3 người tử vong ở Nghệ An do uống phải rượu ngâm lẫn rễ cây lá ngón

Sau bữa cơm trưa uống rượu, 4 người trong gia đình có biểu hiện ngộ độc. Dù đã được đưa đi cấp cứu nhưng 3 người đã tử vong. Chất độc sau đó được xác định là có trong cây lá ngón, loại cây mọc phổ biến ở các tỉnh miền núi phía Bắc.

Chiều ngày 19/3, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nghệ An cho biết, đã 3 người trong một gia đình ở bản Chà Lắn (xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) tử vong nghi do phải uống rượu ngâm ngâm lá ngón.

Trước đó, ngày 12/3, gia đình ông Moong Văn Đi ăn cơm trưa. Bữa ăn gồm các món cơm, canh măng chua, cà pháo, ổi và một chai rượu (loại 1,5 lít) ngâm rễ, thân cây tự tìm kiếm. Trong bữa ăn, 3 người trong gia đình đã uống mỗi người vài chén rượu.

Sau khi ăn chừng 3 phút, ông Moong Văn Tuệ (37 tuổi, em trai ông Đi) thấy hoa mắt chóng mặt và ngất xỉu trên bàn ăn. Ông Đi thấy vậy định kêu hàng xóm nhờ giúp đỡ thì ngất xỉu ngay cầu thang của nhà. Còn anh Lữ Văn Khăm (24 tuổi, em rể anh Đi) cũng thấy hoa mắt, chóng mặt, tức ngực, khó thở. Anh Khăm nghi ngờ rượu có độc nên liền móc họng để nôn.

Chai rượu và rễ cây gia đình ngâm uống khiến 3 người tử vong

Ngoài ra, bà Lô Thị Văn (40 tuổi, vợ ông Đi) cũng uống 1 chén rượu. Sau đó nằm lịm đi.

Phát hiện sự việc, người dân trong bản đã đưa 4 người đến Trung tâm y tế huyện Kỳ Sơn để cấp cứu rồi chuyển lên BV Đa khoa Nghệ an. Tuy nhiên, ông Đi, ông Tuệ và bà Văn tử vong. Còn bệnh nhân Khăm đã qua cơn nguy kịch.

Nhận được thông tin, Chi cục An toàn thực phẩm Nghệ An đã lấy mẫu thức ăn, rượu gửi ra Hà Nội phân tích. Kết quả do Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia thực hiện cho thấy, có chất độc trong rượu. Đây là nguyên nhân khiến 3 người tử vong tử vong.

Chất độc sau đó được xác định là chất Koumin. Đây là hợp chất có trong cây lá ngón (có tên gọi khác như Câu vẫn, Hoàng đắng, Đoạn trường thảo…) một chất kịch độc dẫn đến chết người.

Cơ quan chức năng cho rằng, có thể khi đào rễ cây ngâm rượu, gia đình đã lấy phải một phần rễ cây lá ngón và đem ngâm. Đến khi uống thì xảy ra ngộ độc.

Cây lá ngón phân bố khá phổ biến ở miền rừng núi nước ta. Người dân thường chỉ dùng để tự tử hay với mục đích đầu độc. Các tỉnh miền núi như Hòa Bình, Lào Cai, Lạng Sơn, Tuyên Quang đều có. Ngoài ra, một số nước vùng nhiệt đới và á đới châu Á cũng có loại cây độc này.

Theo các chuyên gia, thành phần có thể giết người trong loại cây này là các alkaloid chứa trong toàn bộ cây, độc tính giảm dần theo thứ tự rễ, lá, hoa, quả và thân cây. Alkaloid trong lá ngón được hấp thu rất nhanh qua đường tiêu hóa chỉ từ 5-30 phút. Thời gian tử vong trung bình từ 1-7,5h. Người ngộ độc lá ngón cần phải nhanh chóng tiến hành các biện pháp sơ cứu, hạn chế hấp thu độc tính vào cơ thể. Theo đó, người nhà cần tìm mọi cách gây nôn cho bệnh nhân. Sau đó, nhanh chóng chuyển nạn nhân tới bệnh viện để bác sĩ thực hiện các kỹ thuật cấp cứu tiếp theo như rửa dạ dày bằng nước ấm, uống than hoạt,…

Như Ngọc

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/khoe/3-nguoi-tu-vong-o-nghe-an-do-uong-phai-ruou-ngam-lan-re-cay-la-ngon-post40072.html