông, với nhu cầu phát triển kinh tế thì việc đầu tư đoạn này là việc làm hết sức quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển toàn bộ khu vực phía Nam TPHCM cũng như kết với các tuyến cao tốc.

Được biết, quy hoạch tổng thể thì đoạn tuyến này có mặt cắt ngang lên đến khoảng 74 mét, nhưng ông Anh cho biết, với nguồn vốn hiện nay cũng như từ việc xác định lưu lượng xe, đơn vị này đề ra ba phương án quy mô để đầu tư.

Theo đó, phương án thứ nhất sẽ giải phóng toàn bộ 74 mét mặt cắt ngang và đầu tư 2 đường song hành 2 bên (mỗi bên 9 mét); phương án hai, giải phóng toàn một mặt cắt ngang 74 mét, nhưng đầu tư quy mô 4 làn xe, rộng là 17 mét giống như đường cao tốc Bắc - Nam hiện nay và phương án ba là đầu tư 4 làn theo tiêu chuẩn cao tốc hạn chế và giải phóng mặt bằng nằm chỉ trong phạm vi thực hiện dự án.

Với ba phương án như nêu trên, ông Anh cho biết, tổng mức đầu tư đối với phương án 1, bao gồm lãi vay là 9.821 tỉ đồng, trong đó, đoạn qua TPHCM là 1.042 tỉ đồng và qua Long An là 8.799 tỉ đồng.

Phương án hai có tổng mức đầu tư 11.918 tỉ đồng, trong đó, qua TPHCM là 1.265 tỉ đồng và Long An là 10.653 tỉ đồng và phương án ba là 9.883 tỉ đồng, trong đó, qua TPHCM là 1.049 tỉ đồng và Long An là 8.834 tỉ đồng.

Với tổng mức đầu tư theo các phương án như nêu trên, đơn vị tư vấn đã đưa ra các hình thức đầu tư bao gồm, phương án có sự tham gia của vốn ngân sách nhà nước địa phương trong giải phòng mặt bằng kết hợp đầu tư theo hình thức PPP với loại hợp đồng BOT và BT.

Tuy nhiên, ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho rằng, hiện nay ngân sách của địa phương rất hạn hẹp, cho nên, việc đầu tư có sự tham gia của ngân sách địa phương là không khả thi.

Đối với phương án đầu tư BOT và BT cho đoạn tuyến nêu trên, ông Cần yêu cầu làm rõ, phần đất đối ứng để hoàn vốn đầu tư BT cụ thể là bao nhiêu?

“Trong 32 km qua Long An, thì cần xác định đoạn nào thực hiện BT, đoạn nào làm BOT”, ông cho biết và nói rằng cần phải xác định như vậy để địa phương có cơ sở làm việc với các bộ ngành liên quan.

Ông Cần cũng đề nghị nghiên cứu thêm một phương án, đó là giải phóng mặt bằng theo hình thức BT và toàn bộ tuyến đường đầu tư theo hình thức BOT. “Nếu theo phương án này, thì cần bao nhiêu diện tích đất đối ứng?”, ông nêu câu hỏi.

Trung Chánh

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/280670/3-phuong-an-dau-tu-tuyen-duong-36-km-long-an--tphcm.html