26 tuổi chết sau 10 ngày nhổ răng khôn, chuyên gia chỉ rõ nguyên nhân khiến nhiều người nhầm tưởng

Thông tin chàng trai 26 tuổi mất mạng sau 10 ngày nhổ răng khôn khiến nhiều người thêm hoang mang lo lắng. Tuy nhiên theo giải thích của bác sĩ, nguyên nhân dẫn đến cái chết của bệnh nhân không phải là nhổ răng, mà là tình trạng cơ thể của chính người bệnh.

Theo báo cáo, ngày 25/5 vừa qua, một bệnh nhân 26 tuổi (ở Hàng Châu, Trung Quốc) bị chảy máu rất nhiều sau khi nhổ răng khôn, sau đó bệnh nhân nhập viện do bị sốt cao. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốt do nhiễm vi khuẩn. Mặc dù được tận tình cứu chữa, nhưng 10 ngày sau đó bệnh nhân đã qua đời. Bác sĩ xác định nguyên nhân dẫn đến cái chết là do xuất huyết não và thoát vị não.

Bệnh nhân mất nhiều máu sau khi nhổ răng khôn. Ảnh minh họa

Bệnh nhân mất nhiều máu sau khi nhổ răng khôn. Ảnh minh họa

Theo các bác sĩ, trong những trường hợp bình thường, nhổ răng khôn không quá nhuy hiểm và không quá nhiều đau đớn nếu được nhổ đúng kỹ thuật. Trong vụ việc này, nguyên nhân gốc rễ cái chết của bệnh nhân không phải là nhổ răng, mà là tình trạng cơ thể của chính người bệnh, sức đề kháng kém và nhiễm trùng vết thương sau khi nhổ răng, cuối cùng, nó lây lan, dẫn đến nhiễm trùng hệ thống.

Tất nhiên, sự xuất hiện của xuất huyết não sau khi nhổ răng cũng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác, chẳng hạn như tắc mạch sau khi nhiễm trùng, đông máu nội mạch lan tỏa do nhiễm trùng hoặc xuất huyết, răng khôn gây đau đớn trong thời gian dài dẫn đến mệt mỏi, căng thẳng kéo dài gây xuất huyết não.

Khi nào cần nhổ răng khôn?

Nhổ răng khôn nên chọn vào thời điểm buổi sáng để phòng biến chứng. Ảnh minh họa

Các chuyên gia nha khoa cho biết, răng khôn liên quan trực tiếp đến cấu trúc giải phẫu quan trọng như xoang hàm, dây thần kinh nên không phải tất cả răng khôn đều cần phải nhổ. Một chiếc răng khôn mọc thẳng, bình thường, không bị kẹt bởi mô xương và nướu, không gây biến chứng, thì nên giữ lại.

Chỉ nên nhổ răng khôn khi việc mọc gây ra các biến chứng đau kéo dài, nhiễm trùng lặp đi lặp lại, u nang, ảnh hưởng đến răng lân cận, hoặc hình dạng răng khôn bất thường, nhỏ, dị dạng, gây nhồi nhét thức ăn…

Thời điểm nhổ răng khôn tốt nhất là từ 18 đến 25 tuổi, khi chân răng hình thành được 2/3. Trên 35 tuổi, việc phẫu thuật nhổ răng khôn sẽ gặp nhiều khó khăn do xương cứng và đặc hơn. Quá trình lành thương, hậu phẫu cũng kéo dài và không thuận lợi.

Lưu ý: Ngoài việc chọn nơi uy tín để nhổ răng khôn, bạn nên chọn nhổ răng vào buổi sáng và tránh vào buổi chiều, phòng trường hợp có biến chứng sẽ được cứu chữa kịp thời.

Khi bạn định nhổ răng, cần phải đảm bảo đã ăn sáng đầy đủ, cố gắng không nhổ răng khi bụng đói đề phòng bị hạ đường huyết.

Nói chung, bạn cần hỏi kỹ nha sỹ về những điều cần chuẩn bị và phòng tránh trước và sau khi nhổ răng khôn.

M.H (th)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/song-khoe/26-tuoi-chet-sau-10-ngay-nho-rang-khon-chuyen-gia-chi-ro-nguyen-nhan-khien-nhieu-nguoi-nham-tuong-20200805163225316.htm