3 loại lá tắm quen thuộc là thủ phạm khiến da trẻ ngăm đen và lý giải của bác sĩ

Lá tắm cho trẻ sơ sinh được mẹ dùng với mục đích làm mát mịn da con, chữa mụn nhọt, rôm sảy. Tuy vậy, một vài loại lại bị nghi là nhuộm đen da, khiến bé càng tắm càng đen thui.

Làm mẹ, không gì vui bằng giây phút chào đón con yêu chào đời, nhìn thấy khuôn mặt, nghe tiếng khóc đầu tiên của con, chứng kiến cảnh con lớn lên từng ngày. Trên thực tế, vẫn có nhiều mẹ vừa vui vừa lo lắng vì càng lớn con càng vỡ nét xấu xí hoặc điển hình nhất là làn da từ trắng mịn “búng ra sữa” từ từ trở nên sạm đen dần.

Các mẹ ơi, con gái em hồi mới đẻ da rất đỏ. Mọi người trong họ hàng ai cũng xúm vào bảo sau này lớn lên trắng lắm. Vậy mà có bà bác khuyên em nên nấu nước lá trà xanh tắm cho con để sạch da, ngừa rôm sảy này nọ. Em ngây thơ nghe lời, tắm nhiều quá thành ra bây giờ da con bị ám rồi, đen đen, xanh xanh. Thực sự không biết phải làm cách nào để lấy lại màu da trắng hồng cho con cả.

Hôm bữa, em có đem chuyện này kể với mấy chị cùng chỗ làm. Một chị bảo: “Đúng là tắm nhiều trà xanh thì da bé sẽ bị xỉn đi đấy. Giờ phải ngưng ngay đi, cho tắm nước sôi để nguội pha xíu muối một thời gian xem đỡ không”.

Chị khác lại nói: “Chắc do đun nước chè đặc quá và tắm nhiều quá. Ngày trước chị cũng tắm cho bé bằng lá chè xanh từ khi sinh đến nay cháu 2 tuổi rồi mà da vẫn trắng”.

Rồi chị thứ ba cũng góp ý: “Em cứ yên tâm mà tắm chè xanh tiếp, trong chè xanh có chất như kháng sinh, diệt khuẩn rất tốt, da bé thế nào sau này sẽ y nguyên khi dừng tắm một thời gian. Con chị bây giờ cũng tắm chè xanh suốt, da cũng hơi đen (mặc dù cơ địa cháu trắng) nhưng lớn rồi ngưng dùng là trắng như thường ý mà”…

Một số loại lá tắm cho trẻ sơ sinh được cho là khiến da bé đen đi

Hai luồng ý kiến trái chiều nên em không biết phải nghe theo bên nào. Con gái em thì da vẫn đen mun nhìn muốn não ruột. Mà không phải chỉ mỗi lá trà xanh đâu nha. Còn 2 loại lá tắm cho trẻ sơ sinh hết rôm sảy cũng bị nhiều mẹ phản ánh là không nên dùng tắm bé vì dễ gây đen da. Em có lên mạng tìm hiểu thực hư thông tin thì quá bất ngờ luôn. Các mẹ có thể theo dõi cụ thể dưới đây nha!

Lá trầu không

Nước lá trầu không nấu xong để lâu sẽ bị ngả sang màu sậm. Nếu ngâm một miếng vải trắng tinh vào nước ấy thì miếng vải sẽ được nhuộm sang màu hơi giống cháo lòng. Điều này khiến nhiều mẹ cho rằng tắm nước lá trầu không thường xuyên cho bé sẽ nhuộm da bé thành sạm đen đi.

Thực chất thì thành phần lá trầu không chứa chất kháng sinh giúp sát trùng, tiêu viêm, kháng khuẩn rất tốt. Nó là loại lá tắm được nhiều mẹ ưa chuộng. Bé tắm xong còn dễ ăn dễ ngủ, ít khóc dạ đề. Thông tin tắm nước lá trầu khiến da bé bị đen là không có cơ sở. Bé đen hay không chủ yếu do gen và còn phải đợi đến khi nào lớn, vì màu da của con nít còn thay đổi nữa mà.

Trầu không là loại lá tắm cho trẻ sơ sinh sát khuẩn rất tốt, giúp bé ít quấy khóc

Cách làm: Rửa sạch 10 lá trầu không, thái lát mỏng hoặc vò nát rồi cho vào nồi đun sôi. Đợi khoảng vài phút cho nước trầu tiết ra, sau đó pha với nước ấm thật loãng để tắm cho bé.

Lá trà xanh

Như có nói ở phần đầu, trà xanh là một trong những loại lá tắm cho trẻ sơ sinh phổ biến nhất hiện nay. Tuy nhiên, nó cũng chính là loại lá bị phản ánh khiến da trẻ đen đi nhiều nhất. Thực tế thì lá này chứa chất catechin có tác dụng diệt vi khuẩn có hại cho da. Nếu tắm lá trà mà da trẻ bị đen đi thì thủ phạm chính là chất chát (nhựa) trong lá trà. Chất chát này bám vào da khiến con tắm lâu ngày có cảm giác bị đen. Mẹ có thể để ý chiếc khăn xô nhỏ dùng để tắm nước lá trà cho con sẽ nhuộm màu từ trắng sang nâu bầm. Khi nào ngưng không tắm lá trà nữa, da con sẽ dần trắng trở lại thôi.

Lá tắm cho trẻ sơ sinh bị đồn gây đen da phải kể đến trà xanh

Cách đun lá trà làm nước tắm bé: dùng khoảng 300 gram lá trà non còn tươi, vò nát rồi cho vào nồi nước đun sôi vài phút để chất trà hòa vào nước. Vớt bã, lấy nước đó pha thêm cho loãng rồi tắm bé.

Cỏ nhọ nồi (cỏ mực)

Chính vì tên gọi nhọ nồi mà nhiều mẹ đồn với nhau rằng loại cỏ này đun nước tắm cho con mặc dù tốt nhưng sẽ gây đen da. Điều này không đúng vì nước cỏ nhọ nồi tốt cho bé, nhất là trong trường hợp bé bị rôm sảy, sốt phát ban, cảm cúm. Tắm nước lá nhọ nồi còn giúp trẻ ít bị côn trùng (muỗi, kiến, bọ xít) đốt, tránh bị bệnh và làm độc trên da.

Cỏ mực cũng là lá tắm cho trẻ sơ sinh tốt trong trường hợp rôm sảy, phát ban

Cách khắc phục da trẻ sơ sinh bị đen

-Mẹ trong giai đoạn cho con bú nên ăn nhiều trái cây, rau củ quả có chứa vitamin C và vitamin A như: dâu tây, cherry, việt quất, cà chua, cam, chanh, bưởi, quả bơ... Với các bé lớn đã ăn uống được rồi thì khẩu phần ăn nên có nhiều các loại trái cây trên.

- Cho bé trên 6 tháng uống đủ nước theo nhu cầu.

- Tập cho bé thói quen ngủ sớm để cải thiện sức khỏe làn da.

- Chỉ cho trẻ tắm nắng trong khoảng từ 6-8 giờ sáng. Còn lại hạn chế cho bé ra ngoài lúc trời nắng to, nếu đi phải có mũ nón, áo quần dài. Việc này vừa không khiến da con bị tổn thương, sạm đen, vừa tránh được bệnh và tác hại từ tia nắng mặt trời.

Những lưu ý quan trọng khi tắm nước lá cho bé

- Trước khi nấu lá, lúc nào mẹ cũng phải rửa lá qua nước muối thật kĩ để sạch bụi bẩn, vi khuẩn, trứng côn trùng, lông tơ gây ngứa mọc trên mặt lá.

- Cách nấu nước lá tắm cho trẻ sơ sinh chuẩn là chỉ nên nấu loãng, không nấu quá đậm đặc. Nấu xong vớt bỏ hết bã lá, chỉ giữ phần nước.

- Cần tắm cho bé bằng nước ấm với ít sữa tắm dành cho con nít trước để loại bỏ bã nhờn trên da. Sau đó mẹ mới tắm bằng nước lá. Tắm xong dùng nước ấm để tráng lại cho con bằng nước sạch nhằm loại bỏ hết những cặn lá dính trên da gây nhiễm khuẩn.

Trước khi dùng nước lá tắm cho trẻ sơ sinh, mẹ nên tắm cho bé bằng sữa tắm để loại bỏ bã nhờn trên da

- Ngoài sử dụng lá tắm, mẹ cũng nên tìm hiểu cách tắm cho trẻ sơ sinh chuẩn nhất để giúp tăng sức đề kháng, ngừa cảm bệnh cho con.

- Nếu da bé đang bị mưng mủ, trầy xước, có vết thương sâu thì mẹ không nên tắm lá cho bé nữa.

- Bác sĩ đông y Nguyễn Xuân Hướng cảnh báo: thời tiết nắng nóng, việc tắm lá không đúng khiến trẻ bị bội nhiễm, nhất là nhiễm trùng máu nguy hiểm tính mạng. Nếu tắm nhầm phải các lá có độc tố như lá trúc đào, chất độc thấm vào máu qua các vết lở loét có thể khiến trẻ tử vong ngay lập tức.

- Bác sĩ Hướng còn khẳng định quan điểm trẻ bị rôm sảy tắm lá sẽ khỏi là không đúng. Vì rôm sảy do khí huyết nóng phát ra nên việc tắm lá sẽ không có tác dụng. Cách chữa trị là giải nhiệt cho trẻ bằng cách cho ăn đồ mát. Tuyệt đối không tự ý tắm lá khi trẻ mắc bệnh ngoài da mà nên đưa đi khám.

- Bác sĩ Hướng gợi ý cho mẹ loại nước tắm bằng lá kim ngân, lá đào (loại đào ăn quả). Cách làm: rửa sạch 20g lá tươi hoặc 15g lá khô, ngâm khoảng 2 giờ để loại bỏ độc tố. Sau đó cho vào đun sôi. Đun xong vớt bỏ hết bã, chỉ lấy nước, pha ấm rồi tắm cho trẻ.

Như vậy, việc dùng lá tắm cho trẻ sơ sinh không phải là nguyên nhân khiến trẻ bị đen da như nhiều mẹ vẫn nghĩ. Các mẹ vẫn có thể nấu nước lá tắm cho con để phòng trị rôm sẩy, làm mát da. Tuy nhiên, phải biết chọn loại lá an toàn với con, nấu nước và tắm đúng cách. Nếu có gì thắc mắc thì nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi quyết định áp dụng cho con để đảm bảo an toàn.

Theo WTT

Nguồn Em Đẹp: http://emdep.vn/lam-me/3-loai-la-tam-quen-thuoc-la-thu-pham-khien-da-tre-ngam-den-va-ly-giai-cua-bac-si-20180413093819156.htm