280 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đến từ châu Á

Châu Á là khu vực có thị phần kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, đặc biệt châu lục này chiếm đến trên 80% kim ngạch nhập khẩu của cả nước.

Tỷ trọng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các châu lục cho thấy ưu thế của "miếng bánh lớn nhất" đến từ châu Á. Biểu đồ: T.Bình.

Tỷ trọng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các châu lục cho thấy ưu thế của "miếng bánh lớn nhất" đến từ châu Á. Biểu đồ: T.Bình.

Chiếm 65,4%

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu cả nước trong tháng 10 đạt 46,61 tỷ USD, tăng 3,3% so với tháng trước.

Tháng 10, trị giá xuất khẩu đạt 24,23 tỷ USD, tăng 3,7% so với tháng trước; nhập khẩu đạt 22,37 tỷ USD, tăng 2,9%.

Kết thúc tháng 10, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 428,63 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 218,82 tỷ USD, tăng 8,3% và nhập khẩu đạt 209,81 tỷ USD, tăng 7,7%. Thặng dư thương mại hàng hóa của cả nước trong 10 tháng qua đạt 9,01 tỷ USD.

Tổng cục Hải quan ghi nhận tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tháng 10 đạt 28,93 tỷ USD, giảm nhẹ 1% so với tháng trước. Qua đó, đưa trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong 10 tháng đạt 271,13 tỷ USD, tăng 4,3%, tương ứng tăng 11,2 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2018.

Đáng chú ý, theo tính toán của Tổng cục Hải quan, cán cân thương mại của khối doanh nghiệp FDI đạt thặng dư 28,53 tỷ USD.

Xét về thị trường xuất nhập khẩu, châu Á là khu vực chiếm ưu thế.

Xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với châu Á khẩu trong 10 tháng đạt 280,35 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2018, chiếm 65,4% tổng kim ngạch của cả nước.

Trong đó, trị giá xuất khẩu là 111,93 tỷ USD, tăng 2,8% và trị giá nhập khẩu là 168,42 tỷ USD, tăng 7,8%.

Đặc biệt, kim ngạch nhập khẩu từ châu Á chiếm đến 80,3% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước trong cùng thời điểm.

Chỉ tính riêng Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đã chiếm đến hơn 56% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước với các tỷ trọng lần lượt là 29,6%; 18,8% và 7,7%.

Nhập siêu lớn

Đáng lo ngại là sự thâm hụt lớn trong quan hệ ngoại thương với Trung Quốc đang bị nới rộng.

Hết tháng 10, cả nước chi tới hơn 62 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc. Kết quả này tăng mạnh tới gần 9 tỷ USD so với cùng kỳ 2018. Điều đáng nói trong khi nhập tăng mạnh thì kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang quốc gia láng giềng này lại có chiều hướng sụt giảm.

Cụ thể, hết tháng 10 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt gần 33 tỷ USD, giảm khoảng 500 triệu USD so với cùng kỳ 2018.

Các yếu tố nêu trên đẩy mức nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc lên mức kỷ lục khoảng 29 tỷ USD chỉ sau 10 tháng đầu năm nay, tăng khoảng 9 tỷ USD so với 1 năm trước đây.

Đáng lo ngại hơn, con số xuất siêu trong 10 tháng đầu năm 2019 còn lớn hơn kết quả của cả năm 2018 (năm 2018 nhập siêu hơn 24 tỷ USD).

Theo dõi của phóng viên từ dữ liệu xuất nhập khẩu của ngành Hải quan trong nhiều năm gần đây cho thấy, mức thâm hụt 29 tỷ USD là con số kỷ lục trong nhiều năm gần đây và chỉ thấp hơn kết quả của năm 2015 (10 tháng đầu năm 2015 nhập siêu hơn 36 tỷ USD và cả năm là hơn 32 tỷ USD).

Ngoài Trung Quốc, Việt Nam cũng chịu mức thâm hụt lớn đến 22,73 tỷ USD từ Hàn Quốc.

Trong 3 đối tác lớn ở châu Á nêu trên, Việt Nam chỉ đạt được thặng dư thương mại hơn 700 triệu USD với thị trường Nhật Bản.

Ngoài các thông tin đáng chú ý về thị trường châu Á, 10 tháng đầu năm 2019 cũng ghi nhận trao đổi thương mại giữa Việt Nam với châu Mỹ đạt 79,43 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2018, là châu lục đạt mức tăng trưởng cao nhất.

Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các châu lục khác lần lượt là: Châu Âu đạt 54,81 tỷ USD, tăng 3,3%; châu Đại Dương đạt 8,05 tỷ USD, tăng 5,4% và châu Phi đạt gần 6 tỷ USD, giảm nhẹ 1%.

Thái Bình

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/280-ty-usd-kim-ngach-xuat-nhap-khau-cua-viet-nam-den-tu-chau-a-115646.html