3 nhà soạn nhạc đồng tính nổi tiếng nhất trong lịch sử

Rất khó để có thể tưởng tượng ra bộ mặt của âm nhạc thế giới nếu như không có 3 vĩ nhân này.

Franz Schubert

31.1.1797 – 19.11.1828

Franz Schubert là một trong những nhà soạn nhạc vĩ đại nhất mọi thời. Mặc dù qua đời khi còn trẻ (32 tuổi) thế nhưng ông đã kịp để lại một gia tài đồ sộ gồm 600 bài hát, 9 bản giao hưởng bao gồm tác phẩm nổi tiếng Unfinished Symphony. Thiên tài người Áo này được mệnh danh là ánh bình minh của chủ nghĩa lãng mạn trong âm nhạc.

Franz Schubert đã không kết hôn và thậm chí là sợ hãi với ý nghĩa đó. Ông sa vào một cuộc sống phóng túng bên cạnh những người bạn nam trong lúc làm việc tại Vienna. Nhiều người bạn đương thời của Franz Schubert đã khẳng định ông đóng góp không nhỏ cho văn hóa đồng tính của thành phố này vào những năm đầu của thế kỷ 19.

Franz Schubert từng qua lại với 2 người con trai: Josef, một người bạn thời thơ ấu, và Mayrhofer, một người bạn cùng phòng. Ông viết ca khúc The Trout là để dành tặng riêng cho Josef. Trong khi đó, Mayrhofer là người đã viết lời cho nhiều tác phẩm của ông.

Franz Schubert chết vì bệnh vào năm 1828. Mayrhofer cũng tự tử vài năm sau đó.

Georg Friedrich Handel

23.2.1685 –14.4.1759

Khác với Franz Schubert, Georg Friedrich Handel ngay từ khi còn sống đã là một người thành công, giàu có và được kính trọng. Nhà soạn nhạc người Anh gốc Đức này đặc biệt được giới thượng lưu yêu thích. Hầu hết các tác phẩm của ông đều mang màu sắc tôn giáo, ca ngợi Thiên Chúa và đề cao những lý tưởng cao cả của nhân loại.

Gần 300 năm đã trôi qua thế nhưng không ít những bản giao hưởng của Georg Friedrich Handel như Water Music, Music for the Royal Fireworks, và Trường ca Messiah vẫn còn phổ biến trong giới mộ điệu. Thiên tài Beethoven đã mô tả ông là “bậc thầy của tất cả chúng ta… nhà soạn nhạc vĩ đại nhất từng sống. Tôi sẽ cúi đầu và quỳ xuống trước ngôi mộ của Handel nếu có thể học được cách tạo ra những giai điệu tuyệt vời như vậy chỉ bằng vài dụng cụ đơn giản”.

Georg Friedrich Handel không kết hôn và sống rất kín tiếng. Ông thậm chí đã từ chối bàn luận chủ đề này với vua George II bằng cách nói rằng “thần không muốn nghĩ đến bất kỳ điều gì khác ngoài âm nhạc”. Vậy mà chuyện ông là người đồng tính đã được truyền miệng từ Anh sang tới Ý.

Pyotr Ilyich Tchaikovsky

7.5.1840 – 6.11.1893

Pyotr Ilyich Tchaikovsky được xem là nhà soạn nhạc vĩ đại nhất trong lịch sử nước Nga và là cây đại thụ của làng âm nhạc thế giới. Các tác phẩm của ông chính là sự phản chiếu chính xác nhất về quốc gia này mà bạn có thể tìm thấy. Chúng phản ánh hiện thực đời sống của người dân dưới thời Nga hoàng cũng như hi vọng và khát khao của họ.

Đặc biệt, Pyotr Ilyich Tchaikovsky kết hợp rất nhuần nhuyễn âm nhạc Nga với những phong cách đến từ các quốc gia châu Âu khác. Ông sáng tác khoảng 30 tác phẩm cho dàn nhạc giao hưởng. Trong số đó, vở ca vũ kịch Hồ thiên nga là nổi tiếng nhất.

Hầu hết các sử gia đều khẳng định Pyotr Ilyich Tchaikovsky là một người đồng tính. Chủ đề xu hướng tính dục của ông đã được bàn luận rộng rãi và thu hút sự chú ý trên khắp châu Âu.

Do là một nhân vật quan trọng trong xã hội, chính phủ Xô Viết không còn cách nào khác đành phải miêu tả Pyotr Ilyich Tchaikovsky là một người đàn ông dị tính và kiểm soát những lá thư được gửi đi của ông bất chấp những tin đồn đang lan rộng. Khi ấy, hình phạt cao nhất dành cho người có quan hệ tình dục đồng giới là bị lưu đày.

Điều thú vị là sự kiểm duyện này còn tồn tại cho tới tận ngày nay. Bộ trưởng Bộ văn hóa của Nga là ông Vladimir Medinsky đã công khai phủ nhận chuyện đồng tính của vĩ nhân nước mình.

Mối tình đầu tiên của Pyotr Ilyich Tchaikovsky là Sergey Kireyev, một sinh viên trẻ tại trường Luật hoàng gia. Đây là nơi mà em trai của ông, Modest Ilyich Tchaikovsky (trùng hợp cũng là một người đồng tính), đã theo học.

Theo những gì Modest Ilyich Tchaikovsky viết trong cuốn tự truyện, Sergey Kireyev chính là “tình yêu mạnh nhất, lâu nhất và thuần khiết nhất" của anh trai. Đáng tiếc, Pyotr Ilyich Tchaikovsky đã luôn cảm thấy xấu hổ với con người thật của mình. Ông cho rằng đó là một khiếm khuyết trong nhân cách và đi ngược lại với tự nhiên.

Mai Thảo

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/lgbt-c-131/3-nha-soan-nhac-dong-tinh-noi-tieng-nhat-trong-lich-su-94427.html