3 giả thuyết về nguồn gốc của biến thể Omicron

Omicron, biến thể có khả năng lây lan cao này chứa rất nhiều đột biến của virus SARS-CoV-2. Hiện nay các nhà khoa học đang cố gắng tìm hiểu về cách virus đã tiến hóa để tạo ra biến thể này.

Chỉ hơn 2 tháng sau khi lần đầu tiên được phát hiện ở Nam Phi, Omicron - biến thể của virus SARS-CoV-2 đã lan truyền khắp thế giới nhanh hơn bất kỳ phiên bản nào trước đó.

Các nhà khoa học đã truy vết và phát hiện biến thể Omicron ở hơn 120 quốc gia. Tuy nhiên, một câu hỏi chưa có lời giải vẫn còn đó: biến thể Omicron bắt nguồn từ đâu?

Các nhà khoa học của WHO đang điều tra về nguồn gốc của biến thể Omicron

Các nhà khoa học của WHO đang điều tra về nguồn gốc của biến thể Omicron

Không có con đường lan truyền rõ rệt gắn Omicron với các phiên bản trước đó của virus SARS-CoV-2. Thay vào đó, biến thể này mang trong mình một chuỗi những đột biến bất thường, mà nó đã tiến triển hoàn toàn bên ngoài chứ không gắn với các biến thể trước đó, theo quan điểm của các nhà nghiên cứu.

3 giả thuyết về nguồn gốc ra đời của Omicron

Omicron rất khác biệt so với các biến thể trước đó, chẳng hạn như Delta và Alpha.

Về sự tiến hóa của Omicron, các nhà virus học ước tính, tổ tiên của nó - phiên bản virus có bộ gene gần nhất với Omicron có lẽ khoảng hơn một năm trước đây, vào khoảng giữa năm 2020.

3 giả thuyết về nguồn gốc của Omicron?

Tổ tiên của Omicron có thể là phiên bản virus có bộ gene gần nhất với Omicron khoảng hơn 1 năm trước (giữa năm 2020).
Biến thể Omicron có thể đã xuất hiện do những đột biến gene của virus SARS-CoV-2 tiến hóa trong cơ thể một người mắc bệnh COVID-19 trong một thời gian dài.
Biến thể Omicron có thể đã xuất hiện do tiến hóa của virus trong một động vật chủ như chuột chẳng hạn.

Theo ông Darren Martin - nhà sinh học máy tính thuộc Đại học Cape Town, Nam Phi, không thể biết được nơi chính xác Omicron ra đời.

Câu hỏi về nguồn gốc ra đời của Omicron có ý nghĩa rất quan trọng. Việc tìm hiểu xem những nhân tố nào đã khiến biến thể dễ lây lan này ra đời có thể giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về nguy cơ của các biến thể mới nổi và cách giảm thiểu tác hại.

Đó là quan điểm do nhà virus học Angela Rasmussen (Đại học Saskatchewan, Cơ quan Vaccine và Bệnh truyền nhiễm ở Saskatoon, Canada) đưa ra. "Rất khó để ngăn chặn nguy cơ nếu bạn không thể hiểu rõ về nó."

Nhóm tư vấn khoa học về nguồn gốc các mầm bệnh mới nổi (SAGO) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã gặp nhau vào tháng 1 năm nay để thảo luận về nguồn gốc của Omicron.

Theo người chủ trì cuộc họp SAGO (nhà virus học y khoa Marietjie Venter, ĐH Pretoria, Nam Phi), nhóm tư vấn khoa học của WHO sẽ đưa ra một bản báo cáo vào đầu tháng 2 năm nay.

Trước khi cho ra mắt bản báo cáo, các nhà khoa học hiện đang điều tra 3 giả thuyết về nguồn gốc của biến thể Omicron.

Mặc dù các nhà nghiên cứu đã giải trình tự hàng triệu bộ gene của virus SARS-CoV-2, họ có thể đơn giản đã bỏ qua một loạt đột biến gene cuối cùng dẫn tới sự ra đời của Omicron.

Biến thể này có thể đã tiến hóa từ các đột biến gene virus SARS-CoV-2 ở một người, do tác động của quá trình mắc bệnh COVID-19 lâu. Hoặc cũng có thể biến thể nổi lên ở các động vật chủ khác như chuột mà chúng ta không hay biết.

Hiện nay, bất kỳ ý tưởng nào mà các nhà nghiên cứu nghiêng về hơn thường thiên về cảm quan nhiều hơn là nguyên lý, Richard Neher - nhà sinh học máy tính ĐH Basel ở Thụy Sĩ nói.

"Ai cũng có cái lý của riêng mình", Jinal Bhiman - nhà khoa học ngành y tại Viện Quốc gia các bệnh truyền nhiễm Nam Phi ở Johannesburg cho biết. "Mọi người đều có giả thuyết ưa thích riêng".

Bộ gene 'điên rồ' nhất

Các nhà nghiên cứu đều nhất trí rằng Omicron là biến thể mới nhất của virus SARS-CoV-2.

Biến thể Omicron lần đầu tiên được phát hiện ở Nam Phi và Botswana vào đầu tháng 11/2021.

Xét nghiệm lại đã cho thấy các mẫu nhiễm biến thể Omicron ở Anh vào ngày 1/11 và 3/11; ở Nam Phi, Nigeria và Mỹ vào ngày 2/11.

Phòng thí nghiệm của nhà khoa học Tulio de Oliveira tại trường Đại học KwaZulu-Natal ở Durban, nơi truy vết Omicron và các biến thể COVID-19 khác ở các quốc gia miền nam của châu Phi.

Một phân tích về tỷ lệ đột biến ở hàng trăm mẫu giải trình tự gene gợi ý rằng sự ra đời của Omicron không lâu trước đó, vào khoảng cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10 năm ngoái (2021).

Ở các quốc gia phía nam của châu Phi, Omicron có thể đã lây lan từ thủ đô Johannesburg và thành phố Pretoria (thuộc tỉnh Gauteng đông dân cư) tới các tỉnh thành khác và sang nước láng giềng Botswana.

Vào tháng 12/2021, biến thể Omicron đã nhanh chóng lây lan toàn thế giới.

Omicron nhanh chóng thành biến thể chủ đạo

Omicron đã nhanh chóng lây lan toàn cầu để trở thành biến thể chủ đạo của virus SARS-CoV-2.

Dù cho biến thể Omicron được phát hiện ở Nam Phi, thủ đô Johannesburg lại là nơi có sân bay lớn nhất lục địa châu Phi, cho nên biến thể Omicron có thể có nguồn gốc ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới.

Theo nhà khoa học Tulio de Oliveira, Nam Phi được chọn là nơi khởi nguồn biến thể Omicron chỉ vì nơi đây có mạng lưới giám sát gene virus SARS-CoV-2 tinh vi.

Tulio de Oliveira chính là người đi đầu trong những nỗ lực giải trình tự gene và truy vết các biến thể của SARS-CoV-2, trong đó có Omicron tại Nam Phi.

Ông là nhà IT sinh học tại ĐH KwaZulu-Natal ở Durban, Trung tâm Phát minh và phản ứng dịch bệnh ĐH Stellenbosch.

Điều nổi bật về Omicron là số lượng đột biến gene đáng kinh ngạc của nó. Người đồng nghiệp Martin khi nhận được cuộc gọi từ Tulio de Oliveira đã rất kinh ngạc trước bộ gene điên rồ nhất của virus SARS-CoV-2 này mà ông chưa từng thấy ở phiên bản nào trước đó.

Biến thể Omicron có hơn 50 đột biến khi so với phiên bản gốc Vũ Hán của virus SARS-CoV-2.

Khoảng 30 đột biến góp phần vào những thay đổi amino acid có trong protein gai mà virus thường dùng để gắn vào tế bào cơ thể người gây lây nhiễm.

Các biến thể đáng quan ngại trước đó chỉ chứa không nhiều hơn 10 đột biến protein gai.

(còn nữa)

Nguyễn Vân

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//3-gia-thuyet-ve-nguon-goc-cua-bien-the-omicron-169220131010524713.htm