'3 bám, 4 cùng' để giúp dân hiệu quả

Huyện vùng cao A Lưới (Thừa Thiên-Huế) một thời từng trống vắng bởi cái nghèo, cái đói và hậu quả nặng nề của chiến tranh, nhưng những năm qua, vùng đất này sôi động nhịp sống mới. Thành quả đó là nhờ sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, sự cố gắng của bà con các dân tộc và sự 'tiếp sức' của cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện A Lưới...

Cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện A Lưới giúp bà con xã A Đớt làm nhà mới.

Cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện A Lưới giúp bà con xã A Đớt làm nhà mới.

Ngày khánh thành đường điện tại xã Hồng Trung, bà con ai cũng phấn khởi bởi giờ đây đêm về đã có điện thắp sáng, xem ti vi, dùng quạt máy... Để có được niềm vui này, Ban CHQS huyện A Lưới và Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên-Huế đã hỗ trợ hàng trăm triệu đồng và huy động hàng nghìn ngày công lao động. Vui mừng trước sự đổi thay của quê hương, già làng Hồ Thanh Phiên bộc bạch: “Ngày trước, đồng bào Pa Kô ta chỉ biết đốt nương làm rẫy, quen sống du canh, du cư, đời sống bấp bênh lắm. Từ ngày có bộ đội về bản, mọi thứ đã đổi thay nhiều...”.

Thượng tá Nguyễn Văn Tân, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện A Lưới kể: “Những ngày đầu chúng tôi hành quân lên đây, đời sống bà con còn nhiều khó khăn lắm. Hồi đó, địa bàn 5 xã: A Đớt, A Roàng, Đông Sơn, Hương Lâm và Hương Phong (thuộc huyện A Lưới) cơ sở vật chất thiếu thốn, trình độ dân trí thấp, còn tồn tại nhiều tập tục lạc hậu. Đất đai trong vùng bạc màu, khí hậu khắc nghiệt. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 89%, tỷ lệ hộ nghèo hơn 30%, số hộ cận nghèo 14,78%. Những ngày đầu về vận động bà con, tình hình ở đây hết sức khó khăn. Địa bàn rộng, đời sống nhân dân còn bấp bênh, tình hình tranh chấp đất đai, khiếu kiện kéo dài, an ninh nông thôn diễn biến phức tạp, khiến việc triển khai nhiệm vụ quốc phòng địa phương gặp nhiều trở ngại. Với phương châm “giữ dân, giữ đất, giữ bản làng”, đơn vị vừa lo ổn định nơi ăn ở, vừa triển khai nhiệm vụ quốc phòng. Bộ đội đến tận các bản làng xa xôi hẻo lánh giúp bà con các xã A Đớt, A Roàng, Đông Sơn... định canh, định cư; hỗ trợ hàng chục triệu đồng mua lương thực, thực phẩm cứu đói đồng bào. Ban CHQS huyện còn cử cán bộ, chiến sĩ đến từng nhà giúp dân thu hoạch vụ mùa, hướng dẫn bà con trồng cây công nghiệp, canh tác lúa nước hai vụ"…

Theo Thượng tá Hồ Văn Hóa, Chính trị viên Ban CHQS huyện A Lưới, với phương châm “gần dân, hiểu dân, học dân”; thực hiện “3 bám, 4 cùng” (bám địa bàn, bám dân, bám chủ trương, chính sách và cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào) và “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, ban CHQS huyện nhận đỡ đầu các gia đình đặc biệt khó khăn, kết nghĩa với 27 hộ nghèo. Hằng năm, đơn vị cùng với các cơ quan, đơn vị thuộc bộ CHQS tỉnh trích hàng trăm triệu đồng mua gạo, quà hỗ trợ các gia đình chính sách, hộ nghèo; khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hơn 900 lượt người dân... Thực hiện mô hình “liên vườn, liên cây, liên con, liên chuồng”, đơn vị đã hỗ trợ, giúp đỡ hàng trăm hộ dân nuôi hơn 2.000 con gà thả vườn; trồng hơn 3.000 gốc chuối, tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao cho thu nhập ổn định, từng bước giúp dân xóa đói, giảm nghèo. Ban CHQS huyện còn tích cực kêu gọi các mạnh thường quân, nhà hảo tâm, các cơ quan, đơn vị hỗ trợ kinh phí để xây dựng 10 ngôi nhà tình thương tặng các hộ nghèo, trị giá mỗi căn nhà hơn 70 triệu đồng.

Với quan điểm “bám dân để làm dân vận”, trong những năm qua, Ban CHQS huyện A Lưới thường xuyên coi trọng công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các xã biên giới nắm vững và thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời vạch rõ âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch, phản động hòng chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân. Để nâng cao ý thức, trách nhiệm trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, ban CHQS huyện sát cánh cùng địa phương xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, những vướng mắc trong nhân dân. Nhờ vậy, trên địa bàn không xảy ra “điểm nóng”, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; tình cảm quân dân ngày thêm bền chặt.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Thị Sửu, Bí thư Huyện ủy A Lưới khẳng định: “Nhờ sự hướng dẫn, giúp đỡ của Bộ đội Cụ Hồ nên nhân dân các xã vùng biên yên tâm phát triển kinh tế, trồng cây lúa nước, chăm sóc vườn, rừng. Trước đây nhiều vùng bà con thiếu ăn, chủ yếu trông chờ vào trợ cấp của Nhà nước, bây giờ địa phương đã tự bảo đảm đủ lương thực, trình độ dân trí, đời sống tinh thần từng bước nâng lên… Bà con đồng bào A Lưới được đổi đời như hôm nay có công lớn của cán bộ, chiến sĩ ban CHQS huyện”.

Bài và ảnh: TÙNG LÂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/que-huong/3-bam-4-cung-de-giup-dan-hieu-qua-581277