3 nét đặc trưng của bạo lực gia đình ở châu Á - Thái Bình Dương

Bạo lực gia đình gây ảnh hưởng đối với phụ nữ và trẻ em gái trong các xã hội ở châu Á và Thái Bình Dương, bất kể giàu nghèo, tuổi tác hay dân tộc.

Bạo lực bởi bạn tình là phổ biến nhất

Phụ nữ và trẻ em gái có nguy cơ bị bạo lực gia đình cao hơn những người khác. Đây là một trong những biểu hiện nghiêm trọng nhất về bất bình đẳng giới và phân biệt đối xử, tước đi các quyền và cơ hội cơ bản, hạn chế việc tiếp cận giáo dục, các dịch vụ xã hội của phụ nữ và trẻ em gái. Dựa trên dữ liệu của 39 quốc gia, bạo lực bởi bạn tình là một hình thức bạo lực phổ biến nhất đối với phụ nữ châu Á- Thái Bình Dương.

Nạn nhân bị tạt axit

Phần lớn phụ nữ bị bạo lực trong các mối quan hệ với bạn tình thường trải qua nhiều hình thức bạo lực và chịu đựng những hành vi bạo lực lặp đi lặp lại. Đối với các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương có dữ liệu, tỷ lệ phụ nữ đã từng bị bạn tình bạo lực tình dục trong cuộc đời dao động từ 6,1% ở Singapore, 9,5% ở Armenia, 64,1% ở Fiji, 67,2% ở Bangladesh, 67,5% ở Papue New Guinea và 67,6% ở Kiribati.

Môi trường sống xung quanh có vai trò nền tảng tạo ra những thái độ và chuẩn mực mang tính định kiến. Nghiên cứu đa văn hóa cho thấy trong nhiều xã hội, cả nam giới và phụ nữ, người trẻ và người già, sử dụng thái độ văn hóa và các chuẩn mực xã hội để biện minh cho hành vi bạo lực gia đình đối với người vợ. Ví dụ: Người vợ nấu ăn tệ, cãi chồng, ra ngoài mà không thông báo trước hoặc từ chối quan hệ tình dục với chồng. Thực tế, 76% phụ nữ ở Kiribati cho rằng, trong một số trường hợp, người đàn ông có thể đánh vợ. 58% phụ nữ ở Lào cho rằng, người chồng có thể đánh vợ nếu cô ấy phạm sai lầm. Ngoài việc được chấp nhận về mặt văn hóa, những người phụ nữ bị bạo hành từ bạn tình thường phải chịu sự xấu hổ, kỳ thị khiến họ khó có thể nói ra, tìm kiếm sự hỗ trợ hoặc từ bỏ mối quan hệ mang tính bạo lực này.

Nam Á có tỷ lệ hôn nhân cưỡng ép và tảo hôn nhiều nhất

Tảo hôn và hôn nhân cưỡng ép thường xảy ra trong các xã hội, nơi mà trẻ em gái không được đề cao. Đối với những hoàn cảnh dễ bị tổn thương và thiệt thòi (đặc biệt là các gia đình sống trong nghèo đói và ở các vùng nông thôn), bố mẹ ép buộc con kết hôn sớm, đẩy các em vào nguy cơ bị bạo hành từ chồng, nhà chồng dẫn đến tình trạng sức khỏe tình dục và sinh sản bị tổn hại.

Nam Á có tỷ lệ hôn nhân cưỡng ép và tảo hôn cao nhất trên thế giới. 45% phụ nữ trong độ tuổi 20-22 cho biết đã kết hôn trước 18 tuổi và 17% ở độ tuổi 15. Ước tính, có ít nhất 130 triệu trẻ em gái ở Nam Á kết hôn trước 18 tuổi vào năm 2030. Bangladesh có tỷ lệ tảo hôn và ép buộc kết hôn cao nhất với 58,6% phụ nữ kết hôn trước 18 tuổi và 22,4% đã kết hôn ở tuổi 15. Còn theo Ủy ban Độc lập Afghanistan, 60-80% các cuộc hôn nhân ở nước này đều bị ép buộc.

Trẻ em gái tảo hôn và bị ép buộc kết hôn thường phải đối mặt với những khó khăn trong việc ra quyết định về quan hệ tình dục an toàn và kế hoạch hóa gia đình, khiến họ có nguy cơ cao bị bạo lực tình dục. Họ ít có khả năng nhận được chăm sóc y tế phù hợp trong khi mang thai, dẫn tới nguy cơ mắc bệnh của người mẹ tăng cao. Các biến chứng khi mang thai và sinh con được cho là nguyên nhân thứ hai gây ra tử vong ở trẻ em gái độ tuổi 15-19.

Ngoài ra, trẻ sinh ra từ các bà mẹ dưới 20 tuổi thường có nguy cơ tử vong trong 28 ngày đầu đời, cao gấp 1,5 lần so với trẻ sinh ra từ các bà mẹ ở độ tuổi 20 và 30. Các trẻ em là nạn nhân tảo hôn và bị ép buộc kết hôn cũng phải đối mặt với tình trạng mất cơ hội giáo dục, không đảm bảo có công việc trả lương cao cho bản thân, khó có thể thoát khỏi các mối quan hệ lạm dụng và có nguy cơ gia tăng nghèo đói.

Bạo lực bằng axit ở các nước Đông Nam Á và Nam Á

Ở Nam Á, bạo lực axit là hình thức bạo lực để đối phó trường hợp phụ nữ từ chối các đề nghị hôn nhân và gợi ý tình dục, là kết quả của cuộc xung đột liên quan đến của hồi môn. Các cuộc tấn công bằng axit đối với phụ nữ và trẻ em gái bị che giấu do nhiều trường hợp không được báo cáo.

Ảnh minh họa

Những nạn nhân của bạo lực axit, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa hoặc sống trong nghèo đói, không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y tế, hỗ trợ tâm lý hoặc hỗ trợ pháp lý đầy đủ. Những người sống trong cảnh ngộ này thường xấu hổ về ngoại hình, bị kỳ thị, bị tẩy chay bởi cộng đồng vì sự biến dạng của họ. Do đó, họ không thể làm việc hoặc không được hỗ trợ từ gia đình mình. Những người bị bạo lực axit có nguy cơ tự sát cao.

Bên cạnh nạn bạo lực axit là hình thức giết người vì danh dự. Ở một số nước, hình thức này được coi là cách để khôi phục hoặc cứu vãn danh dự của gia đình. Trong một số xã hội, nguồn gốc văn hóa xã hội của các vụ giết người vì danh dự rất sâu sắc đến mức các hệ thống pháp lý không ngăn cản được họ, thậm chí nạn nhân còn bị đổ lỗi hơn là thủ phạm. Ngoài ra, một hình thức bạo lực khác là những cái chết liên quan đến hồi môn, có quan hệ trực tiếp đến sự bất bình đẳng giới trong hôn nhân, gia đình và xã hội. Các vụ giết người liên quan đến hồi môn phổ biến ở các nước Nam Á, nơi hồi môn được trao bởi gia đình cô dâu.

10 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình: Mỗi địa phương một cách làm phù hợp

* Ông Nguyễn Trần Kiệt, chuyên viên Phòng xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở VH TT&DL tỉnh Đồng Nai

Đồng Nai là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thu hút gần 1 triệu lao động ngoại tỉnh đến làm việc. Đồng thời nơi đây đa dạng các dân tộc, tôn giáo cùng cư trú tại địa phương. Đây là điều thuận lợi về kinh tế, nhưng cũng là điểm phức tạp trong việc quản lý dân số và tuyên truyền việc thực hiện Luật phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ). Bên cạnh đó, báo cáo số liệu từ các địa phương chưa chính xác. Chủ yếu cấp tỉnh mới nắm được các vụ việc đã gây hậu quả nghiệm trọng. Thậm chí, bạo lực gia đình ở một số nơi còn bị coi là việc nội bộ của mỗi gia đình nên khi xử lý có phần lơ là. Việc bảo vệ lao động nhập cư, không phải cư dân tại địa phương rất khó.

Chính vì thế, chúng tôi đã xây dựng tài liệu tuyên truyền riêng cho nhóm đối tượng là người dân ngoại tỉnh đến trọ tại địa phương. Đồng thời, đề nghị các chủ nhà trọ ký cam kết về việc tuyên truyền về BLGĐ cho người ở trọ. Nhờ vậy, các nạn nhân bạo lực đã biết tìm đến các địa chỉ tạm lánh và được lực lượng công an, bộ đội biên phòng giúp đỡ.

* Ông Nguyễn Danh Hùng, Phó trưởng phòng Xây dựng nếp sống, văn hóa gia đình, Sở VH TT&DL tỉnh Hải Dương

Từ năm 2008 đến 2018, Công an Hải Dương đã tiếp nhận 113 tin báo về BLGĐ. Số vụ, số bị can bị truy tố, khởi tố là 68 vụ, 68 bị can. Trong đó, giết người 33 vụ, 33 bị can; cố ý gây thương tích 27 vụ, 27 bị can; hiếp dâm trẻ em 1 vụ; các tội khác 7 vụ.

Công tác phòng, chống BLGĐ có kết quả nhưng Hải Dương vẫn gặp nhiều khó khăn như: Công tác gia đình và phòng, chống BLGĐ chưa được quan tâm đúng mức. Đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình còn thiếu. Nhiều người còn làm việc kiêm nhiệm, chưa được đào tạo, trang bị kiến thức về công tác quản lý Nhà nước về gia đình một cách chuyên sâu. Đặc biệt, việc báo cáo số vụ BLGĐ tại các địa phương còn chưa chính xác. Việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi liên quan đến BLGĐ còn gặp nhiều khó khăn.

Hiện tỉnh Hải Dương đã triển khai được 45 địa chỉ tin cậy và đường dây tư vấn về phòng, chống BLGĐ, nhưng công tác tuyên truyền, nguồn kinh phí đầu tư nhu cầu thiết yếu cho các nạn nhân tại các địa chỉ tin cậy chưa đầy đủ hoặc chưa có. Tâm lý nạn nhân không dám tố cáo hành vi bạo lực, sợ hàng xóm dị nghị. Bên cạnh đó, ngân sách đầu tư cho công tác gia đình, phòng, chống BLGĐ còn thấp, Trung ương chưa có quy định cụ thể mức chi nên chưa đáp ứng yêu cầu của công tác gia đình và phòng, chống BLGĐ.

Hoàng Hà (ghi)

Ngự Bình Theo UN Women và ADB

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/hon-nhan-gia-dinh/3-net-dac-trung-cua-bao-luc-gia-dinh-o-chau-a-thai-binh-duong-post53394.html