3.000 nhà nghiên cứu/20 công trình khoa học: Câu chuyện buồn!

Nhiều chuyên gia đầu ngành cho rằng, các địa phương không nên tiếp tục chạy theo phong trào nghiên cứu khoa học.

Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 3.116 cán bộ tham gia nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (KH-CN). Năm 2019 tỉnh đầu tư từ ngân sách nhà nước cho KH-CN gần 141 tỷ đồng, song chỉ có 19 công trình khoa học công bố trong nước và có 1 công trình khoa học (bài viết hội thảo) công bố quốc tế.

Quá lãng phí

Trao đổi với Đất Việt về thông tin trên, GS.TSKH Trần Duy Quý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hợp tác khoa học kỹ thuật châu Á - Thái Bình Dương nói thẳng, với số lượng cán bộ tham gia nghiên cứu KH-CN hùng hậu như tỉnh Thanh Hóa mà chỉ cho ra được 20 công trình khoa học là một tỷ lệ quá thấp.

"3.116 cán bộ tham gia nghiên cứu KH-CN, được đầu tư một số tiền không hề nhỏ, thế nhưng kết quả thu về chưa tương xứng. Mặt khác, những công trình khoa học được công bố có ứng dụng được vào thực tiễn, mang lại hiệu quả thiết thực cho phát triển kinh tế của tỉnh hay không lại là một câu chuyện khác nữa.

Do đó, tỉnh Thanh Hóa cần phải xem xét lại tính hiệu quả của việc nghiên cứu hoa học của địa phương.

Thông thường, nhóm nghiên cứu của chúng tôi chỉ cần khoảng 300 - 500 triệu là có thể nghiên cứu thành công một công trình khoa học, thậm chí là nghiên cứu ra giống mới (trong lĩnh vực nông nghiệp), mang lại hiệu quả kinh tế cao", ông Quý chia sẻ.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo GS.TSKH Trần Duy Quý có một số nguyên nhân khiến tỷ lệ công trình khoa học công bố/số lượng người tham gia nghiên cứu khoa học rất thấp.

Thứ nhất, do địa phương lựa chọn những đề tài nghiên cứu chưa phù hợp với thực tế và thực tiễn. Điều này dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải, gây lãng phí nguồn lực mà không mang lại hiệu quả.

Thứ hai, năng lực của những người tham gia nghiên cứu khoa học còn hạn chế. Nói thẳng ra, việc đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ta còn quá nhiều bất cập. Chính vì đào tạo không đến nơi đến chốn dẫn tới năng lực của người tham gia nghiên cứu khoa học không cao, tỷ lệ thành công của đề tài nghiên cứu bị ảnh hưởng.

Khi nghiên cứu là "tay ngang"

Cùng đưa ra ý kiến về vấn đề này, GS.TSKH Phạm Phố, nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn cho rằng, nghiên cứu khoa học là một công việc đòi hỏi người tham gia nghiên cứu phải có trình độ, sự kiên nhẫn và chăm chỉ.

Thông thường, việc nghiên cứu khoa học phần lớn được tiến hành ở các trường đại học, các viện nghiên cứu, nơi tập trung những chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực. Do vậy, các đề tài nghiên cứu có tính chuyên môn rất sâu, từ đó mới có thể tìm ra được những vấn đề mới, giải được những bài toán khó.

"Trở lại với câu chuyện nghiên cứu khoa học tại các địa phương, phần lớn người tham gia nghiên cứu theo dạng "tay ngang". Vì vậy, họ không có điều kiện để nghiên cứu sâu, mà không có điều kiện nghiên cứu sâu thì khó có thể tìm ra được cái mới.

Hiện nay, phong trào nghiên cứu khoa học tại các địa phương đang phát triển mạnh, tuy nhiên đây là công việc không phải ai cũng có thể làm được. Rõ ràng là số lượng cán bộ tham gia nghiên cứu đông đảo đấy, nhưng không có trình độ thì đâu có thể làm được gì.

Vấn đề thứ hai cần phải lưu ý, đó là số tiền chi cho nghiên cứu khoa học không chỉ dành riêng cho nghiên cứu khoa học. Số tiền này còn phải chi cho những người quản lý, cơ quan quản lý và nhiều vấn đề khác...

Chính vì những bất cập nói trên dẫn đề việc nghiên cứu khoa học tại các địa phương không hiệu quả, chi nhiều nhưng kết quả thu về chẳng được bao nhiêu, lãng phí nguồn lực của nhà nước", ông Phố nêu quan điểm.

Từ thực tế trên, GS.TSKH Phạm Phố cho rằng, các địa phương không nên tiếp tục chạy theo phong trào nghiên cứu khoa học. Vấn đề nghiên cứu khoa học nên giao cho các trường đại học, các viện nghiên cứu - nơi tập trung các chuyên gia đầu ngành thực hiện.

Đồng tình với quan điểm của ông Phố, GS.TSKH Trần Duy Quý cho rằng, việc nghiên cứu khoa học chỉ nên tập trung vào các cơ quan nghiên cứu và thành phố lớn, các địa phương chỉ phối hợp để thực hiện các đề tài.

"Đầu tư cho nghiên cứu khoa học chỉ nên đầu tư một cách tập trung thì mới có thể mang lại hiệu quả. Không thể phủ nhận có một vài địa phương cũng đạt được những thành tựu đáng kể trong công tác nghiên cứu. Tuy nhiên phần lớn công tác nghiên cứu khoa học tại các địa phương chỉ để giải quyết vấn đề "công ăn việc làm" thôi", ông Quý nói thẳng.

Hoàng Hải

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/su-kien/3000-nha-nghien-cuu20-cong-trinh-khoa-hoc-cau-chuyen-buon-3394088/