3 công chức hải quan bị khởi tố

Buôn lậu gỗ qua biên giới tỉnh Quảng Trị luôn là vấn đề 'nóng', nhất là khu vực sông Sê Pôn, địa bàn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa. Các trùm buôn lậu thường tổ chức thành những đường dây ăn ý đưa gỗ lậu qua biên giới núp dưới những tờ khai hải quan chỉn chu. Việc khởi tố 3 công chức hải quan có liên quan đến buôn lậu tại Công ty Ngọc Hưng khiến dư luận đặt câu hỏi: Tại sao những công chức hải quan nắm rõ các quy định của pháp luật lại để cho gỗ lậu 'thông quan' như vậy?

Số gỗ của Công ty Ngọc Hưng mà Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cửa Việt tạm giữ để xử lý.

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an vừa khởi tố bị can đối với ông Đỗ Danh Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng, thuộc Cục Hải quan thành phố Đà Nẵng và 2 công chức của Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cửa Việt, thuộc Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị là Đỗ Lý Nhi và Lê Xuân Thành về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Việc khởi tố 3 cán bộ hải quan trên, liên quan đến vụ án mà cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã khởi tố cách đây gần 7 tháng. Trước đó, bị can Trương Huy Liệu, SN 1958, trú tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị là Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Ngọc Hưng (Công ty Ngọc Hưng), có trụ sở tại tỉnh Quảng Trị và Trần Thị Dung, SN 1961, cùng trú tại địa chỉ trên, là Giám đốc Công ty Ngọc Hưng đã bị khởi tố điều tra về hành vi buôn lậu hơn 500m3 gỗ, trị giá hàng chục tỷ đồng.

Theo diễn biến vụ việc, tháng 12-2011, Công ty Ngọc Hưng làm thủ tục sản xuất kinh doanh lô hàng gỗ trắc theo tờ khai hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cửa Việt. Theo khai báo, hàng có nguồn gốc nhập từ Lào qua cửa khẩu Lao Bảo, với tổng cộng gần 536m3 gỗ các loại. Vụ việc sẽ trôi chảy nếu không có sự kiện lái xe tham gia vận chuyển lô hàng này tới cảng Tiên Sa, Đà Nẵng để xuất khẩu đã đỗ xe sai quy định. Công an quận Ngũ Hành Sơn đã kiểm tra hàng và phát hiện có nhiều mâu thuẫn trong hồ sơ hàng hóa. Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng đã quyết định khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính, nhưng do kiểm đếm sơ sài nên không phát hiện vi phạm. Vì vậy, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan đã kiểm tra 100% lô hàng trên, phát hiện chủ hàng đã khai không đúng với thực tế nên đã khởi tố vụ án, chuyển hồ sơ sang cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an giải quyết theo thẩm quyền.

Được sự phối hợp của cơ quan chức năng, cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã giám định lô gỗ xuất khẩu của Công ty Ngọc Hưng, kết quả cho thấy, doanh nghiệp này không khai so với thực tế gần 79m3 gỗ; khai sai chủng loại số lượng gỗ trắc tròn tận dụng gốc, cành, ngọn khống so với thực tế hơn 170m3; đặc biệt, có gần 24m3 gỗ giáng hương không được khai báo... Nguồn gốc hàng hóa cũng không đúng như tờ khai hải quan của Công ty Ngọc Hưng.

Để "lọt lưới" số gỗ nhập lậu trên có liên quan đến trách nhiệm của bị can Đỗ Lý Nhi và Lê Xuân Thành, công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cửa Việt. Khi được giao nhiệm vụ kiểm tra, làm thủ tục hải quan cho lô hàng gỗ xuất khẩu của Công ty Ngọc Hưng, hai cán bộ của ngành Hải quan đã không tuân theo quy định kiểm tra. Theo quy định tại Điều 16, Luật Hải quan thì phải đưa toàn bộ 22 công-te-nơ chứa gỗ đến Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cửa Việt để kiểm tra. Nhưng chỉ trong 3 tiếng đồng hồ (từ 8 giờ đến 11 giờ, ngày 20-12-2011) có 4 công-te-nơ có mặt tại cảng, 7 xe chiều ngày 20-12-2011 mới xuống cảng và 11 xe hoàn toàn không xuống cảng. Hai cán bộ Nhi và Thành không ghi rõ số hiệu công-te-nơ đã kiểm tra, số niêm phong của các công-te-nơ đó. Trên tờ khai hải quan có 3 mặt hàng gỗ trắc, nhưng cán bộ kiểm tra chỉ kiểm tra một mặt hàng gỗ trắc xẻ mà không kiểm tra 2 mặt hàng gỗ trắc còn lại. Kiểm tra sơ sài như vậy, nhưng lại kết luận lô hàng có khối lượng, mã số, xuất xứ đúng với tờ khai hải quan. Từ đó làm thủ tục cho 22 xe công-te-nơ thông quan là trái với quy định... Từ việc làm tắc trách nêu trên đã không phát hiện được 27 kiện hàng gồm 867 sản phẩm gỗ trắc; 23,8m3 gỗ giáng hương; 224,9m3 gỗ trắc xẻ, gây thất thu cho Nhà nước hơn 3 tỷ đồng tiền thuế.

Liên quan đến vụ việc này còn có Đỗ Danh Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng. Sau khi Công an quận Ngũ Hành Sơn phát hiện công-te-nơ chở gỗ của Công ty Ngọc Hưng có dấu hiệu vi phạm, Cục Hải quan TP Đà Nẵng đã giao cho Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng phối hợp với Phòng Chống buôn lậu xử lý vi phạm, Phòng Giám sát quản lý, Cục Hải quan thành phố kiểm tra theo thủ tục hành chính đối với lô hàng có vi phạm. Đỗ Danh Thắng với chức trách nhiệm vụ của mình đã ra quyết định khám hàng hóa bằng cách lựa chọn ngẫu nhiên một công-te-nơ trong số 22 công-te-nơ có nghi vấn thuộc lô hàng xuất khẩu theo tờ khai hải quan số 849/XK/KD/C32D ngày 19-12-2011.

Quá trình kiểm tra đã đối chiếu được 57 thanh gỗ xẻ nhìn thấy và đếm được trong công-te-nơ. Số gỗ còn lại nằm ở phía dưới, chưa thể kiểm tra đối chiếu được do trời tối. Tổ khám xét đã tạm dừng việc kiểm tra, lập biên bản khám xét và đề xuất cho kết thúc việc khám xét, xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chi cục. Sau khi nhận được biên bản đề xuất của tổ khám xét, Đỗ Danh Thắng không có chỉ đạo gì thêm, đã bút phê vào tờ trình xin thông quan của Công ty Ngọc Hưng, cho phép 21 công-te-nơ được làm thủ tục xếp lên tàu xuất cảnh; riêng 1 công-te-nơ bị Công an quận Ngũ Hành Sơn phát hiện nghi vấn thì để lại cảng Tiên Sa chờ giải quyết. Đồng thời, ông Thắng đã ký công văn gửi Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cửa Việt thông báo đã làm thủ tục xuất khẩu chuyển cửa khẩu theo quy định đối với 21 công-te-nơ... Căn cứ vào bút phê và công văn nêu trên, đã có 14/21 công-te-nơ được xếp xuống tàu đi Hồng Công. Vụ việc sẽ chìm xuống nếu như Tổng cục Hải quan không kịp thời chỉ đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng dừng việc bốc xếp, dỡ các công-te-nơ đã xếp lên tàu xuống bãi cảng Tiên Sa chờ xử lý.

Việc làm của ông Đỗ Danh Thắng đã không thực hiện đúng các quy định của Tổng cục Hải quan về trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp khám xét theo thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan. Đặc biệt, ông Thắng đã không chỉ đạo cho tiếp tục việc khám số gỗ còn lại trong công-te-nơ, không báo cáo Cục Hải quan thành phố Đà Nẵng và Cục Điều tra chống buôn lậu về kết quả cũng như lý do không tiếp tục khám xét, mà giải quyết cho làm thủ tục xếp lên tàu để xuất cảnh 21 công-te-nơ gỗ. Việc làm này dẫn đến không phát hiện được hơn 5,2m3 gỗ giáng hương xẻ trong công-te-nơ số YMLU 4744719 mà Công ty Ngọc Hưng không khai báo. Hành vi thiếu trách nhiệm trên đã làm thiệt hại hơn 5.000 USD chi phí bốc lên, dỡ xuống 14 công-te-nơ, chi phí lưu bãi và niêm phong kẹp chì. Ngoài ra, còn gây thất thoát hơn 2,5 tỷ đồng chênh lệch giữa số thuế xuất khẩu phải nộp với số thuế xuất khẩu doanh nghiệp tự khai.

Quang Khánh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/3-cong-chuc-hai-quan-bi-khoi-to/