3 hình thức cung cấp sản phẩm, dịch vụ công

Việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sẽ được thực hiện theo 3 hình thức là giao nhiệm vụ, đặt hàng và đấu thầu dựa trên điều kiện cụ thể. Chủ thể quyết định hình thức cung cấp sẽ chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Dịch vụ công về đất đai có thể được thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu. Ảnh: Lê Tiên

Dịch vụ công về đất đai có thể được thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu. Ảnh: Lê Tiên

Không còn "ỷ lại" vào việc giao dự toán

Tại cuộc họp báo chiều 29/5, ông Phạm Văn Trường, Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp thuộc Bộ Tài chính cho biết, đây là điểm mới tại Nghị định 32/2019 về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí thực hiện chi thường xuyên. Đây là một trong các văn bản triển khai Nghị định 16/2015/NĐ-CP về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập (nghị định khung). Điều này cũng tạo thay đổi lớn so với tình trạng giao dự toán trực tiếp đến đơn vị phổ biến trong thời gian qua.

“Có thể trong thời gian đầu thực hiện, sự thay đổi đó sẽ gây khó cho các bộ, ngành, địa phương. Song, đây là cách thức cần thiết để nâng cao hiệu quả cung cấp sản phẩm, dịch vụ công. Trình tự thực hiện là các đơn vị sẽ căn cứ theo danh mục, các điều kiện quy định tại Nghị định 32 để đánh giá và lựa chọn hình thức cung cấp sản phẩm, dịch vụ công tương ứng, phù hợp. Với cách thức như vậy, cơ quan kiểm tra, giám sát cũng dễ dàng đánh giá việc thực thi. Từ đó, tăng cường trách nhiệm của cơ quan triển khai thực hiện, đặc biệt là trách nhiệm trong việc sử dụng nguồn tài chính cho các nhiệm vụ này”, ông Trường nhấn mạnh.

Theo Bộ Tài chính, Nghị định 32 được xây dựng kế thừa các điểm có sẵn tại Nghị định 130/2013/NĐ-CP của Chính phủ về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích và Quyết định 39/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế đấu thầu, đặt hàng. Nghị định 32 cũng được ban hành theo định hướng sẽ thực hiện ngay khi có hiệu lực từ ngày 1/6/2019 mà không cần thêm các thông tư hướng dẫn.

Mặt khác, Nghị định 32 cũng sẽ tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia cung ứng sản phẩm, dịch vụ công, đặc biệt qua hình thức đấu thầu.

Vẫn chậm trễ ban hành danh mục quản lý

Có 2 điểm mở tại nghị định này.

Một là, trường hợp cần thiết, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương, chủ tịch UBND cấp tỉnh, căn cứ các quy định chung về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước; sản phẩm, dịch vụ công ích tại nghị định này có thể quy định chi tiết, bổ sung thêm các nội dung về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cho phù hợp với yêu cầu quản lý và tính chất đặc thù của từng lĩnh vực chuyên ngành và pháp luật khác có liên quan.

Hai là, để tránh trường hợp khi có bổ sung danh mục dịch vụ phải sửa đổi, bổ sung nghị định này thì Nghị định quy định: Trường hợp trong từng thời kỳ có điều chỉnh, bổ sung danh mục sản phẩm, dịch vụ công, các bộ, cơ quan trung ương (nếu có) chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ và các cơ quan có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quyết định sửa đổi, bổ sung danh mục sản phẩm, dịch vụ công từ dự toán chi của ngân sách trung ương; UBND cấp tỉnh quyết định sửa đổi, bổ sung danh mục sản phẩm, dịch vụ công từ dự toán chi của ngân sách địa phương.

“Nghị định 32 quy định khoảng 100 danh mục sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, đây chỉ là những danh mục khung, các bộ, ngành và địa phương sẽ tiếp tục ban hành danh mục chi tiết và cụ thể hơn”, ông Trường nhấn mạnh.

Trở lại với việc thực hiện Nghị định 16 nêu trên, Bộ Tài chính cho biết, từ năm 2015, Chính phủ đã có quyết định yêu cầu các bộ và các địa phương phải ban hành danh mục dịch vụ công thuộc quản lý của các bộ và địa phương.

Từ năm 2015 2017, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản đôn đốc các bộ, địa phương tổng hợp báo cáo về việc thực hiện Nghị định 16, bao gồm cả việc ban hành danh mục này.

Đến nay, ở cấp trung ương đã có 13 báo cáo về quyết định danh mục, song các quyết định này vẫn còn thiếu sót, trùng lắp và chưa đồng bộ. Tại địa phương lại có tình trạng trông chờ danh mục của trung ương thì mới ban hành danh mục của địa phương. Vì vậy, việc thực thi đến nay vẫn còn chậm trễ.

Lê Hường

Nguồn Đấu Thầu: http://baodauthau.vn/phap-luat/3-hinh-thuc-cung-cap-san-pham-dich-vu-cong-99504.html