'3 năm đầu có con, tôi trách mình không phải người mẹ tốt'

Thời gian đầu mới sinh con, Su Xiaonuan bị trầm cảm, mất ngủ suốt 3 năm. Bà mẹ một con nỗ lực để chăm sóc tốt cho con và tìm kiếm niềm vui cho mình.

Khi cậu con trai 7 tuổi đến nhà bạn chơi cả ngày, Su Xiaonuan (33 tuổi, Trung Quốc) mới có thời gian dọn dẹp "bãi chiến trường" cậu bé để lại. Cô vừa làm việc nhà vừa xem phần 5 của một bộ phim truyền hình dài tập về gia đình, nhớ lại quãng thời gian khủng hoảng khi mới làm mẹ.

"Nếu chưa làm mẹ, chắc hẳn tôi sẽ khao khát có con sau khi xem nó. Khuôn mặt nhỏ nhắn của đứa bé trong phim mới dễ thương làm sao, cuộc sống thật trọn vẹn khi có một đứa trẻ. Nhưng điều khác là em bé trong phim luôn mỉm cười và chẳng bao giờ quấy khóc khi ngủ. Còn tôi, suốt bao nhiêu năm qua, tôi chưa từng dám viết về những cảm xúc đã trải qua khi có con đầu lòng. 3 năm đầu có con, tôi thấy đứa trẻ như nuốt chửng mình", Su chia sẻ trên Weixin.

 Nhiều bà mẹ trẻ đối diện áp lực tâm lý khi lần đầu có con. Ảnh: AFP.

Nhiều bà mẹ trẻ đối diện áp lực tâm lý khi lần đầu có con. Ảnh: AFP.

"Tôi trách mình không phải người mẹ tốt"

Khi mang thai, Su tưởng tượng mọi thứ đơn giản và có thể kiểm soát, cô chuẩn bị những đồ dùng cần thiết theo danh sách đặt hàng trực tuyến, nghĩ như vậy là đủ để chào đón một thành viên mới.

Thường xuyên xem các bộ phim tình cảm gia đình, Su cũng giống như nhiều cô gái trẻ khác mang trong mình kỳ vọng tươi đẹp về cuộc sống sau khi có con. "Dù điều đó không xấu, nhưng ở khía cạnh nào đó, những ảo tưởng khiến nhiều người vỡ mộng khi đối diện khó khăn thực tế".

Lúc mới sinh, Su rất vui. Nhà có chồng và bố chồng ở nhà sẽ giúp chăm sóc đứa trẻ, cô nghĩ mình hẳn không phải tất bật. Nhưng vấn đề cũng đã đến khi gia đình 4 người không hề biết gì về cách chăm sóc một đứa bé sơ sinh.

Đêm thứ 2 sau khi sinh, Su dùng máy hút sữa nhưng sau khoảng 10 phút, cô chỉ lấy được một chút sữa. "Tôi ngồi trên giường, cảm thấy khó chịu và hoang mang. Tôi tự hỏi tại sao mình không có sữa, liệu con có bị đói không?".

Ngày ra viện và về nhà riêng, những khó khăn ập đến. Su bị nứt núm vú nhiều lần, mỗi lần đứa trẻ bú đều khiến cô đau đớn. Nhưng cô lo lắng hơn rằng con không đủ no.

"Nhiều lúc tôi vừa cho con bú vừa rơi nước mắt, thậm chí không biết mình khóc vì đau hay vì đang trách bản thân. Tôi nghĩ mình là một người mẹ không đủ tốt. Ngủ không đủ giấc nên tôi bị vàng da mãi không khỏi, tôi thấy mình thật vô dụng".

Su tự trách mình không phải người mẹ tốt, cô thắc mắc liệu những người khác có yêu thương con họ một cách tự nhiên không. Ảnh: Depositphotos.

Tìm kiếm những cách chăm sóc trẻ trên mạng, những hướng dẫn khác nhau làm Su bối rối. Bố chồng cô khuyên con dâu không nên căng thẳng quá mức, nên ra ngoài hít thở không khí nhiều hơn.

"Nhưng tôi không dám đi đâu, sợ con sẽ khóc bất cứ lúc nào. Tôi ước mình có thể trở thành một người mẹ tốt", Su nhớ lại.

Rơi vào trầm cảm

Một lần, Su cãi nhau với chồng. Nhưng bố chồng của cô đã mắng cô: "Con lúc nào cũng nói con khó chịu. Con có biết chúng ta đã chịu đựng con bao lâu rồi không? Bà nội đứa trẻ đã đẻ 6-7 người con, nhưng con mới có một đứa thôi mà đã tức giận đến vậy".

Từ đó về sau, Su không muốn chia sẻ gì với gia đình nữa, thậm chí không muốn nói chuyện gì. "Tôi nghĩ trên đời này sẽ không có ai hiểu, không ai yêu tôi".

Su nhớ có lần khóa cửa phòng, cởi đồ của đứa con mới sinh và cả quần áo của mình, rồi nhẹ nhàng áp làn da của cô lên đứa trẻ để cảm nhận tình mẫu tử. "Khoảnh khắc da con chạm vào mình tôi mới ngỡ ngàng thấy hóa ra đó là tình yêu. Đó cũng là lần đầu tiên tôi cảm nhận được sự kỳ diệu của cuộc sống", Su nói.

Khi chuyện chăm con đã dần được giải quyết, Su lại gặp vấn đề mới. Một lần khi xuống siêu thị mua đồ, tới lúc tính tiền, Su muốn hỏi "giá bao nhiêu" nhưng cô thấy mình nói rất nhỏ.

"Tôi giật mình nhận ra bản thân thực sự có vấn đề, dường như không thể giao tiếp với mọi người một cách bình thường, tự hỏi có phải tôi bị trầm cảm sau sinh không? Nó nghiêm trọng đến mức nào?".

Nhiều phụ nữ bị trầm cảm sau sinh, họ càng đau khổ hơn nếu không có sự thấu hiểu và chia sẻ từ gia đình. Ảnh: Korea Times.

Su bắt đầu học viết nhật ký dù không hề muốn viết chút nào. Cô ghi ra những nỗi sợ hãi và tức giận, buộc bản thân viết những giải pháp có thể nghĩ được để giảm bớt suy nghĩ độc hại trong đầu.

"Tôi tiếp tục đọc sách và học cách chăm con. Tôi cố gắng thỏa hiệp và không gây ồn ào nữa, xem phim và tìm kiếm những niềm vui trong thời gian chăm con. Tôi thấy mình xinh đẹp hơn, gia đình cũng thuận hòa, mọi thứ dường như đang đi vào đúng hướng".

Hết thời gian nghỉ thai sản, Su quay lại với công việc. Cô bắt đầu một chu kỳ khủng hoảng mới. Cường độ công việc ban ngày quá cao, đêm về con quấy khóc khiến bà mẹ trẻ không thể ngủ ngon. Su bị mất ngủ suốt 3 năm đầu sau khi sinh con. "Tôi không còn là chính mình", cô nói.

Dần dần, Su học cách dành thời gian riêng cho bản thân. Buổi trưa, cô tranh thủ một tiếng được nghỉ đến đến hiệu sách đối diện công ty hoặc tới phòng tập thể dục. Su đọc thêm sách và học vẽ tranh để giải tỏa cảm xúc.

"Không có mục đích cụ thể nào, tôi chỉ muốn được làm những gì mình thích, những việc không phải vì trách nhiệm mà là vì bản thân để thấy mình tự do", Su nói về con đường giúp cô thoát khỏi áp lực tâm lý khi lần đầu làm mẹ.

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/3-nam-dau-co-con-toi-trach-minh-khong-phai-nguoi-me-tot-post1197908.html