3 cuốn sách làm sôi nổi nước Nhật lần đầu xuất hiện tại Việt Nam

Bộ 3 cuốn sách: Phẩm cách quốc gia (2005), Phẩm cách phụ nữ (2006), Phẩm cách cha mẹ (2007) từng gây ấn tượng mạnh ở Nhật Bản đã có mặt tại Việt Nam.

Liên tiếp ra đời trong 3 năm liên tiếp từ 2005 - 1007, bộ 3 cuốn sách "phẩm cách" đã gây ấn tượng mạnh mẽ đối với dư luận Nhật Bản, số lượng phát hành lên đến hàng triệu bản.

Với những quan điểm đi ngược lại với xu hướng của số đông, Phẩm cách quốc gia của Fujiwara Masahiko trở thành một cuốn sách mang lại nhiều tranh luận trái chiều, nhưng đồng thời cũng là cuốn sách vô cùng cuốn hút, bằng chứng là chỉ trong vòng nửa năm sau khi ra sách cuốn sách đã bán được trên 2,67 triệu.

Đến năm 2006, từ “phẩm cách” đã giành được giải thưởng cho “từ ngữ mới được lưu hành phổ biến”.

Với số lượng phát hành lên tới 3 triệu bản, Phẩm cách phụ nữ của tác giả Bando Mariko được đánh giá là cuốn sách tái định vị lại người phụ nữ trong xã hội hiện đại. Theo dịch giả Nguyễn Quốc Vương, độc giả có thể thấy ở đây một cái nhìn kết nối giữa hình ảnh người phụ nữ truyền thống và hiện đại trong xã hội Nhật Bản.

Cũng là tác phẩm của Bando Mariko, Phẩm cách cha mẹ không chỉ bàn chuyện giáo dục con cái mà còn nói về nhiệm vụ “di truyền xã hội”, cha mẹ phải biết cách để lại giá trị tinh thần cho các thế hệ đi sau thông qua việc đào tạo, truyền đạt kinh nghiệm và giá trị sống thay vì chỉ để lại tài sản cho con.

Lẽ sống và giá trị quan của cha mẹ sẽ phần nào thể hiện qua việc nuôi dạy con cái. Quá trình nuôi dạy con cái cũng là quá trình cha mẹ hoàn thiện mình hơn và vì thế, bằng việc nuôi dạy con, bản thân cha mẹ cũng sẽ trưởng thành.

Sự kỳ vọng của cha mẹ đối với con cái là rất nhiều nhưng theo tác giả, phần lớn cha mẹ đều mong con mình trở thành thành viên của xã hội có thể sống độc lập, và có cuộc sống hạnh phúc: “Cha mẹ vì quá yêu thương con mà có xu hướng chăm sóc con quá mức nhưng việc nuôi dạy con để con có thể tự làm được những việc của bản thân là một trong những mục tiêu cơ bản của việc nuôi dạy con. Tự lập không phải là sự cô độc. Khi trẻ có thể sống mà không cần dựa dẫm vào người khác thì trẻ cũng sẽ có thể giúp đỡ những người khác bằng chính năng lực đó. Nếu như trẻ chỉ tiếp nhận sự giúp đỡ của người khác không thôi thì sẽ không thể hình thành được năng lực ấy.”

Cuốn sách đã bán được 90 vạn bản tại Nhật.

Lan Lan

Nguồn CL&XH: http://conglyxahoi.net.vn/van-hoa/3-cuon-sach-lam-soi-noi-nuoc-nhat-lan-dau-xuat-hien-tai-viet-nam-14624.html