3 loại mỹ phẩm khi dùng nhiều dễ gây mụn

Một số sản phẩm làm đẹp khi sử dụng liên tục có thể gây tổn thương và tăng tính nhạy cảm cho da.

Hiện nay, bạn có thể mua mỹ phẩm làm đẹp dễ dàng ở cửa hàng tiện lợi, siêu thị hay các trang thương mại điện tử. Được tạo ra với công dụng chăm sóc da nhưng một số loại mỹ phẩm lại chứa thành phần có thể "đe dọa" cho da bạn. Thậm chí, chúng còn gây hại cho hàng rào bảo vệ da, khiến da suy yếu, nổi mụn hay mẩn đỏ.

Sữa rửa mặt có độ pH cao

Theo Byrdie, có nhiều sữa rửa mặt chứa thành phần hướng đến nhiều mục tiêu chăm sóc da khác nhau. Tuy nhiên, mọi người thường bỏ qua đặc điểm quan trọng để đánh giá chất lượng của sữa rửa mặt - độ pH.

Những người mang làn da dầu, hỗn hợp hoặc dễ bị mụn thường thích cảm giác căng và sạch thoáng trên mặt sau khi dùng sữa rửa mặt. Họ cho rằng làn da đã được làm sạch kỹ càng. Cảm giác sạch bong "kin kít" đó không hề tốt và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại.

Các loại sản phẩm rửa mặt mang đến cảm giác sạch như vậy thường có hàm lượng kiềm cao (độ pH cao), đồng thời tạo nhiều bọt.

Sản phẩm rửa mặt nhiều bọt với độ pH cao khiến da khô ráp, căng sau khi rửa. Ảnh: PopSugar.

Sản phẩm rửa mặt nhiều bọt với độ pH cao khiến da khô ráp, căng sau khi rửa. Ảnh: PopSugar.

Bác sĩ da liễu Sapna Palep ở New York (Mỹ) giải thích: "Độ pH của da dao động từ 4-6. Điều này cho thấy da có tính axit nhẹ và cần được giữ nguyên độ pH để hoạt động tốt nhất".

Bạn cần chọn sản phẩm làm đẹp có độ pH gần với độ pH tự nhiên của da nhằm ngăn ngừa những vấn đề không mong muốn.

Trong khi đó, sữa rửa mặt dạng kem, không hoặc ít tạo bọt giữ cho độ pH của da ở mức tự nhiên.

Sữa rửa mặt có độ pH cao có thể dẫn đến nhiều triệu chứng như khô da, tắc nghẽn lỗ chân lông và nổi mụn.

Bên cạnh đó, nó còn phá vỡ nghiêm trọng hàng rào bảo vệ da. Các chất làm sạch quá mức khiến hoạt động sinh lý của da bị suy yếu. Vi khuẩn, chất gây kích ứng xâm nhập vào bên trong và nước bị thất thoát ra ngoài.

Làn da sạch bong kin kít báo hiệu độ ẩm trên da bị giảm đi đáng kể. Tuyến bã nhờn được kích thích hoạt động, tiết dầu mạnh mẽ nhằm bù đắp lượng nước bị thiếu hụt. Từ đó, da sẽ sản sinh dầu nhiều hơn bình thường. Theo thời gian, da còn trở nên nhạy cảm, dễ bị đỏ và kích ứng.

Một sản phẩm rửa mặt nên mua sẽ không làm da mặt bạn bị khô, căng tức hay bóng nhờn sau khi sử dụng. Về sữa rửa mặt có độ pH thấp, chúng góp phần bảo tồn các lipid trong da, phù hợp cho người có da khô, da nhạy cảm, da mụn hoặc bệnh chàm.

Toner chứa cồn

Toner giúp điều chỉnh độ pH của da về mức 4-6, hỗ trợ làm dịu, cân bằng da sau khi làm sạch với sữa rửa mặt và tẩy trang.

Một số loại toner được sử dụng như chất làm se giúp loại bỏ bụi bẩn, dầu hoặc lớp trang điểm còn sót lại sau bước làm sạch. Ở Hàn Quốc, phương pháp làm sạch kép "double cleansing" khá phổ biến. Vì thế, toner ở đây mang công dụng chủ yếu là cấp ẩm, khôi phục độ ẩm cho da để chuẩn bị cho những bước dưỡng tiếp theo.

Ngoài chất giữ ẩm, toner còn được bổ sung một số thành phần hướng đến các mục tiêu chăm sóc da khác nhau như niacinamide, vitamin C giúp dưỡng sáng, BHA hỗ trợ trị mụn, dịch nhầy ốc sên làm mềm da…

Bên cạnh đó, toner thường chứa thành phần gây nên nhiều ý kiến trái chiều - cồn (alcohol).

Cồn trong mỹ phẩm có 2 loại là cồn khô và cồn béo. Cồn béo mang tác dụng dưỡng ẩm cho da, được dùng trong kem dưỡng ẩm, sữa rửa mặt, dầu dưỡng tóc, kem nền…

Cồn khô thường xuất hiện trong mặt nạ giấy, kem chống nắng, kem dưỡng và toner.

Toner chứa cồn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến da bị mẩn đỏ, dễ kích ứng. Ảnh: Byrdie.

Cồn góp phần mang lại cảm giác sảng khoái, thoáng mát sau khi dùng toner. Vị trí của cồn càng gần đầu danh sách thành phần cho thấy nó chiếm tỷ lớn càng lớn trong sản phẩm. Theo bác sĩ da liễu Lauren Fine ở Chicago (Mỹ), nếu cồn ở gần đầu bảng thành phần, nó khiến da dễ bị khô hay kích ứng.

Khi sử dụng toner chứa nhiều cồn trong thời gian dài, hàng rào bảo vệ da có thể bị phá vỡ. Từ đó, nước thoát ra khỏi da khiến da bị khô, đồng thời vi khuẩn, chất độc hại xâm nhập dẫn đến viêm, mẩn đỏ.

Tẩy tế bào chết

Theo Self, khi lạm dụng quá nhiều, tất cả hình thức tẩy da chết đều có khả năng gây kích ứng hoặc làm tổn thương làn da.

Sản phẩm tẩy da chết dạng hạt tiến hành loại bỏ tế bào già cỗi theo cơ chế vật lý. Thông qua ma sát, các hạt sẽ lấy đi những tế bào da cũ kỹ trên bề mặt.

Nhược điểm của tẩy da chết dạng hạt là các hạt có thể mang cạnh sắc nhọn mắt thường không thể nhìn thấy. Nó dễ để lại những vết trầy xước li ti trên da. Thông qua vết trầy này, vi khuẩn và tác nhân gây hại từ môi trường xâm nhập gây viêm nhiễm, nổi mụn.

Bên cạnh đó, tẩy da chết dạng hạt chỉ tác động trên bề mặt. Nó không thể tiếp cận với bụi bẩn, bã nhờn hay vụn da chết nằm sâu trong lỗ chân lông. Nếu các tạp chất này không được loại bỏ, lỗ chân lông sẽ bị tắc nghẽn dẫn đến mụn phát sinh.

Tẩy da chết với tần suất liên tục khiến da suy yếu nhanh chóng. Ảnh: Byrdie.

Sản phẩm tẩy da chết hóa học chứa AHA, BHA cũng gây ra nhiều tác hại nếu tần suất sử dụng quá thường xuyên.

Lạm dụng tẩy da chết hóa học khiến da bị khô và kích ứng. Nó loại bỏ tế bào già cỗi lẫn tế bào khỏe mạnh khiến việc duy trì độ ẩm trên da trở nên khó khăn. Độ ẩm bị thiếu hụt kích thích tuyến bã nhờn sản sinh nhiều dầu thừa. Dầu thừa kết hợp các tạp chất làm tắc nghẽn lỗ chân lông. Đây là môi trường thuận lợi cho sự phát triển của mụn.

Tẩy da chết hóa học quá nhiều khiến hàng rào bảo vệ da bị suy yếu. Ngoài ra, còn làm các nốt mụn hiện có trở nên trầm trọng. Da luôn ở trạng thái viêm nhiễm, dễ tổn thương bởi sự tấn công của tia UV, virus, chất độc hại và gốc tự do trong cơ thể.

5 thói quen khiến da nhanh lão hóa Một số việc làm hàng ngày khiến các nếp nhăn sớm xuất hiện trên gương mặt.

Tiểu Võ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/3-loai-my-pham-khi-dung-nhieu-de-gay-mun-post1167905.html