3 điều cần tránh khi giải thích về 'chuyện ấy' cho trẻ

Sức khỏe sinh sản, tình dục là những chủ đề nhiều phụ huynh né tránh khi dạy con.

The Conversation dẫn một nghiên cứu được thực hiện tại Anh cho thấy thanh, thiếu niên từ chối chia sẻ với cha mẹ về “chuyện ấy” vì xấu hổ. Đa phần phụ huynh cũng cảm thấy việc bắt đầu những cuộc trò chuyện về tình dục, giới tính với con khá gượng gạo.

Vì sao cha mẹ cần nói với con về “chuyện ấy”?

Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi đồng UPMC (thuộc Trung tâm Y tế Đại học Pittsburgh, Mỹ), trò chuyện với trẻ về “chuyện ấy” là phần quan trọng trong hành trình nuôi dưỡng con trưởng thành. Tất cả trẻ nhỏ đều có sự tò mò, mong muốn hiểu rõ về cơ thể và cách các bé được tạo ra.

Do đó, cha mẹ cần trung thực và cởi mở khi trò chuyện với con. Nếu bạn nói về vấn đề tình dục vào thời điểm con còn nhỏ, các bé sẽ học được cách tin tưởng cha mẹ và dễ trò chuyện hơn khi con cần lời khuyên, tư vấn.

 Nếu trẻ tự tìm hiểu các thông tin về giới tính, sức khỏe sinh sản qua những thông tin tràn lan trên mạng có thể dẫn đến quan điểm lệch lạc. Ảnh: Freepik.

Nếu trẻ tự tìm hiểu các thông tin về giới tính, sức khỏe sinh sản qua những thông tin tràn lan trên mạng có thể dẫn đến quan điểm lệch lạc. Ảnh: Freepik.

Chuyên gia giáo dục giới tính thanh, thiếu niên tại Mỹ, Deborah Roffman, tác giả của cuốn sách Talk To Me First: Everything You Need to Know to Become Your Kids ”Go-To” Person About Sex, cho hay những đứa trẻ lớn lên trong gia đình cởi mở về “chuyện ấy” sẽ khỏe mạnh và hạnh phúc hơn. Theo bà, trò chuyện về tình dục với trẻ đúng cách cũng là cách bảo vệ con, nhất là trong thời đại số.

Khảo sát Hành vi rủi ro của thanh niên năm 2011 do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ tiến hành cho thấy 47% học sinh trung học từng quan hệ tình dục. Con số này giảm so với kết quả 54% của năm 1991. Viện Guttmacher - tổ chức tư vấn sức khỏe sinh sản và tình dục tại Mỹ - thống kê cứ 10 người nước này thì có 7 thanh, thiếu niên quyết định hoặc đã từng làm "chuyện ấy" vào sinh nhật thứ 19.

Tỷ lệ mang thai ở tuổi vị thành niên của nước Mỹ cũng giảm mạnh nhờ giáo dục giới tính đúng cách và kịp thời. Năm 2008, trong 1.000 phụ nữ từ 15 đến 19 tuổi, 68 trường hợp mang thai. Con số này giảm so với 117 trường hợp vào năm 1990.

Trẻ có xu hướng tò mò về cơ thể, giới tính từ rất sớm. Ảnh: Freepik.

Nguyên tắc khi nói về “chuyện ấy” với trẻ

Với sự phát triển của công nghệ và Internet, các câu hỏi về giới tính, tình dục, sức khỏe sinh sản sẽ nảy ra rất sớm trong đầu trẻ. Thời điểm này rất quan trọng. Cha mẹ cần có cách giáo dục phù hợp để con hiểu rõ, đúng và cảm thấy tin tưởng khi chia sẻ với người lớn.

Dưới đây là những lời khuyên và sai lầm cần tránh khi phụ huynh trò chuyện với con về “chuyện ấy”.

Chỉ nên nói về “chuyện ấy” khi trẻ đủ lớn: Một số phụ huynh chia sẻ với The Conversation rằng họ chưa nói chuyện với con về tình dục vì trẻ chưa quan hệ tình dục. Tuy nhiên, những cuộc trò chuyện cần bắt đầu sớm.

Khi còn nhỏ, cha mẹ thường dắt tay con qua đường, dạy chúng cẩn trọng và tăng dần tính tự lập trong các hoạt động hàng ngày. “Chuyện ấy” cũng vậy. Trẻ cần thời gian học hỏi và thấu hiểu từ từ để có thể tự quyết định tính đúng, sai về cơ thể hay trong một mối quan hệ nào đó.

Giáo sư Jay Homme tại Mayo Clinic ở Rochester, Mỹ, cho biết phụ huynh không nên đợi con ở giai đoạn vị thành niên (khoảng 15 tuổi) mới bắt đầu có những cuộc trò chuyện về tình dục. Nguyên nhân là trước khi cơ thể thay đổi, con cần hiểu điều gì sẽ xảy ra và như thế nào. Thay vì để con lạc trong ma trận thông tin và có thể nhầm đường, chúng ta nên chủ động cho con những gì trẻ cần một cách chọn lọc.

Phụ huynh nên lắng nghe nhiều hơn để nắm rõ vấn đề, câu hỏi của con về "chuyện ấy". Ảnh: Freepik.

Nói nhiều hơn lắng nghe: Giáo dục trong thời đại mới là biến người học thành trung tâm. Câu chuyện của giáo dục giới tính cũng vậy. Cha mẹ nên là người lắng nghe và đưa lời khuyên thay vì nói về những điều mình kỳ vọng.

Trước khi trò chuyện với trẻ, phụ huynh cần hiểu rõ con có thái độ và quan điểm như thế nào về vấn đề này. Nhiều cha mẹ cho rằng bản thân không có nhiều kỹ năng hay kiến thức về vấn đề này nên ngại ngùng mỗi lần trò chuyện cùng trẻ. Chuyên gia Jay Homme cho rằng phụ huynh không cần phải là người hoàn hảo hay biết rõ mọi câu trả lời. Điều quan trọng là bạn cho trẻ thấy cha mẹ sẽ sẵn sàng giải đáp và tìm hiểu cùng con.

Theo Laura Berman, giảng viên của Trường Y Feinberg, Đại học Northwestern, Mỹ, đồng thời là tác giả cuốn sách Talking to Your Kids, đưa nguyên tắc khi trò chuyện về giới tính và tình dục với trẻ đó là nói vừa đủ, phù hợp với lứa tuổi.

Nếu một đứa trẻ 7 tuổi hỏi bạn con ra đời từ đâu và như thế nào, bạn không cần phải cho chúng kiến thức về toàn bộ quá trình với các thuật ngữ khó hiểu. Thay vào đó, chúng ta có thể giải thích rằng em bé lớn lên ở vị trí đặc biệt trong bụng mẹ, qua 9 tháng 10 ngày, em sẽ cất tiếng khóc chào đời.

Không chia sẻ về quyền, trách nhiệm và những rủi ro: Mục đích cuối cùng của những cuộc trò chuyện giới tính là dạy trẻ kiến thức và cách bảo vệ bản thân.

Trên thực tế, những gì bạn truyền đạt cho con sẽ tác động đến cách trẻ hiểu về tình dục, giới tính. Do đó, hãy cố gắng lồng ghép cho trẻ những ghi nhớ để bảo vệ sức khỏe sinh sản, giữ vệ sinh cá nhân khi dậy thì.

Đặc biệt, con cần hiểu một số nguyên tắc như không được để người khác giới chạm vào cơ thể, phản ứng ra sao nếu có ai đó cố tình xâm phạm. Nhiều trẻ không dám chia sẻ với cha mẹ khi bị xâm hại vì xấu hổ và không tin tưởng. Cha mẹ cần là người lắng nghe, tạo dựng cho con niềm tin và chú ý tới từng thay đổi nhỏ để bảo vệ trẻ khỏi những tác động xấu.

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/3-dieu-can-tranh-khi-giai-thich-ve-chuyen-ay-cho-tre-post1140615.html