3 người trong một gia đình mắc bệnh không ngờ từ giun đũa chó

Nhiều bệnh nhân tại Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương cho biết, dù không tiếp xúc ôm ấp, gần gũi với chó mèo nhưng bản thân và các thành viên trong gia đình vẫn mắc bệnh giun đũa chó. Đây là bệnh không nguy hiểm nhưng nếu phát hiện muộn, điều trị sai, có thể tử vong.

Bé P.Đ.T - một bệnh nhi mắc giun đũa chó mèo đang điều trị tại Khoa Khám bệnh chuyên ngành (Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương). Ảnh: T.Nguyên

Bé P.Đ.T - một bệnh nhi mắc giun đũa chó mèo đang điều trị tại Khoa Khám bệnh chuyên ngành (Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương). Ảnh: T.Nguyên

3/4 người trong một nhà vào viện vì… giun đũa chó

Tại buồng bệnh 110, Khoa Khám bệnh theo yêu cầu, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương (Viện SRKSTCTTW) có giường bệnh đặc biệt khi tại đây, cả một gia đình gồm mẹ, con trai, con gái (ở huyện Ân Thi, Hưng Yên) đều tới điều trị vì cùng một chứng bệnh: Giun đũa chó.

Khởi đầu là con trai lớn năm nay 10 tuổi. Cách đây khoảng nửa tháng, cháu bỗng nhiên hay đau quặn vùng rốn, thường kêu với mẹ là “đau bó cả bụng vào”, kèm theo tê gót chân. Cháu có tiền sử viêm dạ dày từ bé, nên khi cháu kêu đau, chị N.T.H (mẹ cháu bé) nghĩ cháu bị đau dạ dày bình thường. Nhưng tình trạng đau của cháu không giảm. Cùng với đó, cháu cũng có triệu chứng hơi mờ mắt, nhìn kém, nhưng đi khám không xác định bị tật khúc xạ nào. Chị H đưa con đến Bệnh viện Nhi Trung ương, làm rất nhiều xét nghiệm và các bác sĩ nghi ngờ cháu bé bị nhiễm giun đũa chó mèo nên chuyển tới Viện SRKSTCTTW điều trị.

Khi con trai lớn của chị H chưa kịp bình phục thì con gái mới 4 tuổi C.T.T.N lại tiếp tục kêu đau bụng kèm thêm ngứa ngáy. Rút kinh nghiệm từ trước, chị H đưa con gái tới Viện SRKSTCTTW làm xét nghiệm và kiểm tra luôn sức khỏe bản thân. Kết quả cho thấy, cả hai mẹ con chị đều bị nhiễm giun đũa chó.

“Gia đình tôi có nuôi cả chó lẫn mèo, nhưng cả mấy mẹ con không mấy khi ôm ấp, vỗ về hay tiếp xúc với chúng, vậy mà cả nhà lại bị. Ở xã tôi, chưa từng ai nghe đến bệnh này”, chị H chia sẻ.

Trong số hơn 70 bệnh nhân điều trị nội trú tại Khoa Khám bệnh chuyên ngành, Viện SRKSTCTTW hiện có đến 13% là bệnh nhi. Nhiều trẻ trong số này mắc giun đũa chó với những biểu hiện ban đầu khác nhau.

Bé P.Đ.T (3 tuổi, ở Tuyên Quang) phát hiện các vết bầm tím dưới da cách đây hơn 2 tuần. Lúc đầu, gia đình nghĩ bé chơi đùa, va chạm vào đâu đó nên bị tím, vài ngày sẽ khỏi. Nhưng tình trạng không đỡ, trên tay, chân, người, thậm chí ở sau vành tai của bé càng nổi thêm các vết thâm tròn bằng hạt nhãn. Đưa con đi khám ở bệnh viện tỉnh, các bác sĩ tại đây xét nghiệm máu, phân nhưng không phát hiện ra nguyên nhân.

“Cháu còi cọc, ăn ít, xanh xao, nhiều tháng liền không tăng cân. Sau 8 ngày ở viện, gia đình quá sốt ruột nên xin chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Các bác sĩ nghi ngờ cháu bị ký sinh trùng nên chuyển sang đây điều trị”, bà nội bé T chia sẻ.

Kết quả xét nghiệm tại Khoa Khám bệnh chuyên ngành cho thấy, chỉ số nhiễm giun đũa chó/mèo của bé cao gấp nhiều lần so với giới hạn bình thường (3,035 so với tỷ lệ dưới 0,3). Tương tự, số lượng bạch cầu ái toan trong máu của bé cao gấp 3 lần bình thường. Trong khi đó, kết quả xét nghiệm cũng cho thấy bé thiếu máu nhiều.

Với biểu hiện ban đầu là nổi mẩn ngứa cách đây hơn 5 tháng, bé N.D.P (4 tuổi, ở Nghệ An) được gia đình đưa đi khám khắp các viện ở tuyến huyện, tỉnh, Trung ương, từ chuyên khoa Da liễu, đến huyết học, dị ứng… nhưng đều không tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Thậm chí, đã có lúc mẹ bé suy sụp khi có nơi nghi ngờ bé mắc bệnh về tiều cầu, liên quan ung thư. Cuối cùng, khi đến Viện SRKSTCTTW, bé P được xác định bị… giun đũa chó.

Ấu trùng giun đũa chó mèo “chui” vào người theo đường nào?

Theo các bác sĩ, trẻ dưới 5 tuổi rất dễ nhiễm giun sán từ chó mèo vì các bé thích chơi đùa, vuốt ve vật nuôi trong nhà. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng dễ phát hiện bệnh. TS Trần Huy Thọ - Trưởng khoa Khám bệnh chuyên ngành (Viện SRKSTCTTW) cho biết, bệnh nhân đến khám tại cơ sở tương đối nhiều, nổi nhất là ấu trùng giun đũa chó mèo chiếm tới 2/3 bệnh nhân đến khám và điều trị tại khoa.

Ấu trùng giun đũa chó/mèo là một loại ấu trùng di chuyển. Khi vào ruột sẽ qua thành ruột đi vào máu chu du khắp cơ thể, đến gan, phổi, tim, thận, da, niêm mạc, mắt và não… Ấu trùng có thể tồn tại trong các tổ chức nhiều năm nếu không được điều trị.

Nhiều người bị nhiễm bệnh này mà không có triệu chứng. Một số người có thể có một hoặc các biểu hiện ở da như: Ngứa da, nổi mề đay dị ứng. Vào mắt có thể giảm thị lực, mờ mắt một hoặc hai bên. Khi di chuyển đến nội tạng, ấu trùng này gây mệt mỏi, kém ăn, hay cáu gắt, đau đầu, liệt, thậm chí dẫn tới tử vong. Các bác sĩ cũng lưu ý, ấu trùng hay trứng giun đũa chó mèo không tồn tại trong cơ thể người, Chỉ có thể xét nghiệm máu mới phát hiện ra bệnh.

Về đường lây nhiễm ấu trùng/trứng giun đũa chó mèo, các bác sĩ cho biết, có thể bệnh nhân tiếp xúc qua thú cưng, ôm chó mèo, chơi, ngủ cùng chó mèo, nhưng cũng có thể ăn thực phẩm nhiễm giun, chất thải của chó mèo ra môi trường. Trẻ con thường dễ bị nhiễm sán chó do hay chơi đùa dưới đất, bốc thức ăn dưới đất bỏ vào miệng. Trứng sán cũng có lẫn trong rau trồng trong vườn, khi rau không được rửa sạch hay chưa nấu chín.

Ngứa, nổi mẩn, đừng vội đổ tội cho gan

“Có những bệnh nhân ban đầu chỉ nổi mẩn ngứa, ban xuất huyết dưới da, mề đay. Nhiều bệnh nhân điều trị khắp các chuyên khoa từ Da liễu, Huyết học, dị ứng… Thậm chí, có những bệnh nhân tiền sử dị ứng ngứa vài năm, 10 năm điều trị da liễu mãi không khỏi, đi khám bệnh về ký sinh trùng mới phát hiện bị giun đũa chó”, TS Trần Hữu Thọ nói.

Tại Viện SRKSTCTTW từng có nhiều ca bị giun đũa, giun lươn, với biểu hiện ban đầu là ngứa, từ đó điều trị theo các phương pháp chữa trị… gan. Đó là ông L.V.M (79 tuổi, ở Yên Bái) có tiền sử suy thận. Từ đầu năm 2017, ông đã có cảm giác ngứa rải rác trên toàn thân, đến mức thường xuyên phải xịt nước nóng vào vị trí ngứa để dịu đi. Có những hôm, ông ngứa đến mức gãi bật cả máu. Gia đình đoán ngứa là do men gan cao nên mua hết các loại thuốc dị ứng, cắt thuốc lá cho ông uống. Nhưng cơn ngứa chỉ đỡ được một đôi hôm rồi tái phát, thậm chí ngứa nặng hơn.

Sau khi đi lòng vòng vài viện từ tỉnh đến Trung ương, cùng triệu chứng sút đi một lúc 15kg, người gầy yếu, suy kiệt, gia đình thậm chí còn lo ông bị ung thư máu nên vội đưa sang Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương để xét nghiệm máu, chọc tủy. Vì bạch cầu tăng cao, các bác sĩ giới thiệu gia đình đưa ông sang Viện SRKSTCTW. Tại đây, ngay khi phát hiện ông M bị nhiễm giun lươn, các bác sĩ lập tức cấp thuốc điều trị và chỉ một ngày sau, tình trạng ngứa của ông đã giảm hẳn.

Để phòng bệnh ấu trùng/trứng giun chó mèo, nguyên tắc đầu tiên là phải ăn chín, uống sôi. Cần vệ sinh môi trường sạch sẽ; quản lý chó mèo, không để chó mèo phóng uế ra môi trường xung quanh. Phân chó mèo phải được chôn lấp và bỏ đúng nơi quy định, mọi người tránh tiếp xúc với phân chó mèo. Tẩy giun sán định kỳ cho chó mèo. Khi tiếp xúc với đất, cát, nhất là ở khu vực có nuôi chó mèo phải rửa bằng xà phòng thật sạch, đặc biệt là trẻ em. Chó, mèo cũng cần được tắm rửa thường xuyên và không nên ôm hôn chúng.

Quỳnh An

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/song-khoe/3-nguoi-trong-mot-gia-dinh-mac-benh-khong-ngo-tu-giun-dua-cho-20180914183758698.htm