3.000 người ở rốn lũ Chương Mỹ sống như thế nào?

3000 người dân của xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đã phải sống như thế nào trong đợt ngập lụt tồi tệ kéo dài suốt hơn 10 ngày qua?

Clip: Cuộc sống ở "rốn lũ" Chương Mỹ

Đứng nấu ăn giữa “biển nước”, nhiều người chỉ ăn mì tôm qua bữa trong những ngày qua

Kể từ đợt mưa lớn kéo dài từ đêm 21/7 cho đến nay, người dân ở các thôn Nam Hài, Nhân Lý, Hạnh Bồ… của xã Nam Phương Tiến chịu chung cảnh làng biến thành sông. Theo lãnh đạo xã Nam Phương Tiến, toàn xã có 400 ha đất bị ngập, 830 hộ dân bị cô lập và gần 650 hộ ngập sâu trong nước với hơn 3.000 người bị ảnh hưởng.

Nước ngập sâu khiến cuộc sống của người dân đảo lộn. Có mặt tại vùng “rốn lũ” Thủ đô này, chúng tôi ghi nhận cảnh người người dò dẫm trong dòng nước bẩn, rác thải lềnh bềnh để đưa người già, trẻ em cùng đồ đạc, vật nuôi ra ngoài.

Nước ngập sâu, thuyền là phương tiện chủ yếu để di chuyển trong làng

Thiếu nước sạch sinh hoạt, mỗi hộ dân được xã cấp cho một vài bình nước lọc để dùng hết sức tiết kiệm. Điện bị mất, mọi người chỉ dùng điện thoại vào việc nghe gọi cần thiết. Người dân nơi đây lo lắng tình trạng ngập lụt kéo dài sẽ khiến dịch tiêu chảy, bệnh ngoài da bùng phát.

Trong ngày 30/7, các hộ dân đang phải gồng mình chạy lụt khi nước sông Bùi tràn qua đê vào làng. Hơn 100 cán bộ, chiến sĩ của Trường Sĩ quan Đặc công có mặt tại đây giúp dân chạy lụt.

Theo người dân địa phương, đợt lụt kỷ lục được ghi nhận là năm 1971. Tháng 10/2017, đê sông Bùi bị vỡ sau đợt mưa lớn khiến xã Nam Phương Tiến ngập sâu kéo dài cả tháng. Năm 2008, đê này cũng từng vỡ hai điểm, nước tràn vào khu dân cư 45 ngày sau mới rút.

Nhiều người già ở lại làng sống chung với lụt

Anh Doãn Tiến Kính chèo thuyền chở vợ và con 10 tháng rời làng Nam Hài sơ tán đi nơi khác

Do nhu cầu dùng thuyền tăng cao nên một hộ dân ngay đầu cầu Cốc bắc qua sông Bùi bán thuyền tôn, giá dao động từ 600.000-800.000 đồng/chiếc

Gia đình bà Nguyễn Thị Tám ở thôn Nam Hài dựng giá để kê đồ mây tre đan tránh bị ướt

Một số sản phẩm không chạy kịp đã bị ngập nước

Người thân của nhà bà Tám đưa sản phẩm đã hoàn thiện ra ngoài để chở về công ty ở KCN Phú Nghĩa

Rác thải trôi theo dòng nước vào nhà dân

Thiếu nước sạch, người dân địa phương phải dùng tiết kiệm những thùng nước tích trữ từ trước.

Nước bẩn ứ đọng nhiều ngày khiến người dân lo lắng nguy cơ dịch tiêu chảy, bệnh ngoài da bùng phát

Nhiều chị em phải mặc quần cao su kéo qua bụng để không bị ướt khi đi trong vùng ngập

Đình Nam Hài bị ngập sâu trong nước

Thành Trí – Hồng Phú

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/3000-nguoi-o-ron-lu-chuong-my-song-nhu-the-nao-899775.html