3 họa sĩ chung tay triển lãm tranh 'Bay Nhảy'

Theo thông lệ, mỗi triển lãm cần một cái tên gọi và 3 họa sỹ đã gọi nó là 'Bay nhảy'. Dù đây chỉ là một cái tên, nhưng chí ít nó cũng nói lên được thái độ của 3 nghệ sỹ này trong quá trình thực hành nghệ thuật của mình.

3 nghệ sỹ với 3 cặp mắt khác nhau, 3 tính cách khác nhau và 3 trạng thái tinh thần khác nhau sẽ tạo nên những góc nhìn khác nhau như thế nào về cùng một đối tượng, đó là những gì đang diễn ra trong cuộc sống ngày hôm nay của chúng ta?

1. LÊ THỪA HẢI

Cách đây 2 năm, tại triển lãm "Neo- Expresionism" (triển lãm nhóm tại vicas art studio), Lê Thừa Hải đã được công chúng Hà Nội biết đến như một họạ sỹ biểu hiện đầy tiềm năng. Nay, tại triển lãm này, các tác phẩm mới của anh có thể coi là nấc thang mới trên con đường hội họa của mình.

Khổ tranh trước đây của anh không lớn (thường chỉ 150x100 cm), nay đã lớn hơn nhiều. Điều này rất quan trọng, bởi nó là điều kiện cần để họa sỹ có thể phát huy những đặc trưng nghệ thuật của lối vẽ tân biểu hiện: biểu thị những cảm xúc một cách trực diện, bản năng, vô thức với bút pháp nhanh, mạnh, phóng khoáng.

Hình tượng cái ghế vẫn luôn ám ảnh tâm trí anh và đi vào tất cả các bức tranh ở triển lãm này. Ghế hay ngai trong tranh của Hải là sự phóng chiếu những ẩn ức vô thức có tính hai mặt: Một là những bức xúc của nghệ sỹ (với những khía cạnh tiêu cực của quyền lực trong xã hội) bị dồn nén; mặt khác là khát vọng ẩn dấu bên trong của cá nhân người nghệ sỹ, muốn bay cao với nghệ thuật của mình.

So với những tác phẩm trước đây, loạt tranh mới này được sử dụng màu sắc nhiều hơn, có sức biểu hiện mạnh hơn: Dù màu chủ đạo là màu đỏ nhưng tranh của Hải lại toát lên cái gì đó u sầu, bứt rứt…Đó chính là những trạng thái tinh thần xã hội mà người nghệ sỹ đã tiếp nhận vào tâm trí của mình.

2. KUOLG TRẦN TRẦN CƯỜNG

Năm ngoái, Trần Cường đã có triển lãm cá nhân "Nửa mê nửa tỉnh" rất hay, nó làm cho những ai biết họa sỹ này đều phải ngạc nhiên, bởi những tác phẩm của triển lãm này chẳng may may liên quan gì tới những bức tranh sen mà anh thường vẽ để kiếm sống. Cũng chính từ triển lãm này mà Cường đã nhận thấy điểm mạnh của mình và con đường mà mình cần theo đuổi, đó là sáng tạo ra những huyễn cảnh của mộng mơ, của ước vọng.

Ở triển lãm lần này, Cường không rời xa hiện thực để vẽ những giấc mơ nữa nhưng từ những chất liệu của cuộc sống anh lại tạo ra những cảnh tượng hoành tráng đầy màu sắc và ngập tràn hoan lạc và dục tính. Nó thể hiện khát khao của nghệ sỹ về một cuộc sống tươi đẹp hơn những gì đang diễn ra trên thực tế. Tình yêu và tính dục (khác giới hay đồng tính) trong tranh anh được biểu đạt như một biểu tượng của tự do và hòa bình. Các tác phẩm của anh làm người xem có cảm giác tươi mát, nhẹ nhàng và lãng mạn dù cho nó đề cập đến vấn đề khó nói trong xã hội ta hiện nay.

Bút pháp của Cường lần này cũng có chút thay đổi, anh bỏ qua việc tả các chi tiết, hình họa không cần theo trường quy, chú trọng vào màu sắc và tổng thể của tác phẩm để tạo nghĩa và gây ấn tượng thị giác mạnh cho người xem.

3. HÀ HUY MƯỜI

Hà Huy Mười cho rằng nghệ thuật đương đại không phải từ trên trời rơi xuống mà nó phải có mối liên hệ với truyền thống của mỗi dân tộc, vì thế anh rất muốn sử dụng giấy Giang (một loại giấy thủ công của người dân tộc H’Mông – Pà Cò)-với tư cách là một chất liệu truyền thống-như là một thành tố hữu cơ của các tác phẩm đương đại. Hơn một năm nay, anh chuyên tâm nghiên cứu và thực hành vẽ trên giấy Giang. Anh đã học hỏi những kỹ thuật khác nhau, từ đi nét, tạo độ nhòe bằng mực, đến tô màu nước, acrylic, đến kỹ thuật tả chi tiết của hội họa phương tây trên giấy Dó để có thể vận dụng và ứng biến linh hoạt trong từng tác phẩm cụ thể.

Con người luôn là nhân vật trung tâm trong các tác phẩm của Hà Huy Mười. Trong tranh anh, con người không được mô tả với hình thể người mà chỉ là những sinh thể dị dạng. Tuy nhiên, người ta vẫn dễ dàng nhân thấy tinh thần người ở những quái dạng ấy, bởi những ánh mắt, cái miệng, cái bụng béo rất quen thuộc với người Việt Nam. Điều này có thể hiểu được bởi nghệ sỹ vốn là một nhà điêu khắc, tiếp xúc thường xuyên với các hình tượng dân gian như tượng Phật, các vị La Hán, ông thiện, ông ác, ông Địa .v.v..và có hiểu biết sâu về những hình tượng ấy. Có lẽ một cách vô thức, Hà Huy Mười đã lồng được cái tinh thần người ở các hình tượng ấy vào các tác phẩm của mình.

Triển lãm sẽ diễn ra lúc 17 giờ ngày 18-1 tại Art Space, 42 Yết Kiêu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội và kéo dài tới ngày 25-1.

B.Q.T

Nguồn Phụ nữ: https://phunu.nld.com.vn/chuyen-trang-phu-nu/3-hoa-si-chung-tay-trien-lam-tranh-bay-nhay-20210116102643796.htm