3/4 dự án giao thông trọng điểm ở TPHCM bị vướng giải phóng mặt bằng

Giải phóng mặt bằng vẫn là khâu làm chậm dự án, công trình giao thông trên địa bàn TPHCM.

Giải phóng mặt bằng vẫn là khâu làm chậm dự án, công trình giao thông trên địa bàn TPHCM. Vì thế, TP cần điều hành quyết liệt và hiệu quả hơn, huy động nguồn lực và phân bổ một cách khoa học, chặt chẽ. Đó là nội dung mà thường trực HĐND TPHCM đề nghị tại buổi giám sát về tiến độ và hiệu quả triển khai các dự án giao thông trọng điểm vừa diễn ra.

Dự án chậm tiến độ vì giải phóng mặt bằng

Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM Trần Quang Lâm cho biết, giai đoạn 2016 – 2020, thành phố đã hoàn thành nhiều công trình trọng điểm như: Đường Phạm Văn Đồng, nút giao thông Đại học Quốc gia, các cầu vượt kết nối đường Võ Văn Kiệt,… qua đó góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông tại nhiều khu vực, kéo giảm tai nạn giao thông qua từng năm, khai thác hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông hiện hữu…

Dự án đường vành đai 2 bị chậm do giải phóng mặt bằng.

Dự án đường vành đai 2 bị chậm do giải phóng mặt bằng.

Tuy nhiên, ông Trần Quang Lâm cũng thừa nhận khả năng huy động và sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển giao thông hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án hầu hết đều chậm.

Khảo sát thực tế trong thời gian qua về vấn đề hạ tầng giao thông, các đại biểu HĐND TPHCM cho rằng, khó khăn lớn nhất có thể thấy là bồi thường giải phóng mặt bằng. Theo ông Nguyễn Tấn Tuyến, Phó Ban đô thị, HĐND TPHCM thì nguyên nhân do cứng nhắc trong áp dụng giá bồi thường, không theo kịp giá thị trường khiến cho người dân không đồng thuận và khiến nhiều dự án kéo dài, có dự án kéo dài đến 20 năm. Vì thế, các cấp, ngành liên quan cần phải có sự phối hợp để tránh lãng phí nguồn vốn: "Vướng lớn nhất của các công trình là về bồi thường giải phóng mặt bằng, phần lớn các công trình đều giao về quận huyện chịu trách nhiệm. Công trình kéo dài nhiều năm thì phải áp dụng nhiều chính sách về giá trong nhiều thời kỳ nên trở ngại lớn, có khi kéo dài đến 20 năm".

Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm.

Ông Lương Minh Phúc, Trưởng ban Quản lý Đầu tư Xây dựng công trình giao thông đô thị TPHCM cho biết, trong 75 dự án Ban đang quản lý thì có 28 dự án đang đợi mặt bằng, 29 dự án đang thi công nhưng vẫn còn vướng mặt bằng, chiếm đến 75% tổng số dự án. Đây là tồn tại có từ rất lâu và Ban đã chọn các dự án cấp bách để báo cáo lãnh đạo thành phố để tìm cách tháo gỡ.

Theo ông Lương Minh Phúc, để gỡ vướng thì rất cần vai trò của người đứng đầu quận, huyện: "Có nghịch lý là công tác đền bù chờ đến 1, 2 năm nhưng thời gian có mặt bằng thi công thì rất ngắn. Ví dụ đường Hoàng Hoa Thám chờ mặt bằng 2 năm nhưng thi công 6 tháng. Ban Giao thông khẳng định sẽ kiểm soát và đảm bảo thời gian thực hiện. Kiến nghị là phải nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu địa phương và xem đây là nhiệm vụ chính trị trong công tác sắp tới để đẩy nhanh tiến độ các công trình".

Tập trung tháo gỡ "nút thắt" giao thông

Giải trình một số vấn đề, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, thành phố rất chú trọng đến phát triển giao thông khi đã dành đến 37,5% tổng vốn đầu công giai đoạn 2016 – 2020 để phát triển hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, nguồn vốn cho giao thông vẫn rất thiếu nên phải dồn sức để phát triển các công trình trọng điểm, không làm nhiều đường lớn mà chủ yếu tập trung giải quyết những nút thắt, như: Sân bay, cảng biển, trục đường kết nối giao thông TPHCM với các tỉnh xung quanh như dự án hầm chui An Sương, nút giao An Phú, Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ…

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan.

Trong quản lý, TPHCM liên tục kiểm tra giám sát tiến độ thực hiện để kịp thời giải quyết khó khăn vướng mắc, tăng cường phân cấp phân quyền cho địa phương chủ động. TP cũng đang tìm giải pháp để gỡ vướng trong bồi thường giải phóng mặt bằng, thí điểm quy trình 2 trong 1 mà Chính phủ đã cho phép…

HĐND TP đi giám sát ở nút giao Mỹ Thủy.

Ông Võ Văn Hoan cho rằng, trong bối cảnh mà TPHCM đang rất thiếu nguồn vốn và theo Luật Đầu tư công mới thì vốn đầu tư dự án cũ chỉ được bố trí lại tối đa 20% nên sẽ có những tình huống khác nhau, do đó lãnh đạo TP đang tìm cách giải quyết: "Như vậy sẽ dẫn đến 2 tình huống là dự án cũ không thể triển khai vì không có vốn. Thứ hai dự án mới sẽ không có cơ sở lập dự án đầu tư mới trong 5 năm tới. UBND TP sẽ báo cáo Thường trực Thành ủy, HĐND để xin chủ trương để cắt giảm một số dự án, bên cạnh đó xác định lại các tiêu chí ưu tiên, tập trung đầu tư. Mặt khác, kiến nghị Trung ương xem lại quy định này"./.

Hà Khánh/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/tin-24h/34-du-an-giao-thong-trong-diem-o-tphcm-bi-vuong-giai-phong-mat-bang-1061096.vov