3 chức danh lãnh đạo chủ chốt được giới thiệu với phiếu tập trung cao

Trung ương bỏ phiếu giới thiệu nhân sự ứng cử 3 chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội với số phiếu tập trung cao.

Sau hơn một ngày làm việc, Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra và bế mạc vào sáng 9/3.

Hội nghị thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến vào các tờ trình, báo cáo và các nội dung. Bộ Chính trị đã tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng và giải trình những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Ban Chấp hành Trung ương thống nhất cao thông qua nghị quyết của hội nghị.

Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã làm rõ thêm một số vấn đề để thống nhất trong tổ chức, chỉ đạo thực hiện liên quan đến chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII và về việc giới thiệu nhân sự lãnh đạo cấp cao của các cơ quan Nhà nước.

Tổng bí thư cho biết tại hội nghị này, Bộ Chính trị đã báo cáo Ban Chấp hành Trung ương những công việc quan trọng mà Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương lần thứ nhất.

Nhất trí kiện toàn các chức danh lãnh đạo sớm

Đề cập tới nội dung về việc giới thiệu nhân sự lãnh đạo cấp cao của các cơ quan Nhà nước, trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 2, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết trên cơ sở quán triệt và thực hiện nhất quán phương hướng công tác nhân sự do Đại hội XII của Đảng thông qua; căn cứ vào thực tế đội ngũ cán bộ hiện có, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận, xem xét kỹ lưỡng, lựa chọn phương án hợp lý nhất trong điều kiện có thể và đạt được sự nhất trí rất cao.

 Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết Trung ương nhất trí kiện toàn các chức danh lãnh đạo các cơ quan Nhà nước tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Đoàn Bắc.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết Trung ương nhất trí kiện toàn các chức danh lãnh đạo các cơ quan Nhà nước tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Đoàn Bắc.

Ban Chấp hành Trung ương khẳng định cần sớm kiện toàn, sắp xếp lại các chức danh lãnh đạo cơ quan Nhà nước một cách đồng bộ, đáp ứng kịp thời yêu cầu triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Đồng thời, Trung ương nhất trí cho thực hiện việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo các cơ quan Nhà nước tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Tại hội nghị lần này, theo Quy chế làm việc, Trung ương đã bỏ phiếu giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội - là những chức danh lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước - với số phiếu tập trung cao.

Bộ Chính trị đã báo cáo xin ý kiến Trung ương trước khi chính thức giới thiệu nhân sự đối với các chức danh khác để Quốc hội xem xét, bầu hoặc phê chuẩn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Căn cứ kết quả biểu quyết và giới thiệu nhân sự của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp thu ý kiến, hoàn chỉnh phương án giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh lãnh đạo các cơ quan Nhà nước để chuẩn bị trình Quốc hội, vừa bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý cán bộ trong hệ thống chính trị, vừa đúng với các quy định của Hiến pháp và pháp luật về tổ chức của các cơ quan Nhà nước.

“Đây là một bước quan trọng trong việc bố trí, sắp xếp, kiện toàn đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị trong nhiệm kỳ này và cho chúng ta thêm kinh nghiệm để tiến hành các bước tiếp theo”, Tổng bí thư nhấn mạnh.

Tiếp tục kiện toàn lãnh đạo các cơ quan Trung ương

Đề cập tới nội dung về chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Tổng bí thư lưu ý cần bám sát Nghị quyết và các văn kiện của Đại hội XIII, tập trung cụ thể hóa và chỉ đạo thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm, những vấn đề thực tiễn bức thiết đặt ra, những khó khăn cần tháo gỡ, giải quyết. Đặc biệt là các vấn đề về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về xây dựng Đảng, giữ vững bản chất cách mạng trong sáng của Đảng; xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh; làm tốt công tác cán bộ, nhất là ở cấp chiến lược; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Song song với đó là việc đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế...

Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII trong phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 2. Ảnh: Đoàn Bắc.

Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, tùy tình hình cụ thể, Tổng bí thư cho rằng Bộ Chính trị cần xem xét, cân nhắc để kịp thời có những bổ sung, điều chỉnh phù hợp. Đối với những vấn đề lớn, quan trọng đã được xác định rõ về chủ trương, định hướng chính sách trong Văn kiện Đại hội XIII và các nghị quyết của các khóa trước vẫn còn giá trị, hiệu lực thì tiếp tục chỉ đạo thực hiện hoặc định kỳ sơ kết, tổng kết, ban hành kết luận.

Theo người đứng đầu Đảng, Nhà nước, không nhất thiết phải ban hành nhiều nghị quyết. “Nghị quyết phải bảo đảm ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, nội dung thiết thực, có giải pháp khả thi và xác định thời gian, lộ trình thực hiện”, ông nhấn mạnh.

Sau hội nghị này, Tổng bí thư cho biết Bộ Chính trị sẽ chỉ đạo khẩn trương nghiên cứu, xây dựng kế hoạch triển khai một cách nghiêm túc; phân công rõ ràng các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm chuẩn bị các đề án cụ thể.

Sau hội nghị, theo Tổng bí thư, cùng với việc lãnh đạo thực hiện tốt công tác nhân sự cấp cao tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, chúng ta sẽ tiếp tục kiện toàn lãnh đạo các cơ quan của Trung ương Đảng, các ban cán sự đảng và đảng đoàn ở những nơi có sự thay đổi nhân sự, bảo đảm sự thông suốt, liên tục trong các hoạt động của toàn hệ thống chính trị.

Hoài Thu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhan-su-ung-cu-chu-tich-nuoc-thu-tuong-co-so-phieu-tap-trung-cao-post1190992.html