3 nguyên nhân khiến doanh nghiệp Việt ít phát hành trái phiếu

Nguyên nhân chủ yếu khiến các doanh nghiệp Việt ít phát hành trái phiếu hoặc không huy động được nhiều vốn qua kênh này là do chưa theo chuẩn mực quốc tế, quản trị yếu kém và thiếu minh bạch.

Các diễn giả trong phiên thảo luận của Hội thảo

Các diễn giả trong phiên thảo luận của Hội thảo

Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh doanh nghiệp ngày càng khó tiếp cận với vốn vay từ ngân hàng do chính sách thắt chặt tín dụng như hiện nay, phát hành trái phiếu là một phương thức huy động vốn tốt. Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực tế thị trường trong thời gian gần đây, rất ít doanh nghiệp ở Việt Nam chọn phương thức huy động vốn nói trên.

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dựa trên số liệu của Bloomberg và Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), tính đến quý III/2018, Việt Nam có 41 tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp, chiếm tỉ lệ không đáng kể nếu so với 561.064 doanh nghiệp đang hoạt động (số liệu 31/12/2017) và 1.692 doanh nghiệp đang niêm yết/đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán. Các doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng tích cực trong hoạt động này nhất.

"Khi so sánh trái phiếu với các khoản đi vay ngân hàng thì rõ ràng rủi ro của nó cao hơn: rủi ro về tài sản bảo đảm, độ tín chấp, đặc biệt là thanh khoản nếu có vấn đề gì đó xảy ra. Các nhà đầu tư chưa có nhiều niềm tin vào tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Việt. Đó là những lý do tại sao thị trường trái phiếu của chúng ta chưa phát triển, các doanh nghiệp chưa huy động được nhiều vốn qua kênh này”, ông Phạm Văn Thinh – CEO Deloitte Việt Nam chia sẻ trong hội thảo “Bứt phá từ những động lực tăng trưởng” do Thời báo kinh tế Việt Nam tổ chức.

Theo ông Thinh, có 3 nguyên nhân khiến các doanh nghiệp Việt, dù đã được hô hào cải thiện tính minh bạch trong nhiều năm nhưng vẫn chưa làm được.

Đầu tiên, những chuẩn mực và thông lệ mà doanh nghiệp đang làm hiện nay là không đồng nhất với thế giới. Muốn hòa nhập – thu hút vốn đầu tư, doanh nghiệp của Việt Nam phải có ngôn ngữ và tiếng nói chung với cộng đồng thế giới cũng như các nhà đầu tư nước ngoài.

Ví dụ: chuẩn mực kế toán Việt Nam là chuyển đổi từ chuẩn mực kế toán thế giới cách đây khoảng 10 -15 năm và trong quá trình áp dụng từ đó đến nay, gần như không có bất cứ cập nhật gì, trong khi thế giới đã thay đổi rất nhiều. Hiện chuẩn mực kế toán IFRS đã được 131 nước sử dụng và mới đây, Bộ Tài chính chỉ mới họp bàn lộ trình để đưa IFRS vào Việt Nam như thế nào.

Thứ hai là công tác quản trị công ty ở Việt Nam vẫn còn yếu kém. Theo đánh giá của Công ty Kiểm toán và tư vấn tài chính quốc tế IFC, khi họ đưa ra bản đánh giá về mức độ áp dụng các tiêu chuẩn quản trị theo OECD, Việt Nam có vị trí rất thấp trong khu vực ASEAN.

Thứ ba là những cản trở trong nội lực – bản thân doanh nghiệp: Liệu doanh nghiệp Việt có thật sự muốn minh bạch hay không? Không ít công ty Việt có sở hữu chéo, có các công ty liên quan với hệ thống kinh doanh chân rết chằng chịt. Do đó, nếu họ áp dụng chuẩn mực kế toán IFRS thì toàn bộ thực trạng hỗn độn của doanh nghiệp sẽ bị phơi bày, sẽ bị hại hơn lợi.

Khó khăn chồng chất là thế nhưng vị CEO này cho rằng, cần phải có mốc thời gian thực hiện cụ thể, hợp lý từng bước cải thiện tính minh bạch, không nên dùng dằng kéo dài hơn nữa. Tuy nhiên, trước đó Việt Nam cần phải chuẩn bị nhiều thứ: về con người, chính sách, hệ thống chuẩn mực, cơ sở hạ tầng…

Khi áp dụng chuẩn mực kế toán IFRS, có phần báo cáo về giá trị thị trường, tức Việt Nam cần phải có các công ty uy tín đủ khả năng định giá.

Đồng quan điểm với ông Thinh, ông Nguyễn Xuân Thành – Giảng viên chính sách công Đại học Fullbright làm rõ thêm: nhiều doanh nghiệp không phải không đủ nhân lực hay khả năng tài chính để làm kế toán theo chuẩn IFRS, chỉ là họ sợ sau khi làm xong sẽ bộc lộ hết tất cả những yếu kém của mình. Đồng thời, tại Việt Nam hiện nay cũng chưa có những cơ quan định giá tín nhiệm hay giá trị công ty một cách tốt nhất, nếu thuê công ty nước ngoài thì chi phí đắt trong khi đó dịch vụ này từ các công ty trong nước tuy rẻ lại không uy tín.

TS. Hà Huy Tuấn – Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng rất đồng tình với cách nghĩ của ông Thinh và ông Thành. “Nếu cứ nói mãi đến khó khăn thì làm việc gì cũng sẽ khó, ngay cả đứng dậy cũng thấy khó chứ đừng nói là thay đổi điều gì đó. Nhưng vấn đề chuẩn mực, minh bạch thông tin và xếp hạng là những điều cần thiết cho thời đại và chúng ta phải làm, càng làm sớm càng tốt.

Ngoài ra, mặc dù ở Việt Nam, các công ty xếp hạng tín nhiệm hay định giá giá trị công ty chưa phát triển, nhưng tùy theo nhu cầu cụ thể vẫn tìm được công đạt yêu cầu của mình, theo giá thị trường”, ông Tuấn cho biết.

Để giải quyết tình trạng khan hiếm công ty đánh giá – định giá tốt tại thị trường Việt Nam, ông Tuấn đề xuất giải pháp khuyến khích các công ty nước ngoài liên doanh với các công ty trong nước để làm dịch vụ này.

Đối với việc phát hành trái phiếu, ông Nguyễn Đình Tùng – CEO Ngân hàng OCB tin rằng đây là thời điểm vàng để các doanh nghiệp Việt minh bạch hóa hoạt động kinh doanh, nâng cao chất lượng báo cáo tài chính để có thể phát hành trái phiếu.

Mức độ sẵn sàng đầu tư của các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước vào trái phiếu đều đang rất cao. Việt Nam đang là một miền đất hứa đối với các nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt là sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều.

Các nhà đầu tư trong nước cũng sẵn sàng mua trái phiếu của doanh nghiệp mà không cần có sự bảo đảm ngân hàng. "Trước đây, cứ nghĩ phải có sự bảo đảm từ ngân hàng thì các nhà đầu tư mới mua, bây giờ chỉ cần doanh nghiệp ra giá tốt là họ sẽ mua", ông Tùng cho biết.

Tuy nhiên, để có thể thúc đẩy cổ vũ doanh nghiệp Việt phát hành trái phiếu, các cơ quan Nhà nước cũng như truyền thông cần có sự biểu dương kịp thời những doanh nghiệp đã làm được, nhằm tạo cảm hứng cho các doanh nghiệp chưa làm sẽ làm theo. Sắp tới, ngoài nói về các doanh nghiệp tỷ USD hay tăng trưởng cao, giới truyền thông cũng nên nói nhiều về những doanh nghiệp đã đạt nhiều tiêu chuẩn quốc tế.

Theo ông Tùng, những doanh nghiệp lớn như OCB có thể thuê đối tác nước ngoài còn doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn muốn phát hành trái phiếu nên chọn đối tác nhỏ hơn với một hợp đồng đa dạng, không chỉ đánh giá – định giá công ty trong giai đoạn đó mà còn nhiều hoạt động khác nữa, vấn đề là cung cầu phải gặp nhau. Các doanh nghiệp cần phải sáng tạo để có thể tìm được cách phù hợp nhất.

Còn về chuẩn mực kế toán IFRS, theo ông Tùng đây là một quy chuẩn quốc tế mà các doanh nghiệp Việt Nam nên làm theo, vì khi gặp các nhà đầu tư nước ngoài, chỉ cần có IFRS thì sẽ đỡ rất nhiều việc, ít nhất là cho bộ phận tài chính – kế toán.

Cũng theo CEO Ngân hàng OCB, làm IFRS thật ra không khó như những gì các doanh nghiệp Việt tưởng tượng. OCB đã làm được IFRS cách đây 4 năm, bây giờ môi trường kinh doanh đã tốt hơn, không có lý do gì các doanh nghiệp khác lại không làm được.

Quỳnh Như

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/3-nguyen-nhan-khien-doanh-nghiep-viet-it-phat-hanh-trai-phieu-1552385678207.htm