3 kiểu gia đình đang kìm hãm sự phát triển của trẻ

Giáo dục gia đình vô cùng quan trọng. Sự dạy dỗ đúng đắn của cha mẹ có thể khiến một đứa trẻ kém phát triển trở nên xuất chúng; ngược lại, nhiều thần đồng nhí không được định hướng đúng đắn cũng bị thui chột, sống chật vật khi trưởng thành.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Gia đình nào cũng đều yêu thương con. Dù thể hiện bằng cách "yêu cho roi cho vọt" hay mềm mỏng nhưng suy cho cùng cũng đều bởi vì cha mẹ lo lắng cho con cái mà thôi. Tuy nhiên, yêu thương thể hiện không đúng cách đôi khi lại làm hại cho sự phát triển của trẻ. Dưới đây là 3 kiểu gia đình chắc chắn sẽ khiến đứa trẻ không cảm thấy hạnh phúc, khó thành tài trong tương lai:

1. Gia đình so sánh

Thiên Hạo khá thông minh nhưng cậu sống trong một gia đình có bố mẹ thường xuyên so sánh. Khi cậu còn nhỏ, mỗi lần bài kiểm tra kém điểm ai đó, cha cậu tỏ ra bực bội và mắng: "Hãy nhìn vào bạn A, bạn B kia kìa, bố mẹ cậu ấy cho cậu ấy đi học như con nhưng đạt điểm rất cao và học rất giỏi...".

Rồi khi Thiên Hạo làm việc nhà không giỏi, mẹ cậu lại so sánh tiếp với những đứa trẻ hàng xóm: "Bằng tuổi con, bạn C, D đã biết làm mọi thứ rồi đấy!".

Những lúc đó, cậu bé cảm thấy rất buồn bực và phẫn nộ. Thiên Hạo cho rằng bố mẹ yêu mến những đứa trẻ A, B, C, D đó hơn.

Thời gian trôi qua, Thiên Hạo cũng dần trưởng thành, cậu không thấp kém nhưng cũng không xuất chúng. Tuy nhiên, giữa cậu và bố mẹ luôn có một khoảng cách. Và mỗi lần gặp khó khăn, Thiên Hạo lại cảm thấy mình đúng là kém cỏi, mình có nỗ lực thế nào cũng không bằng "con nhà người ta".

Đó là một câu chuyện rất phổ biến ở nhiều gia đình. Cha mẹ hay nghĩ rằng so sánh chỉ để con lấy bạn đó làm gương mà nỗ lực, nhưng sự thật khiến đứa trẻ bị tổn thương, tự ti và buồn phiền. Và dần dần như thế, đứa trẻ bị tiêm nhiễm ý nghĩ rằng mình thấp kém, sự tự ti lấn chiếm khắp tâm trí.

2. Không tôn trọng quyết định của con cái

Phi Vân hiện là sinh viên đại học hiền lành, tính cách hơi nhút nhát. Sở trường của cô là vẽ, Phi Vân vẽ rất đẹp, thậm chí nhiều người ngạc nhiên khi thấy cô đang học 1 ngành chẳng có tí chút liên quan tới khả năng này.

Một lần, thành phố có tổ chức một cuộc thi vẽ và cả lớp đề nghị Phi Vân tham gia. Nhưng dù họ có thuyết phục thế nào, cô không đi.

Nhiều giáo viên nói rằng nếu Phi Vân tham gia, cô sẽ được cộng điểm rèn luyện và rất có lợi cho kết quả học tập. Lúc này cô mới đồng ý, được cầm bút vẽ Phi Vân cảm thấy tràn trề vui sướng, hạnh phúc. Điều này thật sự khác so với những ngày cô gật gà gật gù học những môn khô khan ở trường đại học.

Hóa ra khi còn học trường trung học, Phi Vân đã từng nói với bố mẹ rằng cô muốn học vẽ, theo đuổi chuyên ngành vẽ nhưng bố mẹ cô đã từ chối: "Con muốn học gì cơ? Vẽ ư? Vẽ để làm gì? Nó không thể giúp con giàu có. Chỉ là thứ giải trí phù phiếm thôi, đừng tốn thời gian vô ích!".

Sau khi phũ phàng gạt đi, bố mẹ Phi Vân đã khuyên nhủ con gái chăm chỉ học hành để đậu vào trường tốt, vì theo họ như thế mới là thành công, mới là hạnh phúc. Còn Phi Vân, cô cảm thấy rất buồn và thất vọng. Bố mẹ không hề lắng nghe mong muốn, nguyện vọng của con cái. Dường như cô chỉ là công cụ cho bố mẹ mà thôi.

Mỗi đứa trẻ sinh ra đều có tính cách, mơ ước và khả năng khác nhau. Cha mẹ không bao giờ lắng nghe nguyện vọng của con cái, chỉ áp đặt ý chí của mình sẽ khiến trẻ cảm thấy ấm ức, áp lực và chán nản.

Sự thiếu tôn trọng chính kiến như vậy có thể dễ dàng khiến trẻ em rụt rè, thiếu tự tin và thường không dám đưa ra ý kiến của mình trong mọi thứ. Chưa kể, những đứa trẻ phải học, phải làm những thứ theo yêu cầu của bố mẹ nhưng chúng không thích sẽ dẫn tới cảm giác chán ngán, không hạnh phúc.

3. Gia đình không biết nói lời yêu thương

Ở Hoa Kỳ, một tù nhân sắp bị xử tử đã chia sẻ về quá khứ không mấy êm đềm của mình. Cụ thể, bố mẹ anh luôn cãi vã, thậm chí đánh nhau rất nhiều. Sau mỗi lần như vậy, anh lại bị bố hoặc mẹ "giận cá chém thớt".

Anh này nhiều lần thèm khát được bố mẹ nói những lời ngọt ngào, cưng nựng như những bạn học ở lớp. Nhưng anh hiểu rằng điều đó là không bao giờ.

Và điều đó cũng dần ảnh hưởng tới tính cách của tử tù này. Anh ta không có khả năng kiềm chế, hành động bộc phát theo cảm xúc và sẵn sàng giải quyết mọi thứ bằng bạo lực.

Quả thật, khi đứa trẻ sống trong một gia đình không hạnh phúc, thường xuyên cãi vã thay vì không khí êm ấm, hạnh phúc, chúng thường chuyển sang 2 tính cách cực đoan: hoặc là rụt rè, sợ hãi và không dám giao tiếp với người khác; hoặc là trở thành kẻ hung hăng, tâm tính nóng nảy, đi bắt nạt kẻ khác, rất dễ đi vào con đường tội phạm.

Ngôn ngữ là công cụ tuyệt vời để truyền đạt cảm xúc, để bày tỏ tình yêu thương giữa người với người. Khi một đứa trẻ thường xuyên được cha mẹ dành cho những lời yêu thương thì tâm trạng, tính cách cũng thay đổi theo chiều hướng tích cực.

Ngược lại, sống trong một gia đình khô khan, thậm chí thường xuyên nghe những lời mắng mỏ, căng thẳng, nặng nề sẽ khiến đứa trẻ phát triển theo chiều hướng không tốt.

Theo Helino

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/3-kieu-gia-dinh-dang-kim-ham-su-phat-trien-cua-tre-4054282-l.html