3 đề xuất về lương tối thiểu vùng năm 2019

Phiên đàm phán đầu tiên về lương tối thiểu vùng 2019 đã kết thúc với 3 đề xuất. Trong đó, khoảng cách đề xuất giữa Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (đại diện người lao động) và Phòng Thương mại - công nghiệp Việt Nam VCCI (đại diện người sử dụng lao động) hiện là 8%.

Cụ thể, phía VCCI đề xuất không tăng với lý do dành nguồn lực cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN). “VCCI đã tập hợp ý kiến của các hiệp hội DN trong vào ngoài nước về điều chỉnh lương tối thiểu năm 2019.

Đại đa số các hiệp hội đều cho rằng, lúc này chưa nên tăng lương tối thiểu vùng 2019. Việc không tăng lương tối thiểu nhằm "bồi dưỡng" sức DN, dồn sức để đào tạo và nâng cao tay nghề của người lao động trong DN. Qua đó đáp ứng yêu cầu công việc cũng như sự cạnh tranh của thị trường” – Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cho hay.

Về phía đại diện người lao động- Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 là 8% (tăng từ 220-330 nghìn đồng). Theo ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, mức đề xuất này dựa trên những khảo sát mới nhất về đời sống người lao động sau khi áp dụng Nghị định 141/2017/NĐ-CP về thực hiện mức lương tối thiểu năm 2018.

Theo đó, tiền lương cơ bản chiếm khoảng 85 % tổng thu nhập của người lao động. Đa số người lao động được hỏi đều đánh giá thu nhập cơ bản chỉ đáp ứng được chi phí hàng ngày, cuộc sống còn khó khăn và chưa thực hiên được nhiều tích lũy.

Tác động từ sự điều chỉnh của mức lương tối thiểu có thể ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới hàng chục triệu lao động trong khu vực làm công ăn lương. Ảnh: T.Hải

Trong khi tính toán từ bộ phận kỹ thuật thuộc Hội đồng tiền lương quốc gia (gồm nhóm các chuyên gia được cử ra từ 3 bên: Bộ LĐ-TB&XH, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổng LĐLĐ VN) thì mức tăng lương tối thiểu cần thiết trong năm 2019 là khoảng 5,3%.

“Hướng mục tiêu đến năm 2020, lương tối thiểu phải đáp ứng mức sống tối thiểu thì theo bộ phận kỹ thuật, giai đoạn từ nay đến năm 2020, lương tối thiểu phải tăng thêm từ 8,4%-14%. Lộ trình tăng lương tối thiểu theo đó có thể thực hiện theo 2 phương án: Chia đều trong năm 2019 và 2020; Tăng nhanh trong năm 2019 và năm 2020 sẽ tăng chậm. Bóc tách tỉ lệ tăng ra từng năm, bộ phận kỹ thuật tính toán mức tăng khoảng 5,3% cho năm 2019. Mức đề xuất này cũng nằm ở khoảng gần giữa với đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam và VCCI tại phiên đàm phán đầu tiên vào ngày 9-7”, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp thông tin thêm về đề xuất của bộ phận kỹ thuật.

Tuy nhiên, đề xuất này cũng chỉ là sự tham vấn cho các bên còn mức chính thức sẽ dựa vào thực tế đàm phán giữa VCCI và Tổng LĐLĐ Việt Nam. Khoảng cách 8% giữa các bên sẽ là mốc đàm phán trong phiên thứ 2, sẽ diễn ra vào khoảng 2 tuần tới.

Việc thu hẹp khoảng cách của 2 bên theo dự báo của các chuyên gia sẽ diễn ra gay cấn vì mỗi bên đều có những lý lẽ và dẫn chứng riêng. Tuy nhiên cuối cùng các bên rồi cũng sẽ tìm được tiếng nói chung, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên, vừa bảo đảm cải thiện đời sống của người lao động và duy trì sản xuất kinh doanh của DN, chống thất nghiệp và thiếu việc làm.

Nhà nước không can thiệp vào cơ chế tiền lương của doanh nghiệp

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia Doãn Mậu Diệp: “Trong nền kinh tế thị trường, mối quan hệ lao động được xác lập giữa người sử dụng lao động và người lao động. Cả 2 bên đều là chủ thể đàm phán tương đương về quyền và nghĩa vụ. Nhà nước chỉ đứng ở vị trí trung gian và định ra “luật chơi” thông qua việc xây dựng cơ chế chính sách. Nhà nước thúc đẩy 2 bên thương lượng và thỏa thuận. Trong đàm phán lương tối thiểu vùng, câu chuyện cũng như vậy”. “Mới đây, Hội nghị T.Ư 7 đã thông qua 2 Nghị quyết, trong đó có Nghị quyết về cải cách tiền lương. Nhà nước sẽ từng bước không can thiệp vào cơ chế tiền lương của doanh nghiệp. Thay vào đó thúc đẩy cơ chế thương lượng giữa người sử dụng lao động và người lao động”, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp thông tin.

Đánh giá về chất lượng của phiên đàm phán lần đầu về lương tối thiểu 2019, Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia cho biết, các bên đều có thiện chí lắng nghe ý kiến của nhau và chưa xuất hiện sự căng thẳng. Còn về quan điểm cá nhân, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho rằng: “Mức tăng năm nay khó có thể bằng mức tăng của năm 2018. Bởi nhiều rủi ro còn tiềm ẩn với doanh nghiệp. Ngay thời điểm này, tỉ giá USD đang tăng nhanh. Doanh nghiệp xuất khẩu chịu nhiều thòi. Các bên cần phải có sự tương trợ và rốt cuộc sẽ tìm ra 1 phương án chung cuối cùng”.

Thanh Hải – M.Quang

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/3-de-xuat-ve-luong-toi-thieu-vung-nam-2019-118601.html