3 lí do khiến cuộc trò chuyện của bạn với bố mẹ luôn đi vào bế tắc

Có thật nhiều lí do khiến bạn miễn cưỡng khi nói chuyện với bố mẹ. Tuy nhiên, đến một lúc nào đó, việc cùng bố mẹ chia sẻ mỗi ngày sẽ khiến cho cuộc sống của bạn trở nên nhẹ nhàng hơn.

Khi chúng ta lớn lên, thái độ đối với bố mẹ cũng sẽ thay đổi, có thể thay đổi từ "sự phụ thuộc" thành "yêu và ghét", cảm thấy "vừa thân nhưng cũng vừa lạ". Mối quan tâm của bố mẹ đối với bạn chỉ giới hạn ở mức độ cuộc sống vật chất: công việc hiện tại như thế nào? cuộc sống vẫn ổn chứ? ăn uống đầy đủ không?

Và bạn thường xuyên trả lời bằng cách để bố mẹ yên tâm, không phải lo lắng: mọi thứ đều ổn, ăn uống đầy đủ, đồng nghiệp và công việc đều tốt. Nhưng trên thực tế, cuộc sống của bạn không ngày nào giống ngày nào, thời gian rảnh rỗi bạn dành nhiều cho đám bạn, bản thân nhiều hơn những câu chuyện với bố mẹ.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Đặc biệt là sau khi đi làm, việc giao tiếp với bố mẹ dường như giảm đi rất nhiều. Dù bạn biết rằng, bố mẹ luôn yêu thương và dành sự quan tâm cho mình, và bạn cũng muốn đáp lại cảm xúc của họ, tuy nhiên, nội dung của những cuộc trò chuyện của hai bên đều xoay quanh người con, về công việc, tình yêu, cuộc sống. Và từ những chủ đề dường như là bình thường đấy lại thường gây nên những xung đột giữa hai người. Bạn cũng không hiểu vì sao chỉ vậy thôi cũng gây nên tranh luận, bạn đứng dậy, bỏ đi. Bạn tự nhủ: "Mình yêu bố mẹ, điều đấy là chắc chắn", tuy nhiên cư xử của bạn lại đi ngược lại với những gì bạn nghĩ, vì sao lại vậy?

Bạn muốn một cuộc sống tự do và tách khỏi gia đình

Từ khi bạn dậy thì cho đến khi trưởng thành, đó là quá trình cải thiện sự tự nhận thức và tự chủ về mọi thứ. Khi bạn rời nhà để đến một thành phố khác, hay thậm chí một đất nước khác để học hành và làm việc, bạn phải làm chủ khả năng thích nghi và sống độc lập, chỉ còn liên lạc với bố mẹ bằng những cuộc trò chuyện ngắn, nhưng nhiều lúc, khi bạn đang bận bù đầu với bài vở, công việc hay đang mải đi chơi với đám bạn, những tin nhắn hay cuộc gọi của bố mẹ khiến bạn cảm thấy phiền phức, bạn thậm chí còn tắt điện thoại để không bị làm phiền nữa.

(Ảnh minh họa)

Nhu cầu độc lập và sự liên kết với bố mẹ tạo thành xung đột cơ bản. Bạn muốn nhanh chóng tự làm chủ cuộc sống của mình và tách khỏi bố mẹ. Bạn không muốn bố mẹ can thiệp vào cuộc sống của mình nữa, bạn không có nhu cầu muốn chia sẻ cuộc sống hằng ngày của mình, cho nên bạn không muốn nói chuyện với bố mẹ nữa.

Cách bạn lựa chọn thông tin để chia sẻ

Trong tình bạn, tình yêu hay là tình thân, chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc của mình là một yếu tố rất quan trọng giúp mối quan hệ trở nên gần gũi hơn: nếu cả hai sẵn sàng truyền đạt đầy đủ thông tin của mình, thì đó cũng chính là chìa khóa mối quan hệ có chiều sâu hơn, và ngược lại, khi bạn không muốn chia sẻ thông tin, dẫn đến việc không hiểu nhau, thì quan hệ rất dễ bị mờ nhạt đi.

Tuy nhiên, trong mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái, nhiều khi cả hai cũng không thể chia sẻ hết được. Chủ yếu cả hai chỉ lựa chọn thông tin để trao đổi.

Che giấu những chủ đề nhạy cảm: các vấn đề mà bạn thường che giấu cha mẹ bao gồm xu hướng tình cảm, công việc cụ thể, hành vi và thói quen sinh hoạt: hút thuốc, thức khuya, ăn không đủ bữa...

(Ảnh minh họa)

Báo cáo những tin tốt để đối phương không lo lắng: bạn thường báo với bố mẹ những tin tích cực như chia sẻ thành tích học tập, ăn uống đủ chất, sức khỏe ổn định...

Lý do bạn miễn cưỡng nói chuyện với bố mẹ, có thể là do sợ hãi hậu quả khi tự phơi bày những thông tin tiêu cực đấy, sợ bố mẹ thất vọng, can thiệp, và còn nặng hơn là mắng chửi, đánh đập. Nhiều người nghĩ rằng, bản thân phải có trách nhiệm với nghĩa vụ "làm hài lòng bố mẹ", do đó, bạn chỉ vô thức chia sẻ những gì mà họ muốn biết.

Khoảng cách giữa hai thế hệ là quá lớn

Mỗi người chúng ta đã quen với việc xem xét các vấn đề theo quan điểm riêng của mình, vì vậy, với quan điểm của người khác bạn sẽ vô thức xem nhẹ hơn.

Từ quan điểm của bố mẹ, họ đã quen với hình ảnh của bạn trong quá khứ, khi bạn rời khỏi gia đình và sống xa bố mẹ, họ sẽ không theo kịp sự thay đổi của bạn. Tất nhiên, bạn thay đổi về cả ngoại hình và cả suy nghĩ, bạn tiếp xúc với những tri thức, quan điểm mới, nó khác xa với những nhận thức cũ, những quan điểm mà bố mẹ bạn luôn rập khuôn vào. Và điều đó dần dần dẫn đến sự mâu thuẫn về suy nghĩ, hành động của cả hai bên. Khi cả hai bên đến tư tưởng cũng khác nhau, thường bạn sẽ không có nhu cầu nói chuyện với bố mẹ, vì dù có nói gì nữa, cũng chỉ có cãi vã mà thôi.

(Ảnh minh họa)

Vậy nên, bạn hãy chủ động làm việc thật chăm chỉ và cố gắng nói chuyện với bố mẹ thật nhiều. Chúng ta thật nhỏ bé và cô đơn trong thế giới này, và bố mẹ là những người bạn có thể là nơi bạn chia sẻ, giảm bớt sự cô đơn. Có lẽ đã đến lúc bạn giới thiệu lại bản thân, làm quen với bố mẹ, giống như những người bạn mới gặp lần đầu tiên vậy.

Cô Chang

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/3-li-do-khien-cuoc-tro-chuyen-cua-ban-voi-bo-me-luon-di-vao-be-tac-2202017614122676.htm