3 nội dung đáng chú ý của Đề án chính quyền đô thị TP.HCM

Đề án tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM đề xuất mô hình thành phố trực thuộc TP.HCM gọi là ''Thành phố trong thành phố''.

Theo chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, vào ngày 27-10, Quốc hội sẽ thảo luận dự thảo Nghị quyết về tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP.HCM.

Trước đó, căn cứ cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn, TP.HCM đã kiến nghị Chính phủ, Quốc hội cho phép TP được chính thức thực hiện tổ chức chính quyền đô thị để bảo đảm tính ổn định, lâu dài.

Bộ máy tinh gọn, hiệu quả hơn

Theo đó, đề án tổ chức chính quyền đô thị tại TP tập trung nghiên cứu, đề xuất các nội dung đáng chú ý sau:

Giải quyết thủ tục hành chính tại UBND phường Phước Long B, quận 9, TP.HCM. Ảnh: THANH TUYỀN

Giải quyết thủ tục hành chính tại UBND phường Phước Long B, quận 9, TP.HCM. Ảnh: THANH TUYỀN

Về tổ chức chính quyền tại TP.HCM, UBND TP.HCM đề xuất: Tổ chức chính quyền địa phương ở TP.HCM, thành phố thuộc TP.HCM, huyện, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND.

Còn tổ chức chính quyền địa phương ở quận và phường thuộc TP.HCM là UBND quận, UBND phường. UBND quận, phường là cơ quan hành chính nhà nước ở quận, phường, làm việc theo chế độ thủ trưởng. Thời gian thực hiện từ ngày 1-7-2021.

Như vậy, so với hiện nay thì đề án có điểm mới là không còn tổ chức HĐND quận và phường. Ở đây chỉ còn có UBND quận, phường.

Một điểm mới đáng chú ý nữa là đề xuất tổ chức chính quyền ‘‘Thành phố trong thành phố’’. Nội dung này hướng tới việc sáp nhập ba quận 2, 9 và Thủ Đức thành TP Thủ Đức trực thuộc TP.HCM.

Về điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND quận, phường sẽ được điều chỉnh hợp lý cho HĐND TP, UBND TP, chủ tịch UBND TP, UBND quận, chủ tịch UBND quận, UBND thành phố thuộc TP.HCM, chủ tịch UBND thành phố thuộc TP.HCM để có điều kiện và khả năng thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ, quyền hạn này.

Về thực hiện quyền đại diện của nhân dân, quyền làm chủ của nhân dân. Khi thực hiện không tổ chức HĐND quận, phường, bộ máy chính quyền cơ sở tinh gọn hơn, quyền đại diện và quyền dân chủ, quyền được tiếp nhận thông tin của người dân vẫn được đảm bảo và duy trì ở mức độ cao như trước đây.

Cụ thể, quyền đại diện của người dân tiếp tục được duy trì và phát huy thông qua nhiều kênh như: đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội; Thường trực HĐND TP, các ban, tổ đại biểu, đại biểu HĐND TP, cấp ủy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp và đặc biệt là sự phản ánh của khu phố và ý kiến trực tiếp của người dân thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân phường và Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư. UBND các phường sẽ tăng cường công tác giao ban với Trưởng khu phố, UBND quận giao ban với UBND phường để kịp thời nắm tình hình và giải quyết nguyện vọng của người dân.

Còn về quyền làm chủ của nhân dân: sẽ tăng cường các kênh, phương tiện công khai, minh bạch các chế độ, chính sách đến nhân dân; cung cấp, công bố các thông tin, các quy định, chính sách mới của Đảng và Nhà nước đến nhân dân. Duy trì và tăng cường sự tham gia của nhân dân trong hoạt động điều hành, quản lý của chính quyền thông qua dân chủ trực tiếp, như tham gia trực tiếp thông qua đối thoại với lãnh đạo UBND, qua công tác tiếp dân, tiếp xúc cử tri...

TP.HCM cũng sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân tham gia xây dựng chính quyền, cụ thể như phân công thành viên UBND tham gia các cuộc họp của khu phố, qua hộp thư góp ý hoặc sổ góp ý, lắng nghe nhân dân trao đổi, phản ánh ý kiến trực tiếp trong các cuộc họp hoặc gửi phiếu xin ý kiến về các công trình thực hiện...

Khi không tổ chức HĐND phường, một số việc quan trọng, UBND phường thông qua khu phố và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để nhân dân tham gia ý kiến trước khi quyết định; lập sổ theo dõi phản ánh, kiến nghị của các Trưởng khu phố để kịp thời giải quyết.

Giảm biên chế, giảm chi ngân sách

Về giám sát hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, UBND TP.HCM cho biết sẽ tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát của tổ chức Đảng, của cấp ủy cùng cấp, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp. Tăng cường giám sát, kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, của Ủy ban Kiểm tra quận ủy, của cấp ủy phường. Đặc biệt sẽ tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát của tổ đại biểu HĐND TP ở các quận, phường, khu vực ứng cử.

Về tác động của việc triển khai không tổ chức HĐND quận và phường, UBND TP.HCM cho rằng việc thực hiện đề án sẽ tác động đến cơ cấu tổ chức bộ máy hiện nay. Cụ thể, bộ máy cơ cấu tổ chức của các quận, phường được tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thông suốt. Cơ quan hành chính ở quận, phường tích cực, chủ động điều hành, quyết định nhanh chóng những vấn đề cấp bách của địa phương trên cơ sở xác định rõ trách nhiệm của mỗi vị trí việc làm.

Nhân sự của UBND quận, phường đều thực hiện chế độ bổ nhiệm nên thuận lợi trong chỉ đạo điều hành các công việc hành chính trên địa bàn, linh hoạt hơn trong công tác cán bộ.

Ngoài ra, đề án sẽ góp phần thực hiện tinh giản biên chế, giảm được phần chi ngân sách cho hoạt động của HĐND và phụ cấp đại biểu HĐND ở quận và phường. Đồng thời, góp phần cải cách hành chính, giảm bớt trình tự, thủ tục trong chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương quận, phường, giảm thời gian giải quyết công việc.

Theo đề án, việc xây dựng đề án tổ chức chính quyền đô thị tại TP để giải quyết các vấn đề lớn của đô thị đặc biệt, phát huy tốt nhất vai trò, vị trí của TP đối với vùng và cả nước, đáp ứng yêu cầu phát triển TP nhanh và bền vững trong thời gian tới. Đồng thời đóng góp kinh nghiệm thực tiễn cho quá trình đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền đô thị.

TÁ LÂM

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/3-noi-dung-dang-chu-y-cua-de-an-chinh-quyen-do-thi-tphcm-946192.html