3 doanh nghiệp của Vinachem tiếp tục lỗ, xử lý thế nào?

Đây là các doanh nghiệp nằm trong 12 dự án thua lỗ của ngành công thương và đều thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem).

Tại hội nghị tổng kết năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Vinachem ngày 12/1, Bùi Thế Chuyên, Phó Tổng giám đốc Vinachem cho biết, mặc dù số lỗ đã giảm so với năm 2017, nhưng vẫn có 3 đơn vị tiếp tục thua lỗ với hơn 1.500 tỷ đồng.

Đó là Công ty DAP số 2-Vinachem (DAP Lào Cai) lỗ 246 tỷ đồng, đã giảm lỗ 54%; Đạm Hà Bắc lỗ 340 tỷ đồng, tương ứng giảm 44%; Đạm Ninh Bình lỗ 926 tỷ đồng, tương đương mức lỗ năm 2017.

Đạm Ninh Bình tiếp tục lỗ lớn

Trong số 4 đơn vị gặp khó khăn (theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công thương), chỉ có DAP-Vinachem (Hải Phòng) đạt lợi nhuận 196 tỷ đồng, tăng lãi 182 tỷ đồng.

Nhờ đó, mức lỗ của 4 đơn vị này ước còn hơn 1.300 tỷ đồng, giảm lỗ khoảng 742 tỷ đồng, tương ứng giảm lỗ 36% so với năm 2017.

Theo lãnh đạo Vinachem, Tập đoàn sẽ giám sát, kiểm tra đặc biệt và yêu cầu các đơn vị triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó, chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch cụ thể; nâng cao hiệu quả quản lý nhằm giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.

Đặc biệt, Vinachem sẽ đôn đốc hoàn thành quyết toán đối với 3 dự án Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc và DAP số 2; đồng thời tiếp tục tăng cường chỉ đạo sát sao những dự án này.

Để giải quyết khó khăn cho 3 doanh nghiệp thua lỗ, Vinachem kiến nghị, đối với các khoản vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các Ngân hàng thương mại, cần có các giải pháp kéo dài thời hạn vay, giảm lãi suất tiền vay, không tính lãi quá hạn...

Ngân hàng Nhà nước xem xét, chấp thuận cho phép các doanh nghiệp cơ cấu lại hạn trả nợ, có mức lãi suất ưu đãi và đặc biệt tiếp tục cho vay vốn lưu động, giải ngân vốn lưu động đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh...

Trước đó, Chính phủ đã nhiều lần khẳng định quan điểm không dùng tiền ngân sách cứu các dự án thua lỗ nghìn tỷ ngành Công thương.

Bản thân Bộ Công thương cũng nhấn mạnh, việc xử lý các dự án đã đảm bảo thực hiện theo đúng nguyên tắc của cơ chế thị trường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp. Nhà nước không cấp thêm vốn vào các dự án.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đối với những dự án thua lỗ bán được bao nhiêu thì bán, không lý do gì Nhà nước phải tiếp tục bù lỗ những dự án thua lỗ. Những doanh nghiệp nào hoàn toàn bế tắc, không có thị trường thì phải thanh lý để cắt lỗ, không đổ thêm tiền.

Minh Thái (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/3-doanh-nghiep-cua-vinachem-tiep-tuc-lo-xu-ly-the-nao-3372779/