3 loại thuốc Bộ Y tế Nga dùng điều trị bệnh do nCoV

Hiện tại chưa có vắc-xin phòng dịch bệnh do nCoV, nhưng Bộ Y tế Nga đã công bố danh sách các loại thuốc hiện có, có thể điều trị chống lại chủng Coronavirus mới. Đó là 3 loại thuốc chống virus: Ribavirin, Lopinavir / Ritonavir và tái tổ hợp Interferon Beta-1b.

Thuốc chống virus

Ribavirin: Đây là một thuốc chống virus có tác dụng cản trở sự tổng hợp RNA và DNA của virus và sau đó ức chế tổng hợp protein và sao chép virus. Trong ống nghiệm, ribavirin có tác dụng chủ yếu trên tế bào nhiễm virus nhạy cảm. Thuốc có sẵn dưới các dạng viên nén, viên nang, thuốc bột pha dung dịch tiêm. Bộ Y tế Nga khuyến nghị dùng 200 miligam, 2-4 lần một ngày trong 1-2 tuần (dạng viên nén và viên nang). Dạng tiêm được sử dụng trong phòng chăm sóc đặc biệt, dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ.

Loại thuốc này đã được sử dụng trong điều trị nhiễm SARS ở Trung Quốc, Singapore và các quốc gia khác giai đoạn dịch bệnh năm 2003. Khi sử dụng cần chú ý tới các nguy cơ bất lợi của thuốc như: Nhức đầu, mệt mỏi, run, sốt, triệu chứng giả cúm, nhược cơ, giảm cân; thiếu máu và thiếu máu tan huyết; buồn nôn, chán ăn, tiêu chảy, đau bụng, nôn, khô miệng, táo bón, trướng bụng, chảy máu lợi, viêm loét miệng, viêm tụy. Các bất lợi này thường gặp khi phối hợp với interferon alpha-2b.

Nghiên cứu thuốc điều trị bệnh do nCoV trong phòng thí nghiệm.

Nghiên cứu thuốc điều trị bệnh do nCoV trong phòng thí nghiệm.

Lopinavir/Ritonavir: Lopinavir và ritonavir (lopinavir/ritonavir) là kết hợp cố định của hai thuốc ức chế protease của virus gây suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), được sản xuất dưới dạng thuốc nước và viên nén bao phim. Nếu không thể sử dụng đường uống của các loại thuốc này, nó được dùng dưới dạng hỗn dịch thông qua ống thông mũi dạ dày. Sự kết hợp của ribavirin với các loại thuốc này có thể cho kết quả khả quan.

Một số bất lợi thường gặp khi dùng thuốc như: Nổi mẩn, tăng cholesterol, tăng triglycerid, tiêu chảy, dị cảm vị giác, nôn, buồn nôn, đau bụng…

Cách dùng: Thuốc viên không ảnh hưởng bởi thức ăn, phải nuốt và không được nhai viên thuốc. Thuốc nước, phải uống cùng thức ăn. Thuốc nước có chứa rượu và propylen glycol nên phải chú ý khi dùng cho trẻ, nhất là trẻ sơ sinh và trẻ đẻ non.

Tái tổ hợp Interferon Beta-1b: Interferon beta - 1b được chỉ định để làm giảm số lần bệnh nặng lên ở người bệnh ngoại trú xơ cứng rải rác thuyên giảm có tái phát.. Interferon là protein thuộc họ cytokine có tác dụng chống virus và điều hòa miễn dịch. Thuốc được dùng dưới dạng tiêm được cho là có hiệu quả với nCoV.

Một số bất lợi thường gặp khi dùng như: Ðau đầu, hội chứng giả cúm, sốt, ớn lạnh, suy nhược, đau cơ, chóng mặt; khó ngủ, trầm cảm; tiêu chảy.

Phương pháp điều trị khác

Thuốc kháng sinh chống nhiễm khuẩn (amoxicillin/clavulanate; fluoroquinolones như levofloxacin, moxifloxacin; cephalosporin thế hệ 3 và 4; carbapenems; linezolid và các loại khác) cũng được dùng cho bệnh nhân có triệu chứng của nCoV bội nhiễm vi khuẩn. Việc lựa chọn kháng sinh và phương pháp sử dụng dựa trên mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh nhân, phân tích các yếu tố nguy cơ để đáp ứng với các vi sinh vật kháng thuốc và kết quả chẩn đoán.

Uống 2,5-3,5 lít nước mỗi ngày, nếu không có chống chỉ định. Đối với nhiễm độc, khó chịu ở bụng, buồn nôn và / hoặc nôn… có thể dùng các chất hấp phụ. Điều trị tiêm truyền được thực hiện trong tình trạng nghiêm trọng của bệnh nhân bị coronavirus.

Thuốc hạ sốt được kê đơn dùng khi nhiệt độ trên 38,5 độ. Nếu có các triệu chứng khác nhau - khả năng chịu đựng kém khi bị sốt, đau đầu, tăng huyết áp, nhịp tim nhanh - những thuốc này được sử dụng sớm hơn (dưới 38,5oC).

Cần nhanh chóng đến bệnh viện khi những dấu hiệu đầu tiên của nCoV xuất hiện. Bạn cũng cần sử dụng thiết bị bảo vệ đường hô hấp (đeo khẩu trang), rửa tay sau khi đến những nơi đông người và trước khi ăn. Không nên tự ý dùng thuốc.

DS. Hoàng Thu Thủy

((Theo medikforum))

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/3-loai-thuoc-bo-y-te-nga-dung-dieu-tri-benh-do-ncov-n168595.html