3 kỳ tài toán học của nước ta thời phong kiến

Đó là những người khiến sứ thần phương Bắc xấu hổ, xây cổng thành Thăng Long không thừa một viên gạch hay giúp dân làm lịch mới.

Hữu, Lương Thế Vinh, Nguyễn Hữu Thận là những người được hậu thế ghi danh nhờ giỏi toán. Họ từng để lại những công trình toán học có giá trị dài lâu cho hậu thế.

Vũ Hữu xây cổng thành không thừa một viên gạch

Vũ Hữu (1437-1530) quê ở huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương ngày nay. Không chỉ là đại quan, ông còn là nhà toán học, danh thần đầu triều của vua Lê Thánh Tông.

Từ bé, Vũ Hữu sớm thể hiện năng khiếu về tính toán. Mỗi khi xóm làng có tranh chấp về chia ruộng đất, họ đều nhờ cậu tính toán, phân xử giúp. Sau này, khi thi đỗ hoàng giáp, ra làm quan, biệt tài toán học của ông tiếp tục được phát huy.

Một trang của "Lập thành toán pháp" còn được lưu lại. Ảnh: Báo Đà Nẵng.

Một trang của "Lập thành toán pháp" còn được lưu lại. Ảnh: Báo Đà Nẵng.

Theo sách "Kể chuyện trạng Việt Nam", bấy giờ, vua Lê Thánh Tông thấy mấy cổng thành Thăng Long xây dựng từ thời Lý đã hư hỏng nhiều, muốn xây lại.

Mấy đại thần được giao đo đạc mãi, mất cả tháng vẫn không sao tính ra được số gạch cần thiết để xây thành. Biết Vũ Hữu có tài tính toán, đo đạc, vua cử ông đến dự toán số gạch cần xây.

Sau khi đo đạc xong, ông thưa với vua rằng: "Thần đã tính toán kỹ, không thừa không thiếu một viên gạch". Một viên quan tỏ ý nghi ngờ, ép ông vào thế khó: “Đã vậy xin quan Lang trung làm cam kết, nếu sai lệch sẽ bị trị tội”.

Vua Lê Thánh Tông hỏi: "Các quan có ý như vậy, khanh có dám nhận không?". Vũ Hữu đáp: "Tâu bệ hạ, thần xin lĩnh ý".

Vũ Hữu sai người mua gạch xếp từng chồng ngay ngắn bên cổng thành Đông Hoa (Thăng Long). Khi công việc hoàn tất, viên quan nọ tỏ vẻ đắc ý: “Tâu bệ hạ, ở đây vẫn còn thừa một viên ạ”.

Vũ Hữu đỡ viên gạch, bình tĩnh nói “bẩm bệ hạ và các vị đại thần, viên gạch này không thừa đâu. Tại mặt tường phía đông bên kia có một viên gạch bị vỡ, thần đã cho thửa riêng viên gạch này để thay thế".

Mọi người bán tín, bán nghi, Vũ Hữu dẫn vua sang bên kia tường thành, sai thợ trèo lên gỡ viên gạch vỡ ra và đem trám viên gạch mới vào thì vừa khít. Vua Lê rất hài lòng, mọi người ai cũng khâm phục Vũ Hữu.

Vũ Hữu đã để lại công trình "Lập thành toán pháp". Đây là cuốn sách chuyên về toán học đầu tiên của nước ta. "Lập thành toán pháp" cùng phương pháp đo diện tích ruộng đất của ông nhanh chóng được phổ biến ra cả nước.

Lương Thế Vinh - trạng nguyên giỏi toán nhất sử Việt

Lương Thế Vinh (1441-1496), được hậu thế ghi nhận là vị trạng nguyên giỏi toán nhất sử Việt. Sách "Kể chuyện tấm gương hiếu học" chép rằng sinh ra ở vùng nông thôn, quanh năm gắn bó đồng ruộng, thấu hiểu cuộc sống khổ cực của nông dân, Lương Thế Vinh rất muốn tìm cách giúp bà con.

Một lần, Lương Thế Vinh thấy hai nông dân đang cãi nhau khi chia mảnh đất có hình phức tạp. Nghe rõ câu chuyện, ông lội xuống tận nơi để chỉ ra chỗ đúng, sai và giúp họ chia lại mảnh ruộng một cách công bằng.

Lần khác, người dân gặp khó khăn trong việc đo chiều rộng của khúc sông để bắc cầu, do nước chảy xiết. Lương Thế Vinh nói: "Không cần phải qua sông mới đo được". Ông dùng phương pháp mà ngày nay gọi là “tam giác lượng” để đo chính xác chiều rộng của sông.

Sau này, để phổ biến kiến thức toán học vào đời sống, Lương Thế Vinh soạn cuốn "Đại thành toán pháp", tổng kết những kiến thức của thời đó và cả phần mình phát minh.

Đây chính là một trong những công trình nổi bật nhất trong lĩnh vực khoa học tự nhiên của nước ta dưới thời phong kiến, được đưa vào chương trình thi cử suốt 400 năm của giáo dục Đại Việt.

Theo sách "Kể chuyện sứ thần Việt Nam", khi sứ nhà Minh là Chu Hy thách đố cân một con voi, ông đưa voi lên thuyền rồi đánh dấu mép nước. Sau đó, dắt voi lên, đổ đá hộc xuống thuyền cho đến lúc thuyền chìm xuống đến đúng dấu cũ. Việc còn lại là đưa từng viên đá lên cân và cộng kết quả.

Tranh minh họa Lương Thế Vinh - vị trạng nguyên giỏi toán nhất sử Việt.

Chu Hy thán phục nhưng vẫn tiếp tục đố ông đo bề dày của một tờ giấy xé ra từ quyển sách.

Khi nghe ông nói chỉ cần đo bề dày cả cuốn sách rồi chia đều cho số tờ là ra ngay kết quả, Chu Hy ngửa mặt lên trời than rằng: "Nước Nam quả lắm người tài!".

Lương Thế Vinh đáp lại người nghĩ ra cách cân voi thật sự là Tào Xung, con của Tào Tháo. Điều này càng khiến cho sứ nhà Minh hổ thẹn vì không biết sử nước nhà.

Nguyễn Hữu Thận - nhà toán học nổi tiếng triều Nguyễn

Nguyễn Hữu Thận (1757-1831) có hiệu là Ý Trai, quê ở huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Xuất thân từ vùng quê nghèo, thường hạn hán, lũ lụt.

Cảm thương nhân dân thống khổ, trong chuyến đi sứ nhà Thanh, Nguyễn Hữu Thận nghiên cứu, cải tiến phép lịch. Sau khi về nước, ông trình với vua Gia Long, bắt tay biên soạn lịch "Hiệp Kỷ" có độ chính xác hơn, giúp nông dân cày, cấy kịp thời vụ.

Ngoài xây dựng lịch, ông rất chú tâm nghiên cứu toán. Năm 1828, ông hoàn thành bộ "Ý Trai toán pháp". Đây là bộ sách toán nổi tiếng của nước ta đầu thế kỷ XIX.

Bộ toán thư của Nguyễn Hữu Thận gồm 8 quyển, trình bày về toán pháp cửu chương như phép phương điền (đo diện tích ruộng đất, tức hình học phẳng), phép sai phân (chia một tổng thành nhiều phần), phép khai bình phương (tức tìm căn bậc hai), phép câu cổ (tính các chiều trong tam giác vuông), phép phương trình (đại số học), phép lập phương (tìm căn bậc ba), giải 47 bài toán minh họa và nghiên cứu ma phương.

Ngoài "Ý trai toán pháp", Nguyễn Hữu Thận còn dịch các quyển sách toán học của Trung Quốc để phổ biến tại nước ta.

Nguyễn Thanh Điệp
Video: VTV

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/3-ky-tai-toan-hoc-cua-nuoc-ta-thoi-phong-kien-post912087.html