3 loại thức uống 'phản chủ' khiến hơi thở của bạn có mùi khó chịu

Hơi thở thơm tho chẳng những thể hiện sức khỏe răng miệng tốt mà còn giúp bạn tự tin hơn trong giao tiếp. Tuy nhiên, một số thức uống yêu thích hằng ngày sau đây có thể là 'thủ phạm' gây mùi khó chịu cho hơi thở của bạn.

Nếu bạn đang trong một cuộc trò chuyện với bạn bè hoặc đồng nghiệp và nhận thấy họ có hành động đưa tay che mũi, giữ khoảng cách thì đây có thể là một trong những dấu hiệu "tố giác" hơi thở của bạn đang gây mùi khó chịu.

Ngoài tỏi và hành tây khiến hơi thở nặng mùi thì một số loại đồ uống cũng là tác nhân chính gây cho hơi thở có mùi khó chịu. Ảnh minh họa: Internet

Khoang miệng là môi trường ẩm ướt, nơi chứa nhiều loại vi khuẩn tồn tại trong các thực phẩm bạn ăn hàng ngày.

Thức ăn đọng trong kẽ răng là cơ hội thuận lợi cho vi khuẩn lên men và phát triển tạo ra VSC khiến hơi thở có mùi.

Theo nha sĩ Gigi Meinecke DMD – Học viện Nha khoa tổng quát, hơi thở có mùi thường xuất phát từ một trong ba nguyên nhân sau: Trào ngược axit dạ dày, hội chứng chảy dịch mũi sau từ đường dẫn khí và do một loại hợp chất lưu huỳnh dễ bay hơi được gọi với tên khoa học là Volatile Sulfur Compounds (VSC).

Thức uống quen thuộc làm hơi thở có mùi hôi1. Cà phê

Bạn có đang ngạc nhiên khi thức uống yêu thích của mình lại đứng đầu trong danh sách “phản chủ” khiến hơi thở của bạn có mùi khó chịu? Ảnh minh họa: Internet

Cà phê là thức uống ưa thích của nhiều người. Tuy nhiên, chúng ta không để ý rằng việc uống quá nhiều cà phê sẽ khiến cho hơi thở có mùi khó chịu. Nguyên nhân chính là trong cà phê có chứa hàm lượng lưu huỳnh cao, gây nên tình trạng hôi miệng.

Ngoài ra, uống quá nhiều thức uống chứa caffeine sẽ dẫn đến tình trạng khô miệng, làm giảm nước bọt, gây hôi miệng và hơi thở có mùi khó chịu.

2. Rượu

Rượu làm kích hoạt axit reflux - một hợp chất gây trào ngược axit dạ dày khiến hơi thở có mùi khó chịu. Ảnh minh họa: Internet

Một nghiên cứu vào tháng 4 năm 2018 được công bố trên tạp chí Microbiome, các nhà nghiên cứu đã tiến hành khảo sát lấy mẫu nước bọt từ hơn 1.000 tình nguyện viên khỏe mạnh trong độ tuổi từ 55 đến 84. Đồng thời, nhóm nghiên cứu cũng thu thập thêm thông tin về thói quen ăn uống, mức độ tiêu thụ rượu bia của các tình nguyện viên.

Kết quả cho thấy, đối với những người thường xuyên dùng rượu bia thì tình trạng vi khuẩn trong nước bọt của họ khá cao. Bởi trong mẫu nước bọt của họ chứa rất nhiều vi khuẩn gây bệnh nướu răng.

Thêm vào đó, nếu bạn hấp thụ quá nhiều rượu bia vào cơ thể sẽ làm kích hoạt axit reflux - hợp chất gây trào ngược axit dạ dày khiến hơi thở của bạn có mùi khó chịu.

3. Nước uống có ga

Axit có trong các loại đồ uống có ga là tác nhân chính khiến hơi thở có mùi khó chịu. Ảnh minh họa: Internet

Axit có trong soda và các loại nước giải khát có ga chính là nguyên nhân gây cho hơi thở có mùi hôi.

Các axit này làm mềm men răng, tăng nguy cơ sâu răng và tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn gây mùi phát triển.

Uống gì để tránh tình trạng hơi thở có mùi khó chịu?

Nước lọc là sự lựa chọn tốt nhất dành cho bạn. Ảnh minh họa: Internet

Bạn nên uống một cốc nước lọc sau khi sử dụng các đồ uống có ga; việc này giúp làm trôi đi lượng nước ngọt bám trên răng.

Nước lọc không có mùi và không tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sống, đồng nghĩa với việc chúng không thể tạo ra các VSC làm cho hơi thở của bạn có mùi khó chịu. Nếu cảm thấy nước lọc quá nhạt nhẽo, bạn có thể làm tăng gia vị bằng cách cho thêm một ít lá bạc hà để tạo cảm giác tươi mát hơn.

Thêm chút "biến tấu" với vài lá bạc hà sẽ làm tăng cảm giác tươi mát cho ly nước lọc bớt nhạt. Ảnh minh họa: Internet

Tiến sĩ Meinecke chia sẻ: "Bạn hãy cắt một lát dưa hấu và đặt vào một cái lọ, cho thêm một ít lá húng quế. Đổ nước vào bình và để lạnh vài giờ trước khi dùng để hơi thở được thơm mát".

Theo Health

Kiều Oanh

Nguồn PNSK: http://phunusuckhoe.vn/3-loai-thuc-uong-phan-chu-khien-hoi-tho-cua-ban-co-mui-kho-chiu-c23a298780.html