3 lần xin vắng mặt tại tòa, cụ ông 73 tuổi lãnh án tù vì quyết đoạt mạng em vợ

Là người gây thương tích 37% cho em vợ và 3 lần có đơn xin hoãn phiên tòa vì bênh tuổi già, song tòa phúc thẩm quyết định xử vắng mặt bị cáo và tuyên phạt Phạm Văn Tân (73 tuổi) mức án 36 tháng tù thay cho án treo như tòa sơ thẩm tuyên phạt.

Ngày 9/4, TAND TP.Hà Nội đưa vụ án anh rể quyết đoạt mạng em vợ, gây thương tích 37% nhưng cho hưởng án treo ra xét xử theo thủ tục phúc thẩm.

Phiên xét xử phúc thẩm vắng mặt bị cáo Phạm Văn Tân.

Phiên xét xử phúc thẩm vắng mặt bị cáo Phạm Văn Tân.

Đây là lần thứ ba mở phiên tòa. "Bổn cũ soạn lại”, bị cáo Phạm Văn Tân (SN 1946, ở xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, TP.Hà Nội) tiếp tục làm đơn hoãn phiên tòa với lý do: “Ngày 1/4/2019, bị cáo nhận được giấy triệu tập của TAND TP.Hà Nội. Từ ngày 6/4/2019, do tuổi già, nhiều bệnh tật, bị cáo bị bệnh đái tháo đường, viêm đa khớp… phải vào bệnh viện đa khoa huyện Thanh Oai khám chữa bệnh, sau khi khỏi bệnh tôi cam kết thực hiện”, chủ tọa công bố lý do xin hoãn phiên tòa của bị cáo Tân.

Ngoài đơn xin hoãn phiên xét xử, bị cáo Tân không xuất trình được bệnh án gì cho tòa. Cũng theo xác nhận của bác sĩ bệnh viện thì bị cáo Tân chỉ bị đau đầu, ngoài ra tình trạng sức khỏe bình thường, không phát hiện bệnh gì.

Nêu ý kiến về việc vắng mặt của bị cáo, anh Bùi Đăng Hưng, con của bị hại đồng thời là người đại diện hợp pháp cho bố mình là ông Bùi Đăng Mạnh (sinh năm 1952, cùng xã với bị cáo) cho rằng, bị cáo không hề có bệnh án; trong đơn xin hoãn phiên tòa chỉ ghi chung chung và cho rằng lý do bị cáo đưa ra là không thuyết phục, có dấu hiệu của việc trốn tránh trách nhiệm, gây khó khăn cho cơ quan tố tụng.

Cùng quan điểm với anh Hưng, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích của bị hại đề nghị tòa phúc thẩm cần phải có biện pháp cứng rắn, áp giải bị cáo tới tòa. Phía VKS đề nghị xử vắng mặt bị cáo vì cho rằng bị cáo vắng mặt lần này là lần thứ 3, tình trạng bệnh của bị cáo không quá lớn, đầu óc tỉnh táo; tim, huyết áp bình thường, không có dấu hiệu bệnh lý; căn cứ xin hoãn của bị cáo là không có cơ sở.

Sau khi cân nhắc ý kiến của người đại diện hợp pháp của bị hại, luật sư và VKS, HĐXX quyết định xét xử vắng mặt đối với bị cáo.

Là người đại diện hợp pháp cho bị hại, anh Bùi Đăng Hưng trình bày, như thói quen thường ngày, sáng 5/10/2016, ông Mạnh đi qua nhà ông Tân đến một quán ăn sáng. Do có hiềm khích từ trước, vừa thấy ông Mạnh đi qua, bị cáo Tân đã xông ra chửi bới.

Khi đến quán ăn sáng, ông Mạnh nhớ ra là để quên điện thoại nên quay về lấy, rồi quay trở lại quán ăn. Lúc này, bị cáo Tân đã thủ sẵn con dao to (loại dao vọ - là hung khí nguy hiểm) đứng sẵn ở cửa gây sự, thách thức ông Mạnh. Không chỉ dừng lại ở việc “khẩu chiến”, liền ngay sau tiếng chửi bới, đe dọa của bị cáo Tân “tao sẽ giết chết mày, cho mày chết khỏi làm trưởng thôn” là một nhát dao chém vào vùng má cổ tai trái của ông Mạnh.

Thấy nạn nhân ôm cổ nằm quằn quại, đau đớn dưới nền đất, máu chảy ra nhiều, em dâu bị cáo Tân ở gần đó toan chạy đến ứng cứu cũng bị Tân đe dọa "chém hết cả nhà".

Phải một lúc sau, có người đến can ngăn, đồng thời đưa ông Mạnh tới bệnh viện cấp cứu nên tính mạng mới được bảo toàn, song nạn nhân bị thương tích, tổn hại sức khỏe lên tới 37%.

Đại diện hợp pháp cho bị hại cũng trình bày, ngoài việc chém trọng thương ông Mạnh, bị cáo Tân còn vào nhà tự đập vỡ đồ đạc, đổ tại cho ông Mạnh vào nhà bị cáo gây sự nên bị cáo mới ra tay chém người. Do vậy, anh Hưng đề nghị tòa làm rõ nội dung này.

Đồng thời, chính người đại diện cho bị hại và những người làm chứng đã phản bác, cho rằng không có việc ông Mạnh vào trong nhà ông Tân gây sự. Vị trí chém ông Mạnh là ở ngoài đường chứ không phải là trong nhà, như bị cáo Tân khai.

Phiên xử càng “nóng” hơn khi mà bên bị hại “tung” ra các chứng cứ phản bác các căn cứ của tòa sơ thẩm cho bị cáo Tân được hưởng án treo về tội Cố ý gây thương tích.

Anh Hưng trình bày: "Do có mâu thuẫn với ông Mạnh từ trước nên bị cáo Tân đã chuẩn bị sẵn hung khí là dao vọ, đứng nấp ở cửa cùng lời nói thể hiện ý chí muốn tước đoạt tính mạng nạn nhân.

Sau khi chém một nhát chí mạng vào vùng trọng yếu trên cơ thể ông Mạnh, bị cáo Tân còn đe dọa mọi người, không cho tiến lại gần cấp cứu ông Mạnh, khiến tính mạng ông Mạnh bị đe dọa, việc nạn nhân không chết là nằm ngoài ý chí chủ quan của bị cáo.

Do vậy, đại diện hợp pháp của bị hại cho rằng bị cáo phạm tội Giết người chứ không phải phạm tội Cố ý gây thương tích như tòa cấp sơ thẩm quy kết.

Phía bị hại cũng cho rằng bị cáo Tân không được hưởng tình tiết giảm nhẹ là thành khẩn khai báo khi mà trong suốt quá trình điều tra, bị cáo Tân liên tục có hành vi bất hợp tác, gây khó khăn, làm mất thời gian của cơ quan chức năng. Đến khi đưa vụ án ra xét xử theo trình tự phúc thẩm, bị cáo cũng liên tục trì hoãn, 3 lần có đơn xin hoãn phiên tòa.

Anh Hưng cũng cho biết, sau gần 3 năm xảy ra vụ án, trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm 1 ngày, bị cáo mới nộp 50 triệu đồng vào cục Thi hành án dân sự, việc này cũng không thông báo cho gia đình bị hại biết nên không thể được xem là khắc phục hậu quả. Thực tế, thiệt hại mà ông Mạnh và gia đình phải gánh chịu là vô cùng lớn và đau xót.

Căn cứ vào quá trình mở tòa cùng các tài liệu chứng cứ đã được thẩm tra, tòa cấp phúc thẩm đã đồng tình với quan điểm của phía VKS khi cho rằng tòa sơ thẩm kết án bị cáo Tân về tội Cố ý gây thương tích là có căn cứ, đúng quy định pháp luật.

“Xét thấy trong vụ án, bản thân bị cáo Tân đứng đối diện với ông Mạnh, không có người can ngăn. Tuy nhiên, sau khi chém nạn nhân, bản thân bị cáo vẫn có điều kiện tiếp tục thực hiện hành vi của mình, nhưng bị cáo không thực hiện, do vậy có căn cứ kết luận bị cáo phạm tội Cố ý gây thương tích. Do vậy, không chấp nhận lập luận của người đại diện cho bị hại và luật sư”, tòa phúc thẩm nhận định.

HĐXX phúc thẩm cho rằng, hành vi của bị cáo là rất nghiêm trọng, gây mất trật tự trị an, gây hoang mang lo lắng trong quần chúng nhân dân, cần có hình phạt nghiêm khắc nhằm răn đe, bị cáo không có tình tiết tăng nặng.

Về tình tiết giảm nhẹ, bị cáo thành khẩn khai báo, khắc phục một phần hậu quả, lúc phạm tội bị cáo trên 70 tuổi, tòa cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo mức án 36 tháng tù là có căn cứ, đúng quy định pháp luật.

Tuy nhiên, bị cáo Tân phạm tội rất nghiêm trọng, tòa sơ thẩm cho bị cáo hưởng án treo là không đúng quy định, cần thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian mới đủ sức răn đe và phòng ngừa chung.

Về dân sự: Trên cơ sở tài liệu của bị hại xuất trình, HĐXX tuyên bố sẽ tách phần dân sự về chi phí khám chữa bệnh ở nước ngoài của bị hại để xem xét nếu có đơn yêu cầu.

Vì các lẽ trên, tòa cấp phúc thẩm quyết định: Sửa một phần bản án sơ thẩm, xử phạt Tân 36 tháng tù về tội Cố ý gây thương tích.

Trao đổi với PV Báo Người Đưa Tin, sau phán quyết của tòa phúc thẩm vừa tuyên phạt, người đại diện hợp pháp cho bị hại bức xúc nói: “Tôi không đồng tình với bản án phúc thẩm, gia đình tôi sẽ kháng án đến cùng, đề nghị xử lý bị cáo về tội Giết người”.

Nội dung vụ án thể hiện: “Do có mâu thuẫn với Bùi Đăng Mạnh, nên khoảng 7h30 ngày 5/10/2016, tại trước cửa gian hàng sửa xe của Phạm Văn Tân ở thôn Đìa, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Phạm Văn Tân đã có hành vi “dùng dao vọ, là hung khí nguy hiểm, chém vào phần má cổ tai trái của ông Mạnh, khiến “ông Mạnh bị thương tích tổn hại 37% sức khỏe, đã phạm vào tội Cố ý gây thương tích, theo quy định tại khoản 3, Điều 104, Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), nay là điểm c khoản 3, Điều 134, BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Ngay sau phán quyết của tòa cấp sơ thẩm, gia đình bị hại đã vô cùng bức xúc và nhanh chóng có đơn kháng cáo đề nghị tòa cấp phúc thẩm tuyên hủy bản án sơ thẩm số 97/2018/HSST ngày 28/11/2018 của TAND huyện Thanh Oai để điều tra lại và xét xử lại về tội Giết người theo Điều 123, BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.

Tư Viễn

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/3-lan-xin-vang-mat-tai-toa-cu-ong-73-tuoi-lanh-an-tu-vi-quyet-doat-mang-em-vo-a429210.html