3 hướng dẫn của Bộ đang đè nặng giáo viên, tăng áp lực hồ sơ sổ sách

Một số văn bản mà Bộ ban hành trong năm học này khiến cho giáo viên đầu tư thêm rất nhiều thời gian vào những việc không thật sự cần thiết, tính hiệu quả thấp.

Năm học 2020-2021 là một năm đặc biệt khi Bộ triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 1 và tiến hành tập huấn đại trà cho cán bộ, giáo viên phổ thông về chương trình tổng thể, chương trình môn học, phương pháp, đổi mới kiểm tra đánh giá học sinh...

Giáo viên rất cần thời gian để học tập, bồi dưỡng, tự trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ nhằm chuẩn bị tốt nhất cho việc giảng dạy chương trình, sách giáo khoa mới và thực tế các phần mềm học tập trực tuyến cũng được Bộ chủ trương đưa rất nhiều nội dung vào để giáo viên bồi dưỡng.

Thế nhưng, cũng trong năm học này thì Bộ Giáo dục ban hành một số văn bản và nó đã tác động trực tiếp đến thời gian, công việc của giáo viên, đó là Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT; Công văn số 747/BGDĐT-GDTrH, Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH.

Công văn số 747/BGDĐT-GDTrH yêu cầu 100% cán bộ, giáo viên phải tải minh chứng lên dữ liệu Temis (Ảnh chụp từ màn hình)

Công văn số 747/BGDĐT-GDTrH yêu cầu 100% cán bộ, giáo viên phải tải minh chứng lên dữ liệu Temis (Ảnh chụp từ màn hình)

Áp lực nhận xét học sinh theo hướng dẫn của Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT

Có lẽ chưa bao giờ giáo viên phổ thông lại phải thực hiện cùng lúc nhiều nhiệm vụ cùng một lúc như ở năm học này. Các thầy cô vẫn phải thực hiện giảng dạy số tiết theo quy định lâu nay, vẫn lên lớp bình thường như những năm học trước nhưng công việc đã phát sinh rất nhiều.

Trước đây, kể từ năm 2011 đến trước năm học 2020-2021, giáo viên thực hiện đánh giá, xếp loại học sinh ở cấp trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông theo hướng dẫn của Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT thì chỉ có môn Giáo dục công dân là kết hợp giữa đánh giá bằng nhận xét và cho điểm.

Các môn Thể dục, Âm nhạc, Mĩ thuật xếp loại học trò bằng hình thức đánh giá: Đạt yêu cầu (Đ), Chưa đạt yêu cầu (CĐ), các môn còn lại chỉ đánh giá bằng điểm số.

Nhưng đầu năm học này thì Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT ra đời nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều về Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT có một số thay đổi.

Điều đáng chú ý là tại Khoản 1, Điều 1 của Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Điểm b, Khoản 1, Điều 1 như sau:

b) Kết hợp giữa đánh giá bằng nhận xét và đánh giá bằng điểm số đối với các môn học còn lại:

- Đánh giá bằng nhận xét sự tiến bộ về thái độ, hành vi và kết quả thực hiện các nhiệm vụ học tập của học sinh trong quá trình học tập môn học, hoạt động giáo dục quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

- Đánh giá bằng điểm số kết quả thực hiện các yêu cầu về chuẩn kiến thức, kĩ năng đối với môn học quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

- Kết quả đánh giá theo thang điểm 10, nếu sử dụng thang điểm khác thì phải quy đổi về thang điểm 10".

Như vậy là chỉ trừ các môn Thể dục, Âm nhạc, Mĩ thuật ra thì từ năm học này sẽ kết hợp giữa đánh giá bằng nhận xét và đánh giá bằng điểm số đối với tất cả các môn học còn lại.

Hải Phòng đang “nóng” chuyện phiếu nhận xét, đánh giá học sinh cấp 2

Chính vì thế, dù Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT có giảm đi số lượng bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ ở một số môn nhưng thay vào đó là phần nhận xét cho từng em học sinh.

Điều trớ trêu là giáo viên không chỉ nhận xét trên phần mềm mà còn phải có một sổ theo dõi và nhận xét viết bằng tay vào cuốn sổ này.

Những môn nhiều tiết như Văn, Toán, Anh thì giáo viên nhận xét ít hơn, khoảng trên dưới 150 em nhưng những môn mà mỗi tuần chỉ có 1 tiết/ lớp thì có những giáo viên nhận xét lên đến cả gần 1000 học sinh.

Những thao tác này rất mất thời gian cho giáo viên nhưng chủ yếu là để minh chứng cho việc thanh kiểm tra còn học sinh thì gần như không đọc được. Vì các phần mềm điểm số, học bạ không có phần nhận xét của giáo viên bộ môn.

Công văn số 747/BGDĐT-GDTrH yêu cầu 100% cán bộ giáo viên phải đăng tải minh chứng lên phần mềm tập huấn

Bên cạnh việc nhận xét việc học tập của học sinh trên phần mềm và sổ theo dõi cá nhân đang mất rất nhiều thời gian vô bổ thì ngày 01/3/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 747/BGDĐT-GDTrH về việc gia hạn thời gian hoàn thành và báo cáo Temis gửi đến lãnh đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo.

Thực hiện theo chỉ đạo của Công văn số 747/BGDĐT-GDTrH thì các Sở, Phòng giáo dục đã rốt ráo yêu cầu các nhà trường đăng tải minh chứng cho các tiêu chí của chuẩn nghề nghiệp năm học 2019-2020.

Theo hướng dẫn thì 100% giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông ghi kết quả đánh giá theo chuẩn năm 2020 trên hệ thống Temis; 100% giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông đã ghi kết quả kết quả đánh giá theo chuẩn cần đăng tải minh chứng đánh giá trên hệ thống Temis.

Đồng thời, Công văn số 747/BGDĐT-GDTrH cũng yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo lập danh sách giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông không thực hiện đánh giá vì các lý do bất khả kháng, lưu danh sách này và minh chứng về các lý do không thực hiện trước ngày 31/3/2021.

Chính vì những yêu cầu của Công văn số 747/BGDĐT-GDTrH như vậy nên các Sở và Phòng giáo dục ở các địa phương đã rốt ráo yêu cầu giáo viên tải minh chứng về các tiêu chí lên dữ liệu Temis.

Nhưng, tải minh chứng để làm gì khi nó đã được giáo viên tự đánh giá, nhà trường đã xếp loại vào cuối năm học trước. Tốn kém thời gian cho hàng triệu nhà giáo mà gần như nó cũng chẳng có ích lợi gì.

Kế hoạch bài dạy (giáo án) theo Công văn 512 5512/BGDĐT-GDTrH sẽ tăng thêm áp lực cho giáo viên

Ngày 18/12/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Đã bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, sao Bộ lại yêu cầu giáo viên tải minh chứng?

Trong công văn này, yêu cầu bắt buộc giáo viên phải làm Kế hoạch giáo dục của giáo viên và Kế hoạch bài dạy (giáo án) cụ thể từng mục tiêu, phương pháp, sản phẩm dự kiến, các bước thực hiện của từng hoạt động...Mỗi tiết dạy cũng phải đến cả gần chục trang giấy khiến giáo viên khiếp đảm.

Bởi, những giáo viên môn Ngữ văn luôn được phân công giảng dạy 2 khối. Đối với cấp Trung học cơ sở thì các khối lớp 6, 7, 8 có 4 tiết/ tuần/ lớp; khối lớp 9 có 5 tiết/tuần/lớp, khi chương trình 2018 thực hiện thì lớp 9 còn 4 tiết/tuần.

Điều này cũng đồng nghĩa mỗi tuần thì giáo viên phải soạn với 8 tiết giáo án, mỗi tiết soạn theo hướng dẫn của Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH lên đến gần chục trang giấy A4. Và, 8 tiết sẽ có khoảng 70-80 trang, đó là chưa kể giáo án chủ nhiệm, giáo án ngoài giờ lên lớp đối với giáo viên chủ nhiệm.

Vì thế, nếu giáo viên tự soạn thì suốt tuần ngồi đánh máy cũng chưa chắc đã xong vì vừa đọc tài liệu, vừa soạn hàng chục trang giấy bởi chương trình mới sẽ có nhiều bài mới, không thể lấy từ giáo án cũ để chỉnh sửa.

Nhưng, thử hỏi một tuần thì giáo viên tiểu học dạy trên lớp 23 tiết, trung học cơ sở dạy 19 tiết, trung học phổ thông 17 tiết trên lớp thì giáo viên lấy đâu thời gian ngồi soạn cả mấy chục trang giáo án đây?

Đó là chưa kể những công việc khác mà các nhà trường đang yêu cầu thực hiện như dự giờ bắt buộc theo số tiết quy định, dạy cho giáo viên khác dự, xây dựng, thao giảng chuyên đề, tập huấn, họp hành, hồ sơ số sách khác?

Rõ ràng, một số văn bản mà Bộ ban hành trong năm học này đang khiến cho giáo viên đầu tư thêm rất nhiều thời gian vào những việc không thật sự cần thiết và tính hiệu quả rất thấp.

Thực tế cho thấy giáo viên ngoài chuyện giảng dạy trên lớp thì họ còn phải thực hiện vô vàn công việc không tên do nhà trường phân công. Ngoài ra, năm học này còn phải tập huấn chuyên môn với khối lượng kiến thức cũng khá nặng.

Vì thế, Bộ cần nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo để giảm áp lực cho giáo viên để họ tập trung vào giảng dạy và tự bồi dưỡng chuyên môn theo kế hoạch của Bộ. Những việc gì không cần thiết thì Bộ nên giảm bớt.

Suy cho cùng thì công việc quan trọng nhất của giáo viên là các giờ dạy trên lớp có hiệu quả hay không mà thôi. Đừng bắt giáo viên cứ mải miết chạy theo vòng xoáy kế hoạch, hồ sơ, giấy tờ như hiện nay thì mệt mỏi lắm và không còn thời gian đầu tư cho công việc chính của mình nữa.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

THANH AN

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/3-huong-dan-cua-bo-dang-de-nang-giao-vien-tang-ap-luc-ho-so-so-sach-post216742.gd