3 đáp án của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Khởi nghiệp là nói về cái mới. Theo nguyên lý thường cái mới phá hủy cái cũ nên phải có cách tiếp cận mới... Logic bình thường cái gì không quản được thì cấm, logic mới là cái gì không quản được thì không quản... - phát biểu của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị Thủ tướng sớm tuyên bố tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức thứ hai của Việt Nam

Và đây là phát biểu tại Diễn đàn "Tìm giải pháp đột phá cho Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam" hôm 29.11.

2 năm trước, khi làn sóng các startup “di cư” sang Singapore khởi nghiệp, có nhiều chi tiết thật khó tin.

Rằng ở Singapore, một startup Việt chỉ cần “2h và 1 USD”. 2h, là khoảng thời gian tối đa cho việc thành lập 1 DN, và 1 USD là số vốn tối thiểu cần có.

Rằng nhiều startup sang Singapore là vì “không thể làm nổi ở Việt Nam”.

“Không làm nổi” có thể là chuyện “phải làm như thế nào để yên ổn làm ăn”, là “hợp thức hóa các loại chi phí, các con số lợi nhuận”, là đối mặt với “các loại hồ sơ, giấy tờ”, là thuế má, bảo hiểm, và thậm chí là “muốn làm đúng, muốn minh bạch, đàng hoàng cũng không thể”.

Cái “không làm nổi” còn ở nguồn vốn.

Và “cái khó” nữa, nói như TS. Vũ Viết Ngoạn, hoạt động của các startup hầu hết là những sản phẩm sáng tạo, sản phẩm mới, mà khi đăng ký với cơ quan có thẩm quyền thì lại chưa được đề cập trong luật.

Cái gì không quản được thì cấm. Tư duy ấy tràn ngập trong các công sở, tỷ lệ thuận theo số lượng giấy phép con. Và rõ ràng, cái mới, sự sáng tạo không thể phát huy nếu như tư duy quản lý, nếu như cơ chế, nếu hệ thống pháp luật vẫn “chạy mãi không kịp”.

Nói như Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, cái mới, cái sáng tạo, cái “không quản được” thì cũng không quản, thì “cho nó phát triển trong một không gian, thời gian nhất định, sau đó khi các vấn đề lộ ra, chúng ta mới bắt đầu điều chỉnh nó".

Bởi chỉ có cách tiếp cận này mới khuyến khích sự đổi mới, sáng tạo.

Dưới giác độ nguồn vốn, một trong những điểm khó nhất của các startup, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lý luận rằng: Chính phủ luôn là hộ chi tiêu lớn nhất của một quốc gia. Và ông đề xuất Thủ tướng cho chi tiêu Chính phủ tập trung vào các sản phẩm công nghệ, đặc biệt là công nghệ của các startup, bởi đây là nguồn vốn tạo đà quan trọng nhất.

Và lời “giải thứ ba” cho bài toán startup, Bộ trưởng Hùng đề nghị Thủ tướng sớm tuyên bố tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức thứ hai của Việt Nam, như một yếu tố cần và đủ khai thông “điểm nghẽn ngôn ngữ”, như một cách để sản phẩm startup vươn ra toàn cầu.

Nếu tư duy “cái gì không quản được thì không quản” là tạo không gian môi trường cho các startup, thì lý luận “hộ chi tiêu nhà nước” chính là một đáp án cho bài toán vốn, và đề xuất tiếng Anh như ngôn ngữ chính thức thứ hai để giải quyết bài toán đầu ra.

Có một chi tiết nhỏ, nhưng không ngẫu nhiên, sau phát biểu của Bộ trưởng Hùng, rất nhiều tràng vỗ tay đã vang lên từ dưới hội trường.

Anh Đào

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/3-dap-an-cua-bo-truong-nguyen-manh-hung-644177.ldo