3 bệnh nhân bị ngộ độc thuốc bắc

Do bị viêm khớp, 3 bệnh nhân đều tìm đến một phòng chẩn trị đông y để khám và bốc thuốc về uống. Và cả 3 đều phải lần lượt nhập viện cấp cứu, trong đó có 2 trường hợp nguy kịch.

Ngày 7.7, Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng có văn bản báo cáo Sở Y tế về trường hợp bị ngộ độc thuốc bắc. Theo lời khai của bệnh nhân Đỗ Thị Êm (69 tuổi, trú tại Trại Mát, P.11, TP Đà Lạt) và gia đình thì do bị viêm đa khớp, bà Êm đã mua thuốc tại phòng khám đông y Vượng Phát (20 Hải Thượng, Đà Lạt) về uống. Sau khi uống khoảng 2 giờ, bệnh nhân bị đau tức thượng vị, nôn ói liên tục, tê môi, tay, chân nên đã nhập viện (lúc 9 giờ, ngày 4.7). Các bác sĩ chẩn đoán bà bị ngộ độc thuốc bắc, và sau 3 ngày điều trị đã xuất viện.

Phòng chẩn trị đông y Trung Quốc Vượng Phát do bà Trần Thị Hiên, 60 tuổi, ngụ quận Cầu Giấy, Hà Nội - bác sĩ chuyên khoa 2 Y học cổ truyền (đã nghỉ hưu) làm chủ, được Sở Y tế Lâm Đồng cấp phép hoạt động ngày 3.12.2007. Phòng chẩn trị này có hợp đồng với bác sĩ Trịnh Bảo Tân (68 tuổi, ngụ Quảng Tây, Trung Quốc) khám bệnh. Ông Tân cũng được Bộ Y tế cho phép hành nghề ở Việt Nam.

Trước đó, Bệnh viện Lâm Đồng cũng có văn bản báo cáo Sở Y tế về 2 trường hợp khác nguy kịch hơn. Bà Huỳnh Thị Tiếng, 75 tuổi (ngụ tại thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh, H.Đức Trọng) sau 7 ngày nhập viện cấp cứu hiện vẫn chưa đi lại được. Theo kết quả làm việc giữa Thanh tra Sở Y tế với đại diện gia đình bà Tiếng thì ngày 19.6, bà có đến phòng khám đông y Vượng Phát để khám và bốc thuốc. Phòng khám bốc 5 thang thuốc (80 ngàn đồng/thang) và bán cho 5 viên thuốc nhộng màu xanh; 10 viên nhộng đầu màu vàng và đỏ; 10 gói thuốc viên màu đỏ - tất cả thuốc viên không có nhãn hiệu. Đến ngày 25.6, bệnh nhân tái khám, phòng khám cho 5 thang thuốc và 10 viên nhộng màu xanh; 10 viên nhộng vàng đỏ; 5 gói viên màu đen - các thuốc viên cũng không có nhãn hiệu. Ngày 30.6, bệnh nhân tái khám, phòng khám bốc 5 gói thuốc thang.

Qua các đợt dùng thuốc, bệnh nhân có dấu hiệu ngủ nhiều, lừ đừ. Đợt thuốc ngày 30.6, thang đầu tiên được sắc và bệnh nhân uống chén thuốc đầu tiên sau 5 phút thì bị hoa mắt, chóng mặt, co cứng lưỡi, co giật chân tay, mệt lả người. Gia đình có đưa đến phòng khám nhưng ở đây không xử lý gì, nên phải đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Lâm Đồng và nằm điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu trong tình trạng ói mửa, tiêu chảy, hôn mê, rối loạn tim mạch. Anh Đỗ Thành Hiếu (30 tuổi, cháu ruột bà Tiếng) bức xúc: "Sau khi uống thuốc, mặt bà đỏ lên và bà bảo đưa lên phòng khám để đổi thuốc. Bà yếu dần, đồng tử giãn và lạnh. Vậy mà họ khám nói là trúng gió, rồi nói do bà không ăn sáng nên bị sốc thuốc, tôi mang sữa lên nhưng bà không uống được, mắt trắng ra, nhưng họ vẫn khẳng định là do không ăn đủ và hối thúc đưa về nhà. Khi đưa bà về đến nhà con gái (ở đường Hai Bà Trưng, Đà Lạt), cách phòng khám chỉ 700 - 800m thì bà suy hô hấp, đại tiện trong quần, ói mửa nên tôi hoảng hốt đưa bà vào bệnh viện cấp cứu".

Trước bà Tiếng một ngày, bà Võ Thị Lệ Hằng (52 tuổi, ở số 5 Khe Sanh, P.10, Đà Lạt), cũng nhập viện cấp cứu trong tình trạng mệt, da tái, mạch quay nhẹ, huyết áp kẹp, nôn ói, loạn nhịp tim... Và theo người nhà bà Hằng, do đau nhức chân tay, ngày 29.6, bà đến phòng khám đông y Vượng Phát để khám và mua thuốc, gồm: 2 gói thuốc thang, 25 viên thuốc màu vàng, 3 gói thuốc viên màu đen, 3 gói thuốc viên màu đỏ (mỗi gói khoảng 100 viên) - các thuốc viên không có nhãn hiệu. Trưa cùng ngày, sau khi ăn cơm thì bà Hằng uống 5 viên màu vàng và 1 chén thuốc sắc, nhưng sau 2 phút cảm giác co rút tay chân, lưỡi, mệt, hồi hộp, chóng mặt, tiêu chảy, ói. Chừng 15 phút sau gia đình phải đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Bác sĩ Nguyễn Bá Hy, Giám đốc Bệnh viện Lâm Đồng cho biết: "Khi có vấn đề với thuốc bắc rất khó xử lý, vì không biết loại gì, chỉ chữa triệu chứng, thải độc và hồi sức cấp cứu. Lần đầu tiên bệnh viện gặp những trường hợp như vậy, ngộ độc dạng này hơi nguy hiểm, cả 3 trường hợp liên tục nên là vấn đề đáng báo động. Bệnh viện đã báo cáo Sở Y tế, kiến nghị kiểm tra việc hành nghề, thuốc và nguồn gốc thuốc, kiểm nghiệm thuốc có đúng chất lượng không".

Ông Võ Đông Phương, Chánh thanh tra Sở Y tế Lâm Đồng cho hay: "Từ ngày 29.6 - 4.7, chủ phòng khám này không có mặt tại Đà Lạt, về mặt hành chính thì họ vẫn đảm bảo đúng thủ tục cho phòng khám hoạt động, nhưng thực tế vẫn có những sai phạm. Thanh tra Sở đã đình chỉ, tạm thời ngưng hoạt động của phòng khám đông y Vượng Phát để chờ làm rõ sự việc, mức độ đúng sai. Thanh tra Sở cũng đề nghị phòng khám phải có trách nhiệm với những người bị ngộ độc; đồng thời cũng đã lấy mẫu thuốc của hai bệnh nhân Võ Thị Lệ Hằng và Đỗ Thị Êm niêm phong, chờ xử lý".

G.B

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/3-benh-nhan-bi-ngo-doc-thuoc-bac-182569.html